TS Lê Hồng Giang: Giám sát việc đầu tư kinh doanh vốn nhà nước
Theo tôi hiểu Quốc hội hiện tại không giám sát trực tiếp phần tài sản của nhà nước trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng nhà nước vẫn giữ cổ phần.
 Chức năng này được Quốc hội giao cho Chính phủ và Chính phủ đang chuyển dần cho tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Thực ra với một Quốc hội chưa hoàn toàn chuyên trách như hiện nay thì đây là phương thức duy nhất khả thi, vì việc giám sát trực tiếp 100% vượt ra ngoài khả năng của Quốc hội.

Tuy nhiên, Quốc hội nên sớm thông qua một bộ luật quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ và SCIC trong việc quản lý tài sản của các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước này, và bản thân Quốc hội cũng nên tham gia sâu hơn vào quá trình giám sát SCIC.

Mặc dù SCIC là một doanh nghiệp (một thành viên) phải chịu sự chi phối của luật Doanh nghiệp, có hai vấn đề quan trọng vượt ra ngoài khuôn khổ của bộ luật này. Thứ nhất là thu nhập của SCIC, về bản chất là lợi nhuận (return) sinh ra từ đồng vốn của nhà nước, sẽ được sử dụng như thế nào? Bao nhiêu phần trăm phải trả về cho ngân sách nhà nước, bao nhiêu phần trăm SCIC có thể tái đầu tư, đầu tư đến giới hạn nào và vào đâu thì SCIC hay Chính phủ có thể tự quyết định thay vì phải xin ý kiến Quốc hội? Một nguyên tắc quan trọng ở đây là thu nhập của SCIC phải được coi là thu nhập của ngân sách chứ không phải là thu nhập của một doanh nghiệp nhà nước bình thường. Cũng cần phân biệt rõ thu nhập và lợi nhuận của SCIC, nếu đơn vị này thoái vốn từ một doanh nghiệp có cổ phần của nhà nước và thu về một khoản lớn hơn giá trị sổ sách mà trước đây nhà nước đã bàn giao, thì đó không nên tính là lợi nhuận do SCIC làm ra mà là thặng dư vốn của nhà nước.

Vấn đề thứ hai là cơ cấu và nhân sự của SCIC. Cho đến nay hội đồng quản trị của SCIC thiếu vắng các chuyên gia độc lập và đại diện của Quốc hội. Nên nhớ đồng vốn giao cho SCIC là tài sản chung của nhân dân, do đó Quốc hội với tư cách là đại diện cho dân phải có tiếng nói và trách nhiệm giám sát với những đồng vốn đó. Quốc hội có thể cử một đại biểu chuyên trách tham gia hội đồng quản trị của SCIC và/hoặc có thể đề cử một/vài chuyên gia độc lập đại diện cho mình bên cạnh đại diện của Chính phủ. Các chuyên gia độc lập ngoài việc đóng góp chuyên môn cao còn là đối trọng với các đại diện của Chính phủ và ban giám đốc SCIC. Quốc hội có thể yêu cầu các chuyên gia độc lập này điều trần và phản biện lại các đại diện của chính phủ trong các cuộc họp của Quốc hội. Đây là giải pháp tăng tính minh bạch và giảm bớt chi phí đại diện (agency cost) khi đồng vốn nhà nước được quản lý thông qua hai tầng đại diện. Trên nguyên tắc Quốc hội cần giữ quyền thuê cả các chuyên gia quản trị giỏi nước ngoài ngồi vào hội đồng quản trị của SCIC, chứ không nên giới hạn là người Việt Nam.

Vấn đề giám sát và làm luật thế nào, Quốc hội luôn có thể học hỏi từ các chuyên gia trong ngoài nước và quốc hội các nước khác. Nhưng điều kiện tiên quyết để quá trình giám sát và làm luật có thể hiệu quả là cần chuyển dịch dần Quốc hội thành một cơ quan chuyên trách và chuyên nghiệp. Cần coi đại biểu Quốc hội không chỉ là những đại diện cho nhân dân mà còn là những chuyên gia chuyên nghiệp trong lĩnh vực giám sát và làm luật. Một Quốc hội làm việc toàn thời gian là nhu cầu bức thiết cho giai đoạn phát triển hiện tại của Việt Nam.

TS Lê Hồng Giang

Theo Sài gòn tiếp thị


 
 
 
 
 
 
 
 
  

Các tin khác