Nguyên trưởng đoàn đàm phán WTO: Kinh tế khó khăn, càng làm nhiều càng nhanh chết
Điều trước tiên các doanh nghiệp nên làm khi khủng hoảng là xem xét lại toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, xác định lại nên cắt giảm, giữ lại hay bán đi bộ phận, đơn vị nào.

Sáng nay (16/12), tại buổi hội thảo “Nguồn vốn nào cho kinh doanh trong thời kỳ khủng hoảng”, ông Lương Văn Tự, nguyên trưởng đoàn đám phán WTO của Việt Nam, đã chia sẻ về hành động của doanh nghiệp để tồn tại trong khủng hoảng.

Theo ông Tự năm 2011 Chính phủ tổng kết cũng có 2 điểm sáng là lạm phát tạm thời kiềm chế ở mức 18% và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ hơn 30%. Đối với tăng trưởng xuất khẩu, thực tế là lượng hàng hóa xuất khẩu tăng không nhiều nhưng do giá tăng đã đóng góp vào 20% giá trị xuất khẩu năm nay. Tuy nhiên tình trạng khó khăn của doanh nghiệp rất lớn, đặc biệt là vốn.

Năm 1997, thời kỳ khủng hoảng nhưng lúc đó còn bao cấp nhiều, độ mở thị trường thấp. Doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. Bây giờ tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước vẫn cao nhưng số lượng doanh nghiệp tư nhân phát triển cao.

Hiện có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp nhưng với khó khăn vừa qua đã đóng cửa hơn 50 doanh nghiệp . Sau 1 năm các doanh nghiệp đã cố gồng lên chống đỡ nhưng sang năm có thể nhiều doanh nghiệp không thể chịu đựng thêm được và phải chấp nhận đóng cửa, tạm ngừng sản xuất kinh doanh.

Với những khó khăn đó, bằng kinh nghiệp của mình ông Tự cho rằng trước tiên khi khủng hoảng suy thoái, kinh tế đình trệ, các doanh nghiệp ngay lập tức phải xem xét lại toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh.  Doanh nghiệp phải xem bộ phận, đơn vị nào nên giữ lại, phần nào cắt giảm, hoặc bán đi.

Đây thực sự là điều khó khăn của doanh  khi bán tài sản do là tiếc của, tiếc công sức bỏ ra làm bấy lâu mà lại bán rẻ. Tuy nhiên đây là giải pháp đầu tiên doanh nghiệp cần phải làm khi khủng hoảng đến.

Tiếp đến là cân đối lại nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp phát triển tăng trưởng quá nhanh. Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không có quản lý rủi ro.

“Tôi tham gia vào quản trị ngân hàng ACB, và sở dĩ họ giữ được ổn định là do có bộ phận quản lý rủi ro tốt. Nợ xấu không vượt 1%. Quản lý rủi ro rất quan trọng nó đi theo sự phát triển của doanh nghiệp” – ông Tự nói

Tiếp đến là xem lại quá trình sản xuất. Nhiều doanh nghiệp tồn kho nhiều, dẫn đến đọng vốn. Có một kinh nghiệm tại công ty Canon của Nhật khi làm thường mua bao bì tồn kho khoảng 1 tuần. Nay theo cơ chế mới tồn kho 1 ngày. Tính ra nếu bao bì chiếm 5-10% giá thành sản phẩm thì đó là lượng vốn lớn. Thậm chí có loại sản phẩm hàng hóa bao bì chiếm 20% giá thành thì việc mua tồn kho chiếm chi phí lớn cho doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp do nhân viên mua để hoàn thành kế hoạch nên chưa cần hoặc không cần nhưng vẫn cứ mua.

Ông Tự kể lại câu chuyện khi về làm TGĐ thì nhân viên đã thực hiện mua tivi để hoàn thành kế hoạch với giá trị lên đến 1 triệu USD. Việc mua theo kế hoạch thực tế là để hoàn thành nhiệm vụ, để báo cáo thành tích. Các doanh nghiệp tư nhân có thể ít gặp nhưng doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều hơn.

Thị trường khó khăn cũng là lúc các doanh nghiệp nên tận dụng tái cơ cấu lại, giảm bớt việc, đào tạo lại đội ngũ nhân viên. Chờ thị trường đi lên để chớp cơ hội.

“Khi thị trường đi lên thì doanh nghiệp phải làm nhiều, làm nhanh để chiếm lĩnh thị phần còn bây giờ càng làm nhiều càng chết nhanh” – ông Tự đánh giá.

Cần tăng vòng quay vốn lên nhanh hơn nữa. Ví dụ với may mặc trước kia thì có hợp đồng nhập nguyên liệu mất 1 tháng nay trong vòng 2 tuần. Nhưng so với Trung Quốc thì còn chậm vì họ chỉ mất 1 tuần. Thị trường chững lại quan trọng hàng bán càng nhanh càng tốt và điều này dựa vào khả năng dự báo của người làm kinh doanh.

Trong bối cảnh này thì các doanh nghiệp phải tính đến chuyện mở rộng ra bên ngoài. Ví dụ một số doanh nghiệp cà phê, vay ngân hàng trong nước hết hạn mức đã lập VPĐD ở Singapore để vay vốn với lãi suất thấp hơn.

Có vấn đề các doanh nghiệp cần tính đến là cơ cấu lại vốn vay ngân hàng. Nếu khoản vay quá hạn thì lãi suất bằng 150% lãi suất hợp đồng do đó phải cơ cấu lại vốn. Thực chất đây là đảo nợ khi doanh nghiệp tìm kiếm nguồn để nộp vào khoản vay cũ. Tuy nhiên nước ta trải qua nhiều lần khoanh nợ, giãn nợ.

Ông Tự cho rằng: “ Theo tôi nếu tình hình sắp tới không sáng sủa thì các ngân hàng cũng phải tính tới vấn đề này. Dù muốn hay không vẫn phải giãn nợ. Vì nếu không nuôi dưỡng được các nhà sản xuất kinh doanh thì ngân hàng không còn bạn, không còn khách hàng”

Khủng hoảng cũng là cơ hội mua lại các công ty với giá thậm chí chỉ bằng 50% trước kia. Khủng hoảng là với những người không theo kịp diễn biến thị trường còn những người biết, dự báo tốt và cơ cấu kịp thời thì sẽ là cơ hội để phát triển

Cuối cùng lúc này là lúc các doanh nghiệp phải liên kết với nhau để tạo vốn, tạo thị trường cho nhau. Nếu bỏ nhau trong những thời điểm thế này sẽ mất thị trường, mất cơ hội.
 
Thanh Hải

Theo TTVN


Các tin khác