Tập đoàn, tổng công ty xây dựng nợ chồng chất
 
 

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực xây dựng tiếp tục lún sâu, hao hụt thêm đồng vốn. Một số đơn vị tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất cân đối tài chính và thua lỗ kéo dài.

 

Báo cáo của Bộ Xây dựng công bố hôm 6/7 cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS và doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thuộc Bộ quản lý không đứng ngoài bối cảnh khó khăn chung. 

Tổng hợp số liệu các đơn vị cho thấy, kết quả sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm đều ở mức thấp, rất nhiều chỉ tiêu về giá trị sản xuất kinh doanh, giá trị đầu tư, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước đều thấp so với kế hoạch cũng như so cùng kỳ năm 2011. 

Đơn cử giá trị sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam mới đạt 40,2% so với cùng kỳ, con số này của Tổng Công ty Xây dựng số 1 là 37,2% và Tổng Công ty Fico là 32,2%.

Về thực hiện đầu tư, nhiều đơn vị đạt rất thấp so với kế hoạch năm, nhất là các đơn vị có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực BĐS và xi măng. Ví dụ Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam chỉ đạt 6,3% kế hoạch, Công ty lắp máy Lilama đạt 12,9%, Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng đạt 13,2%, CC1 đạt 21,4%.

Riêng lĩnh vực xây lắp, tiến độ thực hiện nhiều công trình trọng điểm rất căng thẳng, nhiều công trình không thể triển khai thi công tiếp do việc thu xếp vốn của chủ đầu tư không kíp thời, nhất là các công trình ngành điện thuộc EVN và PVN.

 

 

Còn lĩnh vực sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng, tổng giá sản xuất công nghiệp chỉ bằng 98% so với cùng kỳ. Sản xuất và tiêu thụ đều đình đốn, lượng hàng tồn kho rất cao. Ví dụ xi măng đang tồn kho 0,4 triệu tấn trong khi công suất chỉ đạt 37,8% so với kế hoạch, kính xây dựng tồn kho khoảng 12 triệu m2, gạch ốp lát tồn kho khoảng 2,6 triệu m2. Nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất khai thác để tránh thua lỗ thêm.

Đơn cử việc tạm dừng khai thác một dây chuyền của Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch và một số nhà máy xi măng thuộc Tập đoàn Sông Đà, Nhà máy cán thép Sông Hồng. Dừng một dây chuyền 8 triệu m2/năm của Nhà máy kính Đáp cầu, dừng nhà máy gạch ốp lát Hà Nội. Nhà máy granit Tiên Sơn dừng khoảng 2 tháng, nhà máy gạch men Thăng Long dừng khoảng 45 ngày, nhà máy sứ Bình Dương dừng 105 ngày, Thanh Trì dừng 20 ngày, Việt Trì dừng 90 ngày…

Đó là chưa kể một số dự án xi măng phải giãn tiến độ đầu tư xây dựng như xi măng Mỹ Đức, xi măng Hà Tiên 2/2. Về cơ bản, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng ghi nhận không triển khai đầu tư mới do không lo thu xếp được nguồn vốn, kể cả các dự án được coi là rất cần thiết như sản xuất kính tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung.

Việc dừng sản xuất hoặc giảm công suất khai thác đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất và làm giảm khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp cho các tổ chức tín dụng. 

Về nhà ở và hạ tầng, lượng vốn huy động từ xã hội đạt rất thấp do thị trường BĐS đang đóng băng cùng những khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng đã làm cho nhiều dự án phát triển nhà và đô thị hoặc phải dừng đầu tư, hoặc triển khai rất chậm. Các dự án dự kiến khởi công trong năm 2012 hiện cũng phải tạm đình lại chưa biết đến khi nào trong khi một số dự án khu công nghiệp không có nhà đầu tư mới.

Tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ hiện lên cũng rất bi đát. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp đạt thấp, một số đơn vị chỉ đạt dưới 10%, thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng. Một số đơn vị cơ bản chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn tài chính, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất cân đối tài chính và thua lỗ kéo dài.

Đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp lớn trong khi năng lực quản lý và khả năng tài chính có hạn dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của nhiều đơn vị ở mức cao, vượt quy định 3 lần. Nợ phải thu khó đòi còn lớn.

Đánh giá 6 tháng cuối năm, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, Bộ Xây dựng định hướng chỉ đạo bên cạnh việc tiết giảm tối đa chi phí đầu vào, các doanh nghiệp phải tính toán hạ giá thành sản phẩm, giải quyết hàng tồn kho, xử lý các khoản nợ đọng, nợ khó đòi, thu hồi công nợ ở các công ty con, công ty cháu trong Tập đoàn, Tổng công ty, lấy vốn để tái sản xuất đầu tư. 

Cơ cấu lại các khoản nợ hình thành từ nguồn huy động vốn ngắn hạn, trung hạn, lãi suất cao sang nguồn vốn dài hạn với lãi suất thấp, chi phí vốn thấp.

Song song với đó, xây dựng quy trình, xây dựng chiến lược phát triển, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, quản trị thương hiệu. Tái cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh chính, tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính, chuyển đổi cơ cấu kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa.

Tập trung tái cơ cấu tổ chức, tái cơ cấu tài chính theo hướng sắp xếp, hình thành một số công ty con có quy mô lớn, làm nòng cốt và giữ vai trò dẫn dắt, giảm bớt các doanh nghiệp nhỏ với vốn điều lệ thấp, tránh cạnh tranh nội bộ giữa các doanh nghiệp trong cùng Tập đoàn, Tổng công ty. Thoái vốn nhà nước ở những lĩnh vực không hiệu quả, không phải là ngành nghề kinh doanh chính, kiên quyết sáp nhập, giải thể, phá sản các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài.
Theo:dddn.


Các tin khác