Chính sách kích cầu dựa trên cơ sở lý luận của nhà kinh tế John Maynard Keynes lại được thực hiện rộng rãi ở khắp mọi nước trên thế giới vì cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ lan rộng khắp nơi.
Chính sách này đơn giản chỉ như thế này: khi kinh tế không toàn dụng lao động, vì một lý do nào đó, đưa đến sự mất tin tưởng vào tương lai, thì nhà nước phải can thiệp.
Thí dụ thị trường nhà đất lên giá quá cao so với giá trị thực, người mua từ chối mua, người bán phải xuống giá, thị trường địa ốc đình đốn. Hệ quả là ngân hàng và hệ thống tài chính không còn dám cho vay dễ dàng và như thế phải tăng lãi suất, ngành xây dựng đình đốn, kéo theo hàng loạt các hoạt động khác đình đốn. Đồng thời vì tín dụng giảm và lãi suất tăng, nhiều hoạt động tài chính mang tính đầu cơ bị phá sản vì mất khả năng chi trả, phải sa thải người.
Để ngăn chặn một phản ứng dây chuyền như thế, nhà nước làm hai động tác: bơm tiền để giảm lãi suất, đẩy mạnh tín dụng và tăng chi tiêu nhà nước bằng biện pháp chấp nhận thiếu hụt ngân sách nhằm lấp khoảng trống và tăng sản xuất.
Về ngắn hạn, suy thoái kinh tế bị chặn đứng. Từ đó các nhà làm chính sách hy vọng niềm tin được củng cố lại và kinh tế sẽ trở lại bình thường.
Quốc hội Mỹ đã thông qua quyết định chi kích cầu 789 tỉ đô la (65% nhằm tăng chi và 35% là nhằm giảm thuế) với mục tiêu giảm thất nghiệp ngay sau khi ông Obama nhậm chức Tổng thống vào ngày 11/2/2009. Chương trình chi tiêu có hiệu lực ngay, nhưng có thể kéo dài tới năm năm.
Không một dân biểu Cộng hòa nào bỏ phiếu thuận và chỉ có 3 phiếu thuận của Đảng Cộng hòa ở Thượng viện. Số chi kích cầu đang được bàn có thể tăng lên 862 tỉ đô la, bằng 6% GDP. Nhà Trắng cho rằng với số tiền như thế sẽ tạo ra thêm 3,5 triệu việc làm, và đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống 8% năm 2009.
Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 10% vào tháng 1 và 9,7% vào tháng 2-2010, tức là khoảng hơn 10 triệu người. Nguyên năm 2009, có hơn 3 triệu người mất việc. Các quan chức Nhà Trắng cho rằng nếu không có kích cầu như thế, số người mất việc năm 2009 đã là 5 triệu người, như vậy thực tế đã tạo thêm được 2 triệu việc làm. Đảng Cộng hòa chỉ muốn giảm thuế thay vì tăng chi nên tiếp tục chống Obama. Dù có thành công, thì rõ ràng Obama đã không đạt được điều mà chính sách kích cầu đưa ra ngay từ đầu.
Thế là nổ ra cuộc tranh luận mới đây về hiệu quả của chính sách kích cầu.
Ông Robert Barro, Giáo sư Đại học Harvard, trên báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 22/2/2010 cho rằng tỷ số hiệu ứng (multiplier) chỉ là 0,4 trong năm chi đầu tiên và 0,6 trong hai năm đầu. Có nghĩa là nếu nhà nước dùng biện pháp tăng chi bằng vay mượn thì chi 300 tỉ đồng trong năm đầu chỉ tăng GDP được 120 tỉ và 300 tỉ đồng tiêu năm thứ hai sẽ tăng GDP được 180 tỉ.
Nói tóm lại, hiệu ứng ngắn hạn là dương nhưng tỷ lệ hiệu ứng nhỏ hơn 1. Và tổng tỷ lệ hiệu ứng tính trong năm năm là -300 tỉ, hiệu ứng là âm ở những năm sau là do phải tăng thuế để trả tiền vay. Như vậy kích cầu có lợi trước mắt vì tăng GDP nhưng về dài lâu hiệu ứng tổng cộng là âm. Tiêu đi tất cả 600 tỉ nhưng lại làm giảm GDP 300 tỉ.
Bà Christina D. Romer, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Tổng thống Obama, trước đây là Giáo sư Đại học Berkely trong một bài diễn văn xuất hiện trước khi ông Barro có bài ngắn trên WSJ nói ở trên, đã trả lời rằng ông Barro đã tính toán dựa vào số liệu thời chiến tranh Hàn Quốc, bằng cách lấy số tăng GDP chia cho số tăng chi phí nhà nước, và do đó tìm thấy hiệu ứng nhỏ hơn 1, nhưng ông Barro quên rằng thời đó, chi tiêu nhà nước đã được tài trợ bằng thuế, do đó hiệu ứng của tăng thuế là làm giảm sản xuất. Làm thế ông Barro quên hiệu ứng của các yếu tố khác trong thời kỳ hiện nay.
Theo bà Romer, cắt 1 đồng thuế thì tăng GDP được 1 đồng, nhưng tăng chi tiêu (bằng vay mượn) thì tăng GDP được 1,6 đồng. Tỷ lệ hiệu ứng là 1,6. Tất nhiên người viết bài này chỉ đọc các bài viết trên báo, chứ chưa đọc các bài viết khoa học của hai tác giả trên nên không thể bàn về các nguyên tắc tính toán của hai tác giả. Tuy nhiên kết quả quá khác nhau trên là điều khó tưởng tượng.
Vậy thì cũng nên xem xét lại kết quả này dựa trên lý luận kinh tế.
Cuộc tranh luận không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật, vì có yếu tố con người không dễ dự đoán. Nhà kinh tế không thể sử dụng các biện pháp phòng thí nghiệm, giữ các yếu tố kinh tế khác cố định và chỉ xem xét hiệu ứng giữa hai yếu tố là GDP và chi tiêu nhà nước. Yếu tố con người là kỳ vọng về tương lai khó đoán.
Tất nhiên có hai loại kỳ vọng: kỳ vọng dùng thống kê đoán được và kỳ vọng không thể đoán được. Thời gian qua chính cái kỳ vọng không thể đoán được đã xảy ra và đã tạo ra khủng hoảng. Về mặt lý thuyết kinh tế, có thể ai cũng đồng ý rằng khi giá cả đi quá xa mức giá “hợp lý” thì các yếu tố trên thị trường sẽ bắt nó điều chỉnh, nhưng vấn đề là khi nào đám đông kia thấy nó là bất hợp lý.
Kết luận của bà Romer là nhà nước cứ tăng chi 1 đồng thì sẽ tạo ra 1,6 đồng GDP, có vẻ khó tin vì như vậy nhà nước có thể giải quyết vấn đề suy thoái quá dễ dàng: cứ việc vung tiền chi để đưa kinh tế đến toàn dụng, nhanh chóng giải quyết thất nghiệp.Vậy thì chính phủ nào mà chẳng làm?
Về mặt lý thuyết, bà Romer hình như chỉ nói đến một nửa vấn đề - vấn đề hiệu ứng ngắn hạn. Còn nửa hiệu ứng sau khi chi thì hình như bà ta quên. Nửa vấn đề kia nằm ở điều tưởng như phức tạp nhưng đơn giản như thế này.
Nếu tôi mượn ở đâu đó 1 đồng để tiêu (tránh in tiền để tạo ra lạm phát) và nếu như người có tiền cho vay không giảm chi tiêu của họ, thì tôi sẽ tạo thêm ngay ra 1 đồng GDP, và khi cộng thêm hiệu ứng thúc đẩy sản xuất và chi tiêu ở chỗ khác trong thời gian sau đó thì tổng hiệu ứng là 1,6 đồng chẳng hạn như bà Romer tính.
Thế nhưng trong tương lai, nhà nước phải trả lại 1 đồng đi vay này bằng cách đánh thuế. Người bị đánh thuế tất giảm chi, nhưng giả dụ họ giảm chi ở mức cao nhất là 1 đồng. Như vậy hiệu ứng của đồng bị đánh thuế cao nhất cũng sẽ là -1,6 đồng.
Và nhìn tổng thể toàn quá trình vận hành của chính sách, tổng GDP không thay đổi: tăng GDP lúc đầu sẽ bị trả giá bằng giảm GDP lúc sau. Hay nói một cách đơn giản, chính sách tài khóa đổi tăng GDP trong ngắn hạn, bằng giảm GDP trong dài hạn, nếu như các yếu tố khác không thay đổi.
Nếu phân tích sâu hơn một chút thì ta có thể sửa đổi các giả thiết mà tôi đã dùng ở trên, chẳng hạn nhà nước vay thì có thể làm tư nhân không vay được (điều này có thể không xảy ra trong thời khủng hoảng vì tư nhân không muốn vay nhằm tăng sản xuất lúc này) và khi đánh thuế, người bị đánh thuế sẽ không giảm tiêu bằng số thuế phải trả mà giảm ít hơn.
Như vậy thời kỳ hai, GDP có thể giảm ít hơn 1,6 đồng. Tuy nhiên, nếu ta lại giả định rằng nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn tư nhân, việc chuyển sản xuất của tư nhân sang nhà nước nói chung sẽ làm giảm GDP ở thời kỳ hai. Tổng hợp hiệu ứng trong toàn chu kỳ áp dụng chính sách kích cầu, GDP có thể khoảng bằng 1 và ở Việt Nam thì chắc là âm.
Cho nên nếu nhìn tổng quát, ta phải thấy có sự trả giá cho việc mượn hôm nay để tiêu. Tất nhiên, chính sách Keynes là cần thiết để ngăn chặn suy thoái quá mức trong hiện tại, nhưng không thể coi chính sách kích cầu là biện pháp nhằm phát triển.
Và đây chính là vấn đề Việt Nam cần xem xét. Kích cầu tăng chi nhà nước, và việc tăng chi này chỉ có thể dựa vào hai nguồn, phát hành thêm tiền, tăng tín dụng hoặc/và vay mượn nước ngoài.
Ở Việt Nam thì không thể nói đến việc vay mượn trên thị trường nội địa. Biện pháp kích cầu bằng biện pháp tăng cung tiền, tăng tín dụng lại đẻ ra vấn đề lạm phát và hậu quả của nó. Hậu quả phân chia lại lợi tức trong xã hội là người nghèo sẽ nghèo thêm vì sức mua giảm và người giàu nắm tài sản được cứu nguy vì chính sách bù lỗ lãi suất.
Hậu quả thứ hai là nếu tăng cung tiền, tăng tín dụng thì sẽ nhập siêu, đồng tiền mất giá và áp lực lạm phát. Và với biện pháp vay mượn, thì sẽ phải trả nợ. Muốn trả nợ thì phải tăng thuế. Và như ai cũng biết khu vực quốc doanh có hiệu quả thấp hơn khu vực tư, chính sách kích cầu ở Việt Nam tất nhiên về dài lâu tính chung chắc chắn có hiệu quả âm với GDP.
Chính sách kích cầu tất nhiên là giảm được ảnh hưởng của khủng hoảng nhưng đồng thời tạo thêm ra các yếu tố tiêu cực cho nền kinh tế.
Cho nên vấn đề của Việt Nam hiện nay và kể cả của Mỹ là giải quyết vấn đề nợ quốc gia, áp lực lạm phát vì tăng cung tiền như thế nào, để nền kinh tế thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của chính sách kích cầu? Kích cầu có cái giá phải trả của nó.
Một điều cuối cùng cũng cần nói là việc in tiền rất lớn ở Mỹ chưa làm tăng thêm tổng cung tiền tệ (thậm chí nói chung trong 13 tháng qua cung tiền tệ gần như không tăng), vì nền kinh tế Mỹ giống như quả bóng thủng lỗ, xì hơi, nên các máy bơm có chạy hết công suất cũng chỉ làm quả bóng đỡ xẹp. Do đó, khi mà các lỗ thủng tự hàn thì phải có các biện pháp tháo gỡ máy bơm.
Ở Việt Nam, chính sách kích cầu đã đưa tổng cung tiền tăng cao, không thua gì năm 2008, vì vậy không thể không xem xét các yếu tố tiêu cực nhằm giải quyết chúng. Những biện pháp giải quyết cần thiết này cũng chỉ nhằm đưa nền kinh tế trở về lại điều kiện như trước đây, chứ không làm nền kinh tế tốt hơn, hiệu quả hơn. Vấn đề hiệu quả là kết quả của cải cách.
Vũ Quang Việt