Tiền mặt là vua
 Bên lề hội thảo về quản trị chiến lược do Viện Marketing và Quản trị Việt Nam (VMI) tổ chức mới đây ở TP.HCM, ông Alan Fell, Giám đốc Công ty tư vấn Alan Fell (Anh), chia sẻ về nguyên tắc vàng trong thực thi chiến lược doanh nghiệp.
 
 
- Tại sao có đến 90% số công ty trên thế giới thất bại trong thực thi chiến lược? Điều gì mang lại thành công về xây dựng và thực thi chiến lược cho các công ty ở những thị trường mới nổi như Việt Nam?

Con số mà anh trích dẫn, theo tôi nhớ là ở trong một bài báo nổi tiếng được đăng trên tạp chí Fortune (Mỹ) nhiều năm trước. Tôi thì muốn nói rằng, điều này thực sự đã được cải thiện trong những năm gần đây. Nhưng phải thừa nhận rằng hầu hết các chiến lược kinh doanh không được thực thi một cách thành công cho lắm. Để chứng minh nhận định trên, tôi xin đưa ra ba lý do tổng quát nhất. Đầu tiên phải kể đến việc chiến lược không được thiết lập một cách rõ ràng, hoặc ngược lại, nó được tạo ra quá nhiều mà không hiệu quả và không phù hợp với bộ máy công ty. Suy cho cùng thì chiến lược được thực hiện bởi từng nhân viên của công ty, bao gồm việc bắt tay thay đổi các dự án hay tiến hành những cải thiện. Vì vậy, mọi nhân viên cần biết chiến lược là gì và họ được ban lãnh đạo công ty mong chờ để đóng góp cho việc thực thi chiến lược như thế nào. Tiếp nữa, cần nhớ rằng, việc thực thi chiến lược phải theo nguyên tắc có tiêu chí định lượng rõ ràng. Trên thực tế, đa số các chiến lược không được đo lường hay theo dõi một cách cẩn trọng, nhằm giúp cho doanh nghiệp đi đúng hướng. Trong quản trị, nếu không có các hệ thống đo lường cụ thể, chúng ta thường có xu hướng sử dụng những từ ngữ chung chung. Vấn đề là khi sử dụng những từ ngữ như vậy, người ta lại có xu hướng hiểu chúng theo nhiều nghĩa khác nhau. Lấy ví dụ: cụm từ "hướng sự tập trung vào khách hàng nhiều hơn" thực sự có nghĩa là gì? Nó có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy từng ngữ cảnh.

Nhưng quan trọng nhất của tất cả những vấn đề trên là: chúng ta chưa thực sự có văn hóa và hành vi trong doanh nghiệp để có thể thực hiện những gì đã cam kết. Trách nhiệm giải trình không rõ ràng sẽ dẫn tới sự thiếu hụt về văn hóa đạt thành tích kinh doanh và khả năng truyền thông kém. Chúng ta cũng thấy thật dễ để đưa ra một lời biện giải cho những kết quả. Tất nhiên, đó là bản tính con người, nhưng điều này sẽ làm cho hoạt động của doanh nghiệp trì trệ, vì chúng ta hướng đến những kết quả kinh doanh chứ không phải những lời biện giải… Các thị trường mới nổi đang phải đối mặt với những thách thức truyền thống, đó là sự kết hợp của trình độ quản lý thấp, năng lực quản trị hạn chế và - rất thường xuyên - là sự can thiệp mang tính chính trị.

- Liên quan đến tình hình kinh tế quá nhiều biến động hiện nay, đâu là lời khuyên của ông - một nhà tư vấn chiến lược nước ngoài - với các công ty Việt Nam về quản lý chiến lược để có thể giúp họ tồn tại trong ngắn hạn và phát triển bền vững trong dài hạn?

 

Trước hết, cần nói rằng, Việt Nam không phải nơi duy nhất trên thế giới gặp khó khăn về kinh tế. Khắp thế giới có rất nhiều quốc gia và doanh nghiệp đang phải đương đầu với vô số áp lực. Các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản và tín dụng ngân hàng hầu như mang tính toàn cầu. Sự tồn tại của doanh nghiệp trong ngắn hạn luôn luôn có liên quan đến dòng tiền. Anh có nhớ câu nói nổi tiếng trong kinh doanh: "Tiền mặt là vua" không? "Tiền mặt là vua", do vậy doanh nghiệp thường xuyên gặp thất bại trong kinh doanh khi họ cạn kiệt dòng tiền, chứ không phải do không có lợi nhuận. Vì thế, đối với nhiều công ty, sự tồn tại trong ngắn hạn có liên quan mật thiết đến việc quản trị dòng tiền một cách lành mạnh. Và trong thực tế, đây lại là vấn đề về quản lý hàng tồn kho và thu hồi công nợ. Trong khi đó, sự tồn tại trong dài hạn của công ty, theo quan điểm của tôi, lại là đặt trọng tâm và duy trì chiến lược lâu dài của công ty. Đồng thời, phải duy trì được giá trị công ty và có những kế hoạch đảm bảo giá trị khách hàng bền vững cho công ty.

- Ông có kinh nghiệm gì về việc thực thi chiến lược doanh nghiệp, nếu giả sử các thành viên hội đồng quản trị không thể đạt được sự đồng thuận về chiến lược doanh nghiệp hoặc bị sai hướng chiến lược? Nhất là ở các doanh nghiệp nhà nước việc này khá phổ biến.

Câu trả lời của tôi rất đơn giản - đó là sự thất bại. Bất kể một công ty nhà nước hay tư nhân nào thì hội đồng quản trị cũng cần đưa ra những quy tắc hướng dẫn và chứng minh khả năng lãnh đạo, đồng thời đồng thuận và hỗ trợ cho chiến lược trung/dài hạn của công ty. Nếu hội đồng quản trị không thể làm được điều này, họ không thể hy vọng vào thành công.

- Ông đề cập nhiều đến công cụ quản trị sự thay đổi và thẻ điểm cân bằng, vậy chúng có thể giúp ích thế nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh suy thoái kinh tế nặng nề hiện tại?

Tôi sẽ trả lời tách biệt đối với từng khái niệm về quản trị mà anh nêu ra.

Đầu tiên là quản trị sự thay đổi. Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi chóng mặt và nhắc đến chiến lược là nói đến sự tiến triển và thay đổi. Không ai nói đến việc đứng yên một chỗ cả. Thách thức chính đối với rất nhiều doanh nghiệp là vấn đề quản trị sự thay đổi và đặc biệt là quản trị vấn đề con người của sự thay đổi. Đã là con người ai cũng có xu hướng chống lại sự thay đổi. Chúng ta hay nói về "phần tiện nghi", hàm ý con người không thích thay đổi. Nhưng trong kinh doanh, chúng ta cần thay đổi. Và những doanh nghiệp thành công, dù lớn hay nhỏ, cũng luôn hiểu điều này và hành động để có được sự thay đổi chứ không phải diễn ra ngẫu nhiên.

Thứ hai, về thẻ điểm cân bằng. Công cụ quản trị chiến lược này đã phổ biến trên thế giới hơn 20 năm nay và được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực cũng như quy mô doanh nghiệp. Trả lời câu hỏi của anh, tôi muốn đề cập đến sự cần thiết phải đo lường và giám sát chiến lược doanh nghiệp, để có thể hỗ trợ thực thi hay thi hành một cách thành công. Đó chính là tất cả về thẻ điểm cân bằng. Năm ngoái, tôi từng thuyết trình tại một hội thảo ở TP.HCM về ứng dụng thẻ điểm cân bằng vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và thông điệp chính đưa ra chỉ đơn giản là quy mô. Bạn chắc chắn không cần nhiều cách đo lường, nhưng nguyên tắc cơ bản của việc đo lường doanh nghiệp là xác định mục tiêu tương lai và giám sát chặt chẽ sự phát triển của doanh nghiệp, được ứng dụng cho tất cả các doanh nghiệp, tuy mức độ không lớn.

- Ông có thể chia sẻ về mẹo thực hiện chiến lược tăng trưởng bền vững trong các SME ở một thị trường mới nổi như Việt Nam?

Trước hết, mọi doanh nghiệp cần có chiến lược riêng. Vì vậy hơi khó để tôi có thể đưa ra lời khuyên chung về chiến lược. Tuy nhiên, vấn đề là mỗi tổ chức dù lớn hay nhỏ, đều cần có mục tiêu rõ ràng, nhất quán về các sản phẩm, dịch vụ đưa ra cho khách hàng của họ. Và đặc biệt, cần cung cấp sản phẩm khác biệt và tốt hơn so với đối thủ. Một điểm nữa tôi đã nói ở trên - quản trị đồng tiền. Đó luôn luôn là quy tắc vàng, nhưng thường xuyên bị bỏ qua. Đối với tôi, một hoạt động thực sự được gọi là "bán hàng" là khi tôi được khách hàng thanh toán tiền, chứ không phải khi họ đặt hàng. Tại một thị trường mới nổi và trong thời điểm kinh tế khó khăn, cần rất cẩn trọng về vấn đề này. Thực tế tôi biết đã có rất nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ thất bại chỉ bởi vì họ quản trị dòng tiền kém.

Theo:Dddn


Các tin khác