Do lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao khiến các doanh nghiệp ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất. Ảnh: Thanh Hải
Đã 5 tháng của năm 2012 trôi qua, song vẫn chưa có một dấu hiệu nào sáng sủa với ngành xây dựng. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, giá trị sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Bộ thực hiện 5 tháng của năm 2012 giảm so với cùng kỳ năm 2011. Giá trị sản xuất kinh doanh thực hiện tháng 5 năm 2012 đạt 14,3.000 tỷ đồng, 5 tháng năm 2012 đạt 61,8.000 tỷ đồng, bằng 36,1% so với kế hoạch năm, bằng 99,5% so với cùng kỳ năm 2011. Mặc dù tổng giá trị xây lắp có tăng so với cùng kỳ năm 2011 (104,4% so với cùng kỳ năm 2011) và phần lớn là các công trình chuyển tiếp từ năm 2011, tạo những thuận lợi nhất định trong việc thực hiện, nhưng tiến độ nhiều công trình trọng điểm rất căng thẳng. Nhiều công trình không thể triển khai thi công tiếp do việc thu xếp vốn của chủ đầu tư không kịp thời, nhất là các công trình ngành điện thuộc EVN, PVN (hiện đang nợ của Tập đoàn Sông Đà đến thời điểm này ước khoảng trên 7.000 tỷ đồng). Ngoài ra, những vướng mắc lớn trong đền bù, giải phóng mặt bằng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai thực hiện công trình, nhất là các công trình giao thông.
Sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) đang ở trong tình trạng đình đốn do việc cắt giảm đầu tư cũng như hệ lụy từ sự đóng băng của thị trường bất động sản. Giá trị sản xuất công nghiệp và VLXD (kể cả Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam) 5 tháng năm 2012 đạt hơn 23.000 tỷ đồng, bằng 37% so với kế hoạch năm, bằng 97,8 % so với cùng kỳ năm 2011. Lượng hàng tồn rất cao, nhiều doanh nghiệp đã phải giảm công suất khai thác để tránh thua lỗ thêm. Ví dụ như, việc tạm dừng khai thác một dây chuyền của Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, nhà máy cán thép Sông Hồng; nhà máy granit Tiên Sơn dừng hoạt động khoảng 2 tháng, nhà máy gạch Men Thăng Long dừng 45 ngày để tiêu thụ hàng tồn kho... Việc dừng sản xuất hoặc giảm công suất khai thác đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất và làm giảm khả năng thanh toán nợ cho các tổ chức tín dụng. Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho biết, hiện nay, hàng tồn kho sản phẩm VLXD rất lớn. Không bán được hàng cộng với vốn vay ngân hàng lớn, nên hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu vốn lưu động, không ít doanh nghiệp đã cạn vốn, phải tạm dừng sản xuất còn số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng chiếm tới 30 - 40% tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực VLXD.
Nhiều doanh nghiệp VLXD cũng rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất, một số không trụ nổi dẫn đến phá sản. Lượng hàng tồn kho ngày một lớn, trong khi chi phí cho sản xuất tăng cao do các nhiên liệu đầu vào: điện, than, xăng dầu… tăng giá mạnh, lãi suất vay vốn cao khiến doanh nghiệp càng gặp khó khăn. Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đang khó thu hồi khoản nợ bán hàng lên đến vài trăm tỷ đồng và ngược trở lại họ phải nợ các nhà cung cấp tiền than, tiền điện.
Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang phải đối mặt với những thách thức như nợ lớn, hàng tồn kho nhiều, không còn nguồn vốn để đầu tư, hoàn thiện dự án… đã gây ra tình trạng nhiều dự án bất động sản buộc phải dừng vô thời hạn. Lượng tiền mặt của đa số các doanh nghiệp đang ở tình trạng cạn kiệt. Với không ít doanh nghiệp, số nợ vay đã cao hơn vốn chủ sở hữu. Vì vậy, theo Bộ Xây dựng, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn gặp nhiều khó khăn./.
Theo:KTDT.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, trong quý I/2012, có đến 2.400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản làm thủ tục giải thể; 11.600 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế.
|