“Cố vấn ngược”
Khái niệm cố vấn trong doanh nghiệp không phải mới. Theo đó, những nhân viên có thâm niên, dày dặn kinh nghiệm thường được phân bổ làm công tác “cố vấn” cho những nhân viên trẻ hơn hoặc mới gia nhập công ty. Mục tiêu của hoạt động này nhằm tạo điều kiện để những nhân viên trẻ nhanh chóng hòa nhịp với hoạt động kinh doanh của công ty, kế thừa được những kỹ năng, kinh nghiệm từ các bậc “tiền bối” trong công việc cụ thể của mình. Năm 1999, CEO của tập đoàn General Electric Jack Welch yêu cầu 500 lãnh đạo chủ chốt của GE tìm cách tiếp cận và học tập kỹ năng ứng dụng công nghệ (mạng Internet) từ những nhân viên trẻ, thậm chí còn “chân ướt chân ráo” tại công ty. Khái niệm “cố vấn ngược” (reverse mentoring) ra đời và dù đã tròn một thập kỷ, người làm nhân sự ở Việt Nam thiết nghĩ vẫn nên nghiên cứu và tìm cách vận dụng.

 

Luồng sinh khí mới

workaholic.jpg
Trong thời điểm hiện tại, doanh nghiệp có thể tận dụng được không ít nguồn lực, tinh giản không ít công đoạn trong tiến trình kinh doanh nếu biết áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin. Các hoạt động giao dịch tiến hành qua email, đàm thảo kinh doanh thông qua các giải pháp hội thảo trực tuyến… ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm chú ý, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế toàn cầu. Ngay cả ở góc độ quản trị doanh nghiệp, những kỹ năng máy tính, khả năng sử dụng các phần mềm tiện ích… là rất quan trọng nếu như lãnh đạo doanh nghiệp không muốn bị “chìm nghỉm” trong đống thông tin cần xử lý.

“Tớ học được rất nhiều về kỹ năng khai thác thông tin mạng, thao tác với email… từ các bạn trẻ”, anh Nguyễn Oanh – Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tuổi đã ngoại “ngũ tuần” tâm sự. “Được bổ sung những kỹ năng mới, mình thấy việc kinh doanh của mình bớt mệt và nhàm chán hơn nhiều. Chẳng hạn, cài trên laptop ứng dụng giúp quản lý thời gian mình có thể quên hẳn cuốn lịch bàn. Sử dụng dịch vụ Push Mail hiện đã được cung cấp rộng rãi tại Việt Nam, mình có thể yên tâm không bỏ lỡ những email quan trọng ngay cả khi không ở trong công sở”.

Cũng theo anh Oanh, sẽ rất khó để có thể san lấp khoảng cách về tri thức công nghệ với lớp trẻ. Tuy nhiên, để phục vụ hoạt động kinh doanh, mục tiêu của anh là thu hẹp được càng nhiều càng tốt khoảng cách này.

Kỹ năng công nghệ không phải là thứ duy nhất là những nhân viên mới mang lại cho công ty và tầng lớp lãnh đạo gạo cội. Chưa bị tác động của môi trường làm việc hiện tại, cả
văn hóa doanh nghiệp của công ty, những nhân viên mới thường có góc nhìn khách quan hơn, sáng tạo hơn về doanh nghiệp. Tương tự, ngay cả những nhân viên cũ cấp dưới – đối tượng trực tiếp tham gia cung cấp sản phẩm dịch vụ, khi được hỏi chắc chắc cũng sẵn sàng chia sẻ những góp ý rất thực tế liên quan tới mảng việc mà họ đang đảm nhận. Những đóng góp này vô cùng quan trọng bởi lãnh đạo công ty hoặc cán bộ quản lý chịu tác động của thói quen, các hành vi lặp lại (yếu tố tạo nên kinh nghiệm của họ) thường bị “bịt mắt” trước những những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ nhưng tại có tác động rất xấu tới hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, bản thân thông qua chu trình “cố vấn ngược”, các nhân viên mới, và cả những nhân viên cũ cấp thấp cũng sẽ thích ứng nhanh hơn hoặc cảm giác gần gũi hơn đối với công ty mình đang làm việc.

Cùng vượt qua rào cản tâm lý

Xuất phát từ tính tự ái, những người đã có thâm niên, kinh nghiệm và cấp bậc cao hơn trong một tổ chức thường không sẵn sàng công khai học hỏi từ lớp trẻ. Ăn sâu trong văn hóa doanh nghiệp ở các nước châu Á mà cụ thể là ở Việt Nam, những nhân viên mới vào làm lại có cảm giác kính trọng pha chút e ngại khi tiếp xúc với “sếp”. Khị bị đặt trong tình thế “cố vấn ngược”, những “cố vấn trẻ” cũng cần được hỗ trợ để có thêm tự tin để có thể dễ dàng chia sẻ những kỹ năng mình có.

Anh Minh Nhựt – nhân viên Công ty hỗ trợ ứng dụng tin học HB tại quận Tân Bình chia sẻ: “Có rất nhiều công ty sử dụng dịch vụ của chúng tôi trong khi tôi biết chắc chắn, những vấn đề kỹ thuật cần tới đội ngũ nhân viên kỹ thuật của HB có thể được xử lý bởi ngay những nhân viên đang làm việc tại công ty đó và đa phần họ còn rất trẻ”. Lý giải cho hiện tượng này, theo anh Nhựt, có thể hiểu công ty chưa thành lập bộ phận kỹ thuật riêng nhưng cũng có thể hiểu các sếp và cả những nhân viên gạo cội cảm giác không tự tin lắm khi hỏi nhân viên cấp dưới những trục trặc máy tính – thường là những vấn đề rất nhỏ.

workplace2.jpgVai trò của người làm
công tác quản lý nhân sự lúc này là giúp cả hai nhóm đối tượng loại bỏ rào cản tâm lý. Hãy tìm cách để lãnh đạo, phụ trách các bộ phận trong doanh nghiệp thừa nhận khả năng làm chủ công nghệ của mình có “vấn đề”. Việc làm này khó nhưng là cần thiết bởi đây sẽ là mở đầu thuận lợi để họ loại bỏ tự ái, chịu bị “cố vấn” bởi các nhân viên cấp dưới.

Bước tiếp theo là định vị các nhân viên, đặc biệt là “lính mới”, am hiểu về công nghệ và lập nhóm (một nhân viên và “kèm” một sếp).
Định kỳ các buổi họp và cơ chế trao đổi thông tin để nhân viên giỏi về công nghệ có thể truyền thụ những kỹ năng của mình một cách hiệu quả nhất cho sếp. Quá trình “cố vấn ngược” nên được bắt đầu từ những kỹ năng cơ bản như cách sử dụng các công cụ tìm kiếm, sử dụng email… rồi tiếp tục nâng dần tới các ứng dụng phức tạp hơn như hội thảo trực tuyến, mua hàng qua mạng. Trong quá trình “cố vấn ngược”, cần đặc biệt chú trọng vấn đề thực hành. Ví dụ khi được “sếp” gọi nhờ xử lý trục trặc với trình duyệt email Outlook Express, “lính mới” cần đảm bảo rằng “sếp” sẽ nắm hết được các bước cần tiến hành để lần sau có thể “độc lập tác chiến” nếu lỗi tương tự còn tiếp tục phát sinh!

Nhà quản lý luôn đặt ra mục tiêu cụ thể cho mỗi chiến dịch mình phát động, trường hợp này cũng không ngoại lệ. Để đảm bảo thành công của “cố vấn ngược”, bạn cần có báo cáo định kỳ về tác dụng của những kỹ năng mới có được từ các nhân viên mới đối với hoạt động kinh doanh của công ty. Hãy đưa ra những điều chỉnh về cách tiếp cận, định hướng triển khai nếu thấy cần thiết.

Bài viết SAGA giới thiệu trên Báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần số 298, ra ngày 1/5/2009

www.SAGA.vn l Đức Cường - DNSGCT


Các tin khác