“Gọt” xe ôtô cho... vừa đường ?
 

- Để nâng cao hiệu quả an toàn và bảo vệ các công trình giao thông, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng ôtô tải tự đổ tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, theo các DN, đây là quy trình... ngược.

 

Hình trên. Ôtô tải tự đổ có kích thước trong thùng xe [5,6 x 2,3 x (0,75 + 0,85)]m, thể tích thùng xe: 20,60 m3
Hình dưới : Ôtô tải tự đổ có kích thước trong thùng xe 5,6 x 2,3 x 0,75m, thể tích thùng xe: 9,66 m3 sau khi “cắt gọt” 
 Xu hướng chung của việc phát triển các phương tiện vận tải là phương tiện ngày càng phải lớn hơn, công nghệ cao hơn, hiệu quả sử dụng nhiên liệu cao hơn, an toàn hơn và thân thiện hơn với môi trường. Chỉ có như vây, phương tiện vận tải mới đạt hiệu quả kinh tế cao  trong vận chuyển hàng hóa và hành khách, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Sợ đường hỏng nên phải... cấm

Theo một quan chức của Cục Đăng kiểm VN, thì các ôtô tải nặng đang phá hỏng hệ thống đường sá trên cả nước, do vậy cần phải hạn chế kích thước thùng chở hàng của các loại phương tiện này. Vì thế Bộ GTVT đã ban hành “Thông tư 32/2012/TT-BGTVT ngày 9/8/2012 quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng của ôtô tải tự đổ, ôtô xitéc, rơmoóc và sơ mi tự đổ và rơmoóc và sơmi xitéc. Sau 1 năm ra đời, Thông tư đã bộc lộ nhiều bất cập. Rõ ràng, mục đích của Thông tư là hạn chế trọng tải trên trục xe nhằm bảo vệ đường sá là không sai. Nhưng nên xem lại việc xây dựng đường bộ theo tiêu chuẩn xe hay nhập khẩu xe phải theo tiêu chuẩn đường? Nếu bắt xe phải theo tiêu chuẩn đường thì đây là một quy trình ngược. Thực tế cho thấy, từ ngày 1/10/2012 khi Thông tư 32 có hiệu lực đến nay, tuyệt nhiên tại các cửa khẩu chuyên nhập khẩu các thiết bị xe tải hạng nặng hầu như không có chiếc xe tải ben và xe xitéc nào được nhập khẩu vào nước ta.

 Đi tìm nguyên nhân, chúng tôi nhận thấy: Ví dụ một chiếc xe tải ben có trọng lượng bản thân 20.250 kg, lòng thùng ben kích thước 7.800 x 2.300 x 2.000), tức thể tích là 35,88 m3. Theo Thông tư 32, chỉ có loại xe tải ben được nhập khẩu vào VN với thể tích là 11,7 m3, tương đương kích thước là 7.800 x 2.300 x 650. Các loại xe khác có thể tích lớn hơn 11,7 m3 sẽ không được thông quan. Điều này lý giải vì sao từ khi Thông tư 32 có hiệu lực lại không có chiếc xe tải nào được nhập khẩu về VN.

Lấy ví dụ một  từ loại ôtô tải tự đổ, công thức bánh xe 6 x 4,  có tổng khối lượng có tải là 25.000 kg được nhập từ Trung Quốc.

Chiếc ôtô tải tự đổ này được thiết kế và chế tạo rất linh hoạt phù hợp với mọi nhu cầu khách hàng. Với mục đích giảm tối đa phí đăng ký và đăng kiểm lưu hành, chiếc xe này với kích thước trong thùng thông dụng là 5,6 x 2,3 x 0,75 m (thể tích: 9,66 m3), khối lượng bản thân 12.870 kg sẽ có khối lượng hàng hóa vận chuyển là 12.000 kg.  Theo thiết kế ôtô tải, cứ 1.000 kg tổng khối lượng có tải thì cần 10-13 PS (mã lực) công suất động cơ. Như vậy động cơ cho loại xe này nằm trong khoảng 250-325 PS. Một điểm đáng chú ý là cầu trước của xe có trọng tải 9.000 kg và cầu sau có trọng tải là 2 x 16.000 kg = 32.000 kg. Theo tổng trọng tải trên các trục xe là 41.000 kg thì thùng xe có thể có kích thước [5,6 x 2,3 x (0,75 + 0,85)] m. Tương ứng, nhà sản xuất đã có các động cơ đáp ứng yêu cầu này là 375 PS, 380 PS, 420 PS và 430 PS. Theo quan sát của một nhà nhập khẩu, hầu như không có khách hàng mua xe nào bên nước sở tại sử dụng loại xe có kích thước thùng như VN. Họ tự nguyện đóng phí quá tải và khai thác sử dụng xe hiệu quả nhất trong phạm vi cho phép của nhà chế tạo. Tuy nhiên, với Thông tư 32, nếu muốn loại xe này nhập khẩu về VN, các chủ phương tiện ôtô tải tự đổ này phải sử dụng xe có kích thước thùng nhỏ hơn nhiều so với công suất thiết kế. Điều đó dẫn tới việc lãng phí về hiệu quả vận tải trên tấn hàng vì giá xe nhập khẩu cao, chi phí xăng dầu cao mà năng suất chở hàng giảm đi một nửa.

Xử lý cách nào ?

Ở các nước phát triển trên thế giới, các nhà hoạch định tiêu chuẩn kỹ thuật cho hạ tầng giao thông như đường sá, cầu, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không (sân bay)… đều phải dựa vào tiêu chuẩn kỹ thuật của các phương tiện vận tải hiện có, dự báo gia tăng số lượng phương tiện vận tải, dự báo xu hướng phát triển về kỹ thuật và công nghệ của các phương tiện vận tải trong vòng 5 -10 (thậm chí 20 năm). Đơn cử, cách làm của nước láng giềng Trung Quốc là, nếu khách hàng có nhu cầu thì có thể làm thùng lớn hơn. Khi đó, chủ phương tiện phải nộp phí quá tải cho cơ quan quản lý một cách công khai và minh bạch. Phí được nộp vào ngân sách dùng để bảo dưỡng sửa chữa đường bộ. Càng quá tải nhiều thì phí đóng càng lớn, Rất công khai minh bạch và hạn chế rất nhiều tiêu cực, tham nhũng.

 

VN nên tính đến việc thu phí quá tải. Đây cũng là cách làm minh bạch và có nguồn thu để xây dựng đường sá theo tiêu chuẩn quốc tế.

Còn VN thì sao? Theo một đơn vị nhập khẩu xe ôtô loại này ở Hà Nội cho biết, khách hàng nói nếu chở đúng tải thì có mà “chết đói” do vậy sau đăng kiểm DN này cho lắp thêm hai mảnh nữa để nâng cao thành thùng xe. Một mảnh cao 0,6 – 0,7 mét; mảnh còn lại cao 0,5 mét bằng những bulông cường độ cao chờ sẵn. Đơn vị này cho biết, các DN vận tải “làm luật” với cảnh sát giao thông để tránh bị “bắt”.

 

Thiết nghĩ, nguyên nhân chính gây cho hệ thống đường bộ nhanh chóng xuống cấp là do chất lượng xây dựng đường không đạt chuẩn cộng với “đội quân” đông đảo các loại xe chở quá tải khi tham gia giao thông mà không bị xử lý. Vì vậy Thông tư 32 vô hình trung trở thành hình thức “gọt chân theo giày” khi  đội ngũ xe quá tải của VN vẫn còn rất nhiều trên các cung đường. Khi VN đã hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực thì xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đường giao thông VN theo quy chuẩn quốc tế để đáp ứng được các loại xe có thông số kỹ thuật quốc tế đó mới là mục tiêu phải làm. Tuy nhiên, đó là mục tiêu dài hơi, vì vậy hơn lúc nào hết VN nên tính đến việc thu phí quá tải. Đây cũng là cách làm minh bạch và có nguồn thu để xây dựng đường sá theo tiêu chuẩn quốc tế.
                                                                                                                             Theo: Dddn.com.vn


Các tin khác