Nâng cao trình độ cho người lao động: DN đóng vai trò quan trọng

Giai cấp công nhân, người lao động luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước, trong đó có sự phát triển về kinh tế, nhất là trong giai đoạn đổi mới, hội nhập vừa qua. Tuy nhiên, làm thế nào để nâng cao chất lượng, trình độ của giai cấp công nhân, đáp ứng nhu cầu và phù hợp với giai đoạn phát triển mới ? Vai trò của DN về vấn đề này ? ...

Những lao động có trình độ cao đã được đào tạo hiện nay cũng chỉ đáp ứng được 15-20% yêu cầu của DN. (Ảnh: Đào tạo kỹ sư Cơ Nhiệt lạnh tại ĐH BK Hà Nội)
 Cách đây gần 1 năm, BCHTƯ Đảng đã ban hành Nghị quyết 20 về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân VN thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước". Nghị quyết nhấn mạnh việc cần thiết xây dựng giai cấp công nhân VN lớn mạnh, có trình độ cao về nghề nghiệp trong giai đoạn phát triển mới. Hiện nay, các địa phương, DN trong cả nước đang đẩy mạnh thực hiện và lấy NQ làm kim chỉ nam để sớm xây dựng được đội ngũ công nhân, lao động VN có trình độ cao, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế...

Chưa đáp ứng yêu cầu

Đó là những yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề, có tay nghề cao... Thực tế cho thấy hiện chỉ có khoảng 30% lao động VN được qua đào tạo. Bên cạnh đó, những lao động có trình độ cao đã được đào tạo hiện nay cũng chỉ đáp ứng được 15-20% yêu cầu của DN, nhưng phải tiếp tục đầo tạo thêm 2-3 năm nữa. Điều này dẫn đến việc nhiều DN đang thiếu lao động nhưng không sao tuyển được đủ. Ngay như đội ngũ sinh viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của DN mà một trong những nhược điểm lớn nhất của họ hiện nay là thiếu khả năng tư duy, sáng tạo và tính chủ động trong công việc. Bà Florance Marioranjtham - GĐ nhân sự Cty TNHH Panasonic VN cho biết: Năm 2010, Cty  có nhu cầu tuyển dụng trên 4.000 người trong đó có không ít kỹ sư thuộc các ngành: điện, điện tử, cơ khí. Nguồn cung chủ yếu là tuyển dụng trực tiếp từ các trường đại học trong nước. Thế nhưng dù đã có chương trình tuyển dụng rất sớm, Cty vẫn gặp  khó khăn do không có đủ lực lượng đáp ứng yêu cầu.

Hai vấn đề tồn tại

Theo các chuyên gia thì có hai vấn đề tồn tại song song từ lâu nhưng chưa có lời giải căn cơ khiến chất lượng lao động VN chưa đáp ứng được nhu cầu, đó là : quy mô đào tạo nghề và trình độ tay nghề của công nhân. Bản thân giáo trình, mô hình đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề ở VN luôn “lệch pha” so với nhu cầu của DN. Đấy là chưa kể công tác dự báo về nhu cầu lao động trên thị trường cũng chưa tốt, chưa bài bản...

Theo Tổng cục Dạy nghề, trong cơ cấu lực lượng lao động VN từ 2005-2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tuy có tăng qua các năm, từ 19% năm 2005 (dân số 83 triệu người) đến 30-32% năm 2010 (dự kiến), 45% năm 2015 và ước tính đạt 55% (dân số ước 98,5 triệu) vào năm 2020, nhưng vẫn rất thấp so với quy mô dân số và nhu cầu của thị trường.

Vai trò của DN

Để có thể xây dựng được đội ngũ công nhân lao động lành nghề, đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện nay, DN đóng vai trò hết sức quan trọng. Cũng bởi điều này mà đã có rất nhiều DN không tiếc tiền của, công sức để đầu tư đào tạo nâng cao trình độ cho những lao động đang làm việc, mặt khác liên tục  tuyển dụng với mong muốn xây dựng được đội ngũ nhân sự trình độ cao.

Cuộc khảo sát mới đây của Cty Grant Thornton tiến hành trên 34 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, nhiều DN hiện xem nguồn lao động là một tài sản quý báu. Họ chú trọng đến công tác đào tạo và bồi dưỡng cho nhân viên nhiều hơn bao giờ hết. 69% DN ở VN nói rằng họ chi cho công tác đào tạo với mức chi phí nhiều hơn so với trước đây, trong khi trung bình của thế giới chỉ có 63% DN làm việc này.

Bản báo cáo về tình hình lao động, nguồn nhân lực mới đây của VCCI cũng chỉ ra rằng, cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và DN để thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội mà Chính phủ và Bộ GD - ĐT đề ra. Các hiệp hội  DN và các DN cũng đã có những ký kết cụ thể với cơ sở giáo dục đào tạo. Tức là DN đặt hàng ngành giáo dục đào tạo trong việc cung ứng lao động chất lượng cao. Các DN không thể đứng ngoài hệ thống giáo dục đào tạo, chỉ đòi hỏi, yêu cầu, đặt hàng, mà họ phải trở thành một trong những chủ thể quan trọng nhất của đào tạo, chủ động tổ chức đào tạo để đáp ứng nhu cầu của chính mình và của xã hội.

Để nâng cao trình độ người lao động, không còn cách nào khác, chính các DN phải chủ động và có những giải pháp cụ thể. Chẳng hạn,  các DN cần có những chính sách ưu đãi riêng để “chiêu mộ” người lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững về làm việc trong đơn vị mình. Ngoài việc chiêu mộ lao động có tay nghề cao, từng DN cần phối hợp với các trường kỹ thuật tiến hành đào tạo, đào tạo lại để người lao động có điều kiện hoàn thiện tay nghề và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công việc. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng: Nếu lãnh đạo DN không bắt tay vào việc phát triển nhân tài cho chính DN của mình thì sẽ phải trông chờ vào nơi khác, hoặc phải dùng lương cao và phúc lợi hấp dẫn hơn để thu hút những người mà chưa chắc kiến thức và kỹ năng của họ khiến bạn hài lòng 100%.

Có thể thấy, nâng cao trình độ cho người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho họ là một cách thiết thực, cụ thể và nó đang là những nhiệm vụ hàng đầu của cộng đồng DN. Bởi ai cũng hiểu rằng, chăm lo tốt cho người lao động chính là nghĩa vụ trước pháp luật, là tố chất nhân văn của chủ DN đối với người lao động và là đạo đức kinh doanh, văn hóa - văn minh của doanh nghiệp VN trong giai đoạn hiện nay.

* Chiến lược xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; đảm bảo hài hoà lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân.

* Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hoá giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt quan tâm xây dựng thế hệ công nhân trẻ có học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, có lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành bộ phận nòng cốt của giai cấp công nhân.

(Trích Nghị quyết 20 - NQ/TƯ của Ban Chấp hành TƯ Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân VN thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước)

Quốc Anh


Các tin khác