Sẽ cổ phần hóa hơn 570 doanh nghiệp Nhà nước
Đây là một trong những nét chính của Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban chỉ đạo đổi mới DNNN Phạm Viết Muôn cho biết ngày 7/12.

Theo ông Muôn, hiện cả nước còn 1.309 DNNN 100% vốn Nhà nước. Trong số này có 102 doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 5 tỉ đồng, 8 doanh nghiệp có vốn dưới 1 tỉ đồng, có doanh nghiệp có vốn chỉ vỏn vẹn 100 triệu đồng.

“Trong số đó có rất nhiều các DNNN mà Nhà nước không cần tham gia nữa” ông Muôn nói.

Giữ lại 692 DNNN

Ông cho biết, trong số 692 DNNN giữ lại, có 284 doanh nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng; 408 doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực độc quyền nhà nước như quốc phòng, an ninh, quản lý khai thác hệ thống đường sắt quốc gia, đô thị, cảng hàng không, cảng biển loại 1, quản lý tài nguyên quan trọng...

Tính theo chủ sở hữu thì trong 692 doanh nghiệp này có 395 thuộc địa phương, 171 thuộc bộ, 5 tập đoàn, tổng công ty 91 với 111 doanh nghiệp thành viên. Nhưng ông Muôn nói trong quá trình thực hiện còn phải rà soát lại để giảm thêm.

Dự kiến, đến năm 2015, 692 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sẽ được tổ chức thành 44 tập đoàn, tổng công ty với 150 công ty con; trong số đó có 10 tập đoàn, 5 tổng công ty 91, 26 tổng công ty thuộc bộ, 3 tổng công ty thuộc địa phương, 111 doanh nghiệp độc lập thuộc bộ và 387 doanh nghiệp độc lập thuộc địa phương.

Đến thời điểm đó, 48 tỉnh thành phố trong cả nước chỉ còn DNNN hoạt động công ích như xổ số kiến thiết, môi trường đô thị.

Ông Muôn nói: “Chúng tôi sẽ tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, thay vì phân biệt cấp cơ quan quản lý. Trước đây, ta làm theo bộ, địa phương, chứ không có kết nối trên phạm vi toàn quốc”.

Ông giải thích, từ cách tiếp cận này, 66 công ty sổ xố kiến thiết trên cả nước sẽ được “liên kết” lại.

Đẩy nhanh cổ phần hóa

Theo lịch trình đến năm 2015, Nhà nước sẽ cổ phần hoá 573 doanh nghiệp, trong đó có 1 tập đoàn, 5 tổng công ty 91, 51 tổng công ty 90, 1 ngân hàng thương mại, 187 công ty con, 89 doanh nghiệp độc lập thuộc bộ, và 239 doanh nghiệp thuộc địa phương.

Khi cổ phần hoá, Nhà nước giữ cổ phần chi phối ở 392 doanh nghiệp, không chi phối ở 181 doanh nghiệp.

Ngoài ra, Nhà nước sẽ thực hiện phá sản, giải thể 13 doanh nghiệp và tái cơ cấu bằng các công cụ thị trường như mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng vốn 31 doanh nghiệp.

Ông Muôn cho biết, Chính phủ cũng xem xét thoái vốn ở các doanh nghiệp đã cổ phần rồi mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối.

Ông giải thích: “Chúng ta hạn chế Nhà nước nắm giữ cổ phần không chi phối bằng cách bán hết thu hôi vốn về để làm việc khác.”

Liên quan đến khu vực tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ông Muôn cho biết, các tập đoàn, tổng công ty sẽ được đề nghị bán vốn, chuyển giao vốn từ doanh nghiệp này này sang doanh nghiệp khác, và chuyển giao nguyên vẹn doanh nghiệp (như EVN Telecom chuyển cho Vietel)

Các tập đoàn, tổng công ty sẽ chỉ được phép kinh doanh những ngành chính, không đầu tư ngoài ngành. Khu vực kinh tế này được đề nghị thoái vốn xong trước 2015.

Theo ông Muôn, vốn Nhà nước ở khu vực kinh tế Nhà nước tính đến cuối năm 2010 là 700.000 tỉ đồng , tăng tới 70% so với thời điểm cuối 2006. Trong số vốn đó, 653.000 tỉ đồng thuộc về các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Số DNNN làm ăn hiệu quả đã tăng lên. Vào năm 2001, có tới 60% DNNN là thua lỗ và hoà vốn và chỉ còn 20% đến cuối 2010.

(Nguồn: TBKTSG)


Các tin khác