Ông Đoàn Hồng Dũng. |
Ông Đoàn Hồng Dũng, Tổng giám đốc CTCP Long Hậu (LHG): “Chủ trương phòng thủ”
Dù có những khó khăn, nhưng bằng cách đưa ra sản phẩm phù hợp và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư. Năm 2011, LHG đã thu hút được 25 nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư và rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội.
Đây có thể xem là thành công lớn nhất của chúng tôi trong năm qua. Tuy nhiên, niềm vui của LHG không thật trọn vẹn vì mảng đầu tư nhà xưởng cho thuê, do lãi suất cao nên đã không thể cho ra sản phẩm với giá hợp lý.
Chúng tôi đánh giá, rủi ro từ vĩ mô sẽ tiếp tục tác động đến DN trong năm 2012. Nếu LHG không nghĩ cách đối phó, rủi ro về thu hẹp hoạt động, về nợ khó đòi sẽ tăng lên. Một mặt, LHG sẽ tạm ngừng các kế hoạch đầu tư phát triển. Mặt khác, chúng tôi tìm cách thu hồi vốn thông qua việc giúp khách hàng có cơ hội trả nợ.
Hiện đã có vài trường hợp LHG đứng ra làm trung gian cho khách hàng có cơ hội tiếp cận vốn rẻ (15-16%/năm). Phần chênh lệch 3-5%/năm so với mức vay thông thường, LHG trả giúp. Quan điểm của chúng tôi là chấp nhận tốn thêm chi phí để vừa chia sẻ với khách hàng, vừa có thể thu hồi nợ.
Chắc chắn, doanh thu và lợi nhuận của LHG sẽ không thể bằng năm 2011, nhưng trong giai đoạn khó khăn, chủ trương của chúng tôi là bảo toàn DN. Ngoài ra, LHG muốn được đồng hành cùng khách hàng vượt qua tâm bão.
Ông Dương Quốc Thái. |
Trong bối cảnh nhiều DN cùng ngành tuyên bố đóng cửa, dừng hoạt động thì việc SPP vẫn làm ăn có lãi, có thể đảm bảo lương thưởng cho nhân viên, với chúng tôi là một điều rất khích lệ.
Thực tế, để duy trì hoạt động bình thường, chúng tôi đã phải liên tục điều chỉnh kế hoạch - chiến lược, từ thay đổi công nghệ, chính sách giá cả đến đánh giá lại thị trường, thị phần, cơ cấu lại tài chính…
Chúng tôi xác định, năm 2012 sẽ còn khó khăn hơn cả năm nay. Không chỉ khó khăn từ vĩ mô, mà chắc chắn những đơn vị cùng ngành đang trong tình trạng "thiếu oxy" sẽ phải bán tháo, phá giá để tồn tại. Trong bối cảnh đó, sự ảnh hưởng tiêu cực là khó tránh khỏi. Trước mắt, SPP đã phải điều chỉnh giá bán, trong khi các chi phí đầu vào chỉ tăng chứ không giảm.
Quan điểm của chúng tôi là duy trì sự ổn định, giữ tốc độ tăng trưởng, chứ không vì khó khăn mà thoái lui. Để đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng này, chúng tôi đã đề ra nhiều kịch bản đối phó. SPP sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa khâu chất lượng và dịch vụ, đồng thời, nỗ lực tìm kiếm khách hàng nhiều hơn để đảm bảo đầu ra.
Ông Ngô Văn Vị. |
Năm 2011, mọi hoạt động của VTB đều gặp trở ngại dưới tác động của chính sách thắt chặt chi tiêu của Chính phủ và lực cầu giảm mạnh. Đặc biệt, mặt hàng điện máy, công nghệ thông tin... vốn là hàng không thiết yếu nên càng bị ảnh hưởng nặng.
Lạm phát buộc chúng tôi phải điều chỉnh lương cho nhân viên, hầu hết chi phí đầu vào đều tăng. Trong khi đó, sức tiêu thụ sản phẩm giảm, giá cả đầu ra không thể tăng.
Cũng may là VTB đã tìm được đầu ra từ xuất khẩu. Lô hàng điện lạnh xuất khẩu đầu tiên, giá trị 500.000 USD đã xuất sang Cuba vào tháng 9/2011.
Dự kiến, trong năm 2012, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xuất khẩu lên gấp 4 lần, tức đạt giá trị khoảng 2 triệu USD. Hiện công tác đàm phán đang diễn ra và có cơ sở để khả quan, vì chúng tôi đã chuẩn bị cho xuất khẩu cách đây 2 năm.
Năm 2012, chúng tôi đánh giá tình hình kinh tế sẽ còn khó khăn hơn năm 2011. Nhưng DN đã có kinh nghiệm hơn trong đối phó với khủng hoảng và sẽ không còn bị bất ngờ. Một mặt, VTB đẩy mạnh xuất khẩu như một cứu cánh, mặt khác, chúng tôi sẽ tìm cách cơ cấu lại sản phẩm, tổ chức lại hoạt động theo hướng tinh gọn, để giúp việc sản xuất linh hoạt hơn và tiết kiệm chi phí trong lúc khó khăn.
Trong năm 2012, chắc chắn kế hoạch kinh doanh phải có sự điều chỉnh. Chúng tôi dự kiến, sẽ hướng điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu so với thực hiện năm 2011 ít nhất 20%. Nhưng với lợi nhuận, chúng tôi sẽ điều chỉnh ít hơn, có thể chỉ giảm 10-15%.
(Nguồn: ĐTCK)