Ông MAI TIẾN DŨNG
|
Mới chỉ một thủ tục giữa bộ với bộ, hai bộ ở cạnh nhau mà đã mất 9 tháng. Nếu là tỉnh, mà tỉnh xa trình lên, chắc còn lâu lắm. Ông MAI TIẾN DŨNG |
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - đã chuyển lời phê bình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến 13 bộ ngành và địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Dũng, trong tháng 8-2017, Thủ tướng sẽ trực tiếp đi kiểm tra một số công trình không giải ngân được, một số công trình giải ngân chậm, sau đó Chính phủ sẽ họp bàn và có nghị quyết về vấn đề này.
120.000 tỉ gửi kho bạc trong khi công trình thiếu vốn!
Báo cáo của tổ công tác của Thủ tướng, do ông Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng, cho biết đến ngày 15-6, tiến độ giải ngân mới đạt 23,9% trong tổng số 357.000 tỉ đồng vốn đầu tư từ ngân sách.
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công được cho là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng trong khi tỉ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công xu hướng ngày càng cao.
Theo ông Mai Tiến Dũng, vốn gửi trong Kho bạc Nhà nước luôn có 120.000 tỉ đồng, trong khi nhiều dự án đang cần vốn, nhiều dự án chưa thanh toán được cho nhà thầu.
Nguyên nhân, theo ông Dũng, là do vướng mắc về thủ tục, thiếu chỉ đạo quyết liệt từ các chủ đầu tư, giải phóng mặt bằng chậm...
“Thủ tướng rất quan tâm đến vấn đề này, lưu ý các cơ quan, đơn vị phải có giải pháp mạnh mẽ để đẩy nhanh giải ngân nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tránh lãng phí” - ông Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số bộ ngành và địa phương khẳng định số giải ngân trên thực tế lớn hơn số được nêu.
Chẳng hạn, Bộ Y tế được giao 5.100 tỉ đồng, tỉ lệ giải ngân theo thống kê thấp, nhưng đại diện bộ này cho rằng “vấn đề chỉ là thủ tục thanh toán, chứ chúng tôi cũng đã tạm ứng cho nhà thầu phần lớn rồi vì khối lượng xây lắp đã được thực hiện khá lớn. Riêng hai bệnh viện trọng điểm có tổng số vốn khoảng 3.200 tỉ đồng, chúng tôi đã cho tạm ứng hơn 2.000 tỉ”.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cũng khẳng định đến hết tháng 6-2017, địa phương này đã giải ngân hơn 33% trong tổng số 37.000 tỉ đồng vốn đầu tư được giao, trong đó vốn ODA giải ngân hơn 50% chứ không thấp.
Đại diện TP.HCM cho biết thành phố được giao hơn 36.000 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương có hơn 7.000 tỉ cho một số dự án bệnh viện, còn lại là từ ngân sách địa phương, đến thời điểm này cũng đã giải ngân được 38%.
“Nếu tính con số giải ngân là khi phải đủ hóa đơn đỏ, hồ sơ, chuyển tiền... đúng là tỉ lệ có chậm, nhưng trên thực tế thì nhiều việc tiền đã chi, đã tạm ứng rồi, thực hiện khối lượng công việc đã khá lớn rồi”, đại diện TP.HCM cho biết.
Vị đại diện này cũng thông tin thêm rằng TP.HCM liên tục điều chỉnh vốn đầu tư công với các dự án, nơi nào chậm hoặc chưa giải ngân được thì điều chỉnh đến địa chỉ cần vốn hơn.
Tuy nhiên, biện pháp này đang gặp vướng mắc bởi theo quy định của Luật đầu tư là phải trình HĐND quyết định, trong khi HĐND chỉ họp hai lần/năm nên thành phố đề xuất là trình thường trực HĐND thành phố quyết định và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Trả lời vấn đề này, ông Mai Tiến Dũng cho rằng vấn đề này do địa phương linh hoạt giải quyết, chứ không phải nguyên nhân từ trung ương.
Nguồn: BỘ TÀI CHÍNH - Đồ họa: TẤN ĐẠT
|
Cần sửa lại Luật Đầu tư công
Việc chậm giải ngân ở một số dự án, theo các đơn vị, là do công tác giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng tiến độ.
Nhưng vướng mắc lớn lại thuộc về quy định của Luật đầu tư công, đặc biệt là quy định về thẩm quyền phê duyệt dự án, thẩm quyền thẩm tra hồ sơ thiết kế...
Việc giải ngân các dự án ODA cũng vướng thủ tục giao vốn hằng năm, các địa phương cứ phải chờ được giao mới tiến hành giải ngân được, trong khi dự án đã triển khai rồi.
“Trước đây cho giải ngân theo tiến độ dự án, nay lại giao theo kế hoạch vốn từng năm nên giải ngân lại chậm. Đề nghị cho phép giải ngân theo tiến độ dự án, bởi vì các hiệp định cung cấp ODA đều ký theo các dự án”, đại diện UBND thành phố Đà Nẵng nêu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết theo quy định của luật hiện hành, Thủ tướng phải phê duyệt rất nhiều loại dự án.
Trong khi đó, theo ông Thu, lẽ ra ở địa phương có HĐND, các dự án lớn của địa phương có thể để địa phương tự thẩm định, tự chịu trách nhiệm.
Thậm chí các dự án của đoàn thể chính trị xã hội cũng phải được Thủ tướng duyệt, chẳng hạn như dự án của cựu chiến binh có khi chỉ 5 tỉ nhưng Thủ tướng cũng phải duyệt.
“Tôi đề nghị phải nghiên cứu sửa Luật đầu tư công” - ông Thu nói.
Cũng theo ông Thu, một vướng mắc nữa là thẩm quyền giao vốn kế hoạch hằng năm.
“Có nhất thiết từ dự án mấy nghìn tỉ đến dự án vài trăm tỉ cũng Thủ tướng phải giao? Nên chăng Thủ tướng chỉ giao những dự án lớn, dự án mới, còn lại phân cấp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đỡ bị mang tiếng bởi vốn chủ yếu là do các bộ, ngành, địa phương trình lên, chúng tôi chỉ rà soát, hợp thức hóa trình Thủ tướng ký chứ đâu có quyền giao. Vướng mắc về thủ tục đang rất lớn, chúng ta quy định từ dự án to đến dự án bé cũng phải trải qua những thủ tục như nhau” - ông Thu phân tích.
Sẽ sửa đổi quy định không phù hợp Kết luận cuộc họp, ông Mai Tiến Dũng khẳng định những vướng mắc về mặt thủ tục và pháp luật, tổ công tác sẽ báo cáo Thủ tướng, báo cáo Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ, cần thiết thì đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Nhưng với các nguyên nhân chủ quan từ phía bộ ngành và địa phương, phải sớm khắc phục. Chẳng hạn, nhiều nhà thầu thực hiện khối lượng công việc khá lớn rồi nhưng chủ đầu tư chậm tạm ứng, chậm thanh toán cho người ta. Công tác giải phóng mặt bằng phải quyết liệt hơn chứ không thể gặp khó là chùn lại. Ngoài ra, theo ông Dũng, các địa phương cần linh hoạt trong sử dụng vốn đầu tư công, chủ động điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân, chậm triển khai sang địa chỉ cấp thiết hơn. “Chậm là lãng phí. Chúng ta sợ thất thoát nhưng đôi khi lãng phí còn nhiều hơn, chậm giải ngân thì công trình chậm đưa vào sử dụng, rất thiệt thòi cho địa phương” - ông Dũng nói. |