Tổ chức lớn thoái vốn, áp lực đến đâu?
Năm 2011, TTCK sẽ tiếp tục chứng kiến việc nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái vốn theo lộ trình tái cơ cấu hoạt động, tập trung đầu tư vào ngành nghề cốt lõi. Ngoài ra, một số quỹ đầu tư cũng đến giai đoạn thoái vốn. Trong bối cảnh TTCK đang “vật vã” trước tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước và hệ luỵ của làn sóng phát hành thêm năm 2010, đây chắc chắn sẽ là những yếu tố khiến giới đầu tư tài chính phải cân nhắc.

Áp lực thoái vốn gia tăng 

Trước tiên phải kể đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và các tổng công ty trực thuộc đang triển khai bán bớt phần vốn tại các công ty thành viên thông qua sàn giao dịch chứng khoán hoặc thỏa thuận. Trong nhiều cuộc tiếp xúc với báo chí, lãnh đạo PVN nhận được câu hỏi và cả phê phán về việc thoái vốn qua TTCK với khối lượng lớn, gây áp lực lên nguồn cung. Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cho biết, đổi mới và tổ chức sắp xếp lại hoạt động của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn là định hướng lớn, không vì bất cứ lý do gì mà chậm lại. Năm 2011, PVN sẽ triển khai việc tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và các lĩnh vực không liên quan nhiều đến hoạt động sản xuất - kinh doanh chủ đạo của Tập đoàn.

Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVF) từ đầu năm đến nay bán ra 2 triệu cổ phiếu DPM, đang đăng ký bán 2,1 triệu cổ phiếu PVL, 1 triệu cổ phiếu PV2 đến tháng 4. Một lãnh đạo của PVF khi được hỏi về mục đích bán cổ phiếu cho hay, giá vốn đầu tư thấp hơn mức giá hiện tại. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, khoản đầu tư có lãi nên Tổng công ty quyết định thoái bớt vốn. Năm 2010, PVF đã cơ cấu danh mục đầu tư từ vài trăm dự án, mã cổ phiếu xuống còn một nửa và năm nay tiếp tục đặt mục tiêu cơ cấu ít nhất 35% - 40% danh mục, tập trung vào những dự án được đánh giá có triển vọng. Trong cơ cấu mục tiêu lợi nhuận của PVF, mảng đầu tư đóng góp khoảng 30% - 40%.

Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVX), tính đến cuối năm 2010, đầu tư góp vốn vào các đơn vị trực thuộc là 3.211 tỷ đồng, trong đó góp vốn vào các công ty con, chiến lược dài hạn là 2.675 tỷ đồng, góp vốn đầu tư ngắn hạn là 536 tỷ đồng. Năm 2010, PVX đã cơ cấu lại một số khoản đầu tư như bán bớt phần vốn tại PVA, ICG, CTCP Xi măng 12/9, PVIT, PVE, PVL, thu hồi vốn đầu tư 278 tỷ đồng và đem lại lợi nhuận 281 tỷ đồng.

Năm 2010, PVX có 13 đơn vị thành viên đã thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán. Việc thoái vốn được thực hiện chủ yếu qua sàn giao dịch theo phương thức khớp lệnh. Dự kiến, năm 2011, PVX bán thu hồi phần vốn đầu tư tại các đơn vị 603,5 tỷ đồng.

Mới đây, CTCP Vincom (VIC) đăng ký bán toàn bộ 22,5 triệu cổ phiếu VIX bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, nhằm chấm dứt sự hiện diện trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán. Cổ phiếu VIX hiện có thị giá 10.900 đồng/CP, thanh khoản mỗi phiên khá thấp, khoảng 20.000 - 30.000 cổ phiếu/phiên.

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam trong định hướng năm 2011 cũng đề cập đến việc cơ cấu lại các khoản đầu tư bằng cách thoái bớt vốn trong danh mục đầu tư, trong đó có nhiều chứng khoán đang được niêm yết trên sàn.

Với nhiều quỹ đầu tư bắt đầu hoạt động tại Việt Nam thời điểm TTCK khởi sắc năm 2005 - 2006, thì bây giờ đang ở giai đoạn thoái vốn theo lộ trình. Đơn cử như Quỹ Mekong Enterprise Fund II, trong tháng 2/2011 đã hoàn tất việc thoái vốn tại CTCP Hàng gia dụng Quốc tế ICP. Toàn bộ số cổ phiếu ICP mà Mekong Enterprise Fund II nắm giữ được bán cho Marico, Ltd., một công ty ngành hàng tiêu dùng tại Ấn Độ. Quỹ thực hiện khoản đầu tư vào ICP vào tháng 10/2006. Mekong Enterprise Fund II là quỹ đầu tư cổ phần riêng lẻ, khai trương năm 2002, với vốn cam kết 18,5 triệu USD. Quỹ đã thực hiện 10 khoản đầu tư trong giai đoạn 2003 - 2005 và hiện đang trong quá trình thoái vốn.

Thoái vốn bằng nhiều cửa

E ngại sức cầu trên TTCK yếu nên PVN sẽ chọn các đối tác có tiềm lực, có công nghệ để bán bớt phần vốn tại một số dự án có vốn đầu tư lớn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch. Phương thức bán thỏa thuận được PVN ưu tiên như đàm phán với Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) để bán bớt phần vốn của Tập đoàn tại PVX xuống 30% vốn điều lệ. Việc tìm kiếm các nhà đầu tư mua cổ phần trong giai đoạn khó khăn hiện nay không phải không có hy vọng. Giá cổ phiếu của CTCK Dầu khí (PSI) trên sàn hiện chỉ có 11.000 đồng/CP, trong khi Nikko Cordial sẵn sàng trả giá 15.000 đồng/CP với giá trị khoản đầu tư gần 7 triệu USD.

Tại Vinaconex, việc thoái vốn của một số công ty con được thực hiện theo phương thức dàn xếp nội bộ. Các đơn vị thành viên có tiềm lực về tài chính, có dự án tốt sẽ tiếp nhận phần vốn góp của Tổng công ty tại doanh nghiệp nằm trong danh mục thoái vốn, nhằm mục đích giúp công ty đó hoạt động hiệu quả hơn. Hình thức này được kỳ vọng sẽ không gây áp lực tăng cung với cổ phiếu họ Vinaconex trên sàn.

Do thanh khoản trên thị trường thứ cấp hạn chế, nhiều quỹ đầu tư chọn thoái vốn bằng cách bán thỏa thuận. Đơn cử trường hợp Dragon Capital bán hơn 2 triệu cổ phiếu VNM cho một nhà đầu tư nước ngoài khác.

Tuy vậy, không phải khoản đầu tư nào cũng dễ dàng tìm kiếm được đối tác, nhất là cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hoặc không phải là đối tượng tìm kiếm của các nhà đầu tư chiến lược hướng đến các mục đích như mở rộng thị trường, tăng thị phần tiêu thụ hàng hóa, thay vì đầu tư tài chính đơn thuần. Lãnh đạo một tổng công ty cho biết, thoái vốn qua sàn mất nhiều thời gian, giá định hướng thay đổi liên tục, nhưng nhờ 3 - 4 CTCK tìm đối tác bán giúp cả lô không được, nên đành để bộ phận đầu tư bán nhỏ giọt qua sàn.

Ông Phan Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Dragon Capital cho biết, cổ phiếu từ cổ đông nhà nước thoái bớt vốn qua sàn chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước tham gia mua bán. Còn nếu muốn thu hút vốn nước ngoài một khoản lớn, TTCK Việt Nam phải có các đợt chào bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước lớn, hoạt động hiệu quả, với mức giá chào bán chấp nhận được.      

Tại Việt Nam, hiện có 5 quỹ đại chúng trong nước đang hoạt động, trong đó có 3 quỹ do Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) quản lý là VFMVF1, có thời hạn 10 năm, kết thúc vào tháng 5/2014; giá trị tài sản ròng của Quỹ thời điểm 17/2/2011 là 2.123,318 tỷ đồng. Quỹ thứ hai do VFM quản lý đang niêm yết là VFMVF4, thời gian hoạt động 10 năm, kết thúc vào tháng 6/2018; giá trị tài sản ròng ngày 17/2 là 724,745 tỷ đồng. Quỹ còn lại do VFM quản lý đang niêm yết là VFMVFA, có thời gian hoạt động 5 năm, kết thúc vào năm 2015; giá trị tài sản ròng khoảng 228,904 tỷ đồng.

VFM còn có 1 quỹ thành viên, dự kiến giải thể trong năm 2011 là VFMVF2, vốn điều lệ ban đầu gần 964 tỷ đồng.

Quỹ PRUBF1 do Công ty Quản lý quỹ Prudential quản lý sẽ giải thể vào tháng 7/2013, với giá trị tài sản ròng ngày 17/2 là 440,872 tỷ đồng.

Quỹ MAFPF1 do Công ty Quản lý quỹ Manulife quản lý, có thời gian hoạt động 7 năm, kể từ năm 2009.

Ngoài các quỹ do Việt Nam quản lý, hiện có nhiều quỹ đầu tư đại chúng nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam, trong đó có Vietnam Equity Holding (hoạt động từ năm 2002), quy mô tài sản đầu tháng 2/2011 trên 400 triệu USD; PXP Vietnam Fund và VinaCapital Vietnam Opportunity Fund đều hoạt động tại Việt Nam từ năm 2004. Tuy nhiên, hầu hết các quỹ đại chúng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đều bắt đầu hoạt động từ năm 2007. Thời gian hoạt động các quỹ chủ yếu dao động trong khoảng 5 - 10 năm, trừ trường hợp kết  thúc thời gian hoạt động, NĐT biểu quyết thông qua phương án kéo dài thời gian hoạt động của quỹ.

(Theo ĐTCK)


Các tin khác