Vật liệu xây dựng "kêu cứu"
 
 
 

 
Nhiều doanh nghiệp trong ngành đang có dấu hiệu phá sản. 

Hội Vật liệu xây dựng vừa có văn bản “trình bày” với Thủ tướng, các bộ và cơ quan ngang bộ về khó khăn của ngành mình.

“Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất, sản phẩm tồn kho khối lượng lớn, kinh doanh thua lỗ; nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu phá sản”, văn bản của Hội nhấn mạnh.

Tình cảnh hiện nay đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng có nguyên nhân từ việc đầu tư công bị cắt giảm, các dự án bất động sản tạm dừng hoặc giãn tiến độ, nhiều công trình xây dựng không có vốn để triển khai… Kết quả là nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nửa đầu năm 2012 giảm đáng kể.

Chẳng hạn như ngành xi măng, trong những tháng đầu năm 2012 sản xuất và tiêu thụ đều đạt mức thấp với chi phí đầu vào tăng cao. Riêng trong quý 1/2012, giá các yếu tố nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tiếp tục tăng so với cuối năm 2011, trong đó giá xăng dầu tăng 10% đến 12%, than tăng 10%, điện tăng 5% và nguyên liệu khác tăng khoảng 7%. Trong khi đó, giá bán sản phẩm của nhiều nhà máy xi măng không những không tăng mà còn giảm từ 3-5% so với cuối năm 2011.

Do những khó khăn trong khâu bán hàng, tính đến cuối tháng 4/2012, tổng sản phẩm tồn kho của các nhà máy xi măng, chưa tính đến lượng tồn kho tại các đại lý, cửa hàng, ước tính là 2,8 triệu tấn trong đó clanhke tồn 2,1 triệu tấn, xi măng tồn 0,7 triệu tấn.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), sản lượng xi măng sản xuất trong các tháng quý 1 và 2/2012 chỉ đạt khoảng 85% cùng kỳ năm trước.

Điển hình như Công ty Xi măng Hoàng Thạch đã phải dừng 1 dây chuyền sản xuất clanhke do lượng tồn kho lớn. Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long sản xuất xi măng đạt 17% công suất thiết kế, clanhke đạt 52% công suất thiết kế. Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành dừng sản xuất clanhke và chỉ nghiền xi măng từ lượng tồn năm 2011…

Trước đó, trong bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết nhiều doanh nghiệp xi măng hoạt động kinh doanh còn lỗ, với số lỗ luỹ kế đến cuối năm 2011 lớn như xi măng Tam Điệp, Hải Phòng, Cẩm Phả, Hạ Long, Thăng Long, Đồng Bành...

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, không tự cân đối được nguồn trả nợ phải đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cho vay từ Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài để trả nợ vay đúng kỳ hạn.

Nhưng không chỉ có xi măng, lượng tồn kho toàn ngành gạch ốp lát khoảng 50 triệu m2 quy chuẩn, tương đương sản lượng 2 tháng sản xuất theo công suất thiết kế. Đã có khoảng 40 dây chuyền phải dừng sản xuất từ 1 đến 2 tháng, tương ứng 30% năng lực sản xuất toàn ngành. Cá biệt có nhà máy dừng 60% năng lực sản xuất.

Điển hình như tại Tổng công ty Viglacera, lượng tồn kho gạch cotto tương ứng với sản lượng của 2,5 tháng sản xuất, sản lượng bình quân chỉ đạt từ 50% đến 60% công suất thiết kế. Thu nhập bình quân của người lao động trong quý 1/2012 chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch năm, cá biệt có nhà máy thu nhập bình quân của người lao động chỉ đạt 40% kế hoạch năm.

Tương tự, đối với mặt hàng kính tấm lượng tiêu thụ ước giảm khoảng 30% so với năm 2011. Cả nước hiện có 7 doanh nghiệp sản xuất kính tấm lớn với công suất thiết kế 150 triệu m2 nhưng tồn kho đến cuối tháng 4/2012 của các doanh nghiệp này khoảng 50 triệu m2 quy tiêu chuẩn, tương đương sản lượng kính của 4 tháng sản xuất. Trong con số đó, riêng kính nổi tồn kho 47 triệu m2, tương ứng sản lượng 5 tháng sản xuất.

Cũng do khó khăn từ thị trường, từ năm 2011 đến cuối tháng 4/2012 đã có 3/4 lò kính cán in hoa dừng sản xuất làm giảm 85% sản lượng mặt hàng này của toàn ngành kính. Riêng Tổng công ty Viglacera có 3 dây chuyền sản xuất kính với công suất 33 triệu m2, ước tồn kho đến cuối tháng 4/2012 là 11,7 triệu m2.

Ngoài ra, kính gia công tiêu thụ ước giảm 40% so với cùng kỳ năm 2011. Với tình hình tiêu thụ khó khăn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao khiến một số nhà máy tiếp tục dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Có doanh nghiệp đã giảm đến 40% lao động so với cuối năm 2011.

Còn theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, trong các tháng đầu năm 2012, lượng thép sản xuất của các thành viên trong Hiệp hội đã giảm 13,66% so với cùng kỳ năm 2011; tồn kho tính đến cuối tháng 4/2012 là 255.607 tấn.

Ngoài ra, Hội cũng kiến nghị các giải pháp về giảm thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm vật liệu xây dựng; hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà, mua vật liệu xây dựng; giãn nợ, khoanh lãi các khoản vay đầu tư trước đây của doanh nghiệp; xây dựng chương trình xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng…

Theo: Stox.vn

Các tin khác