Siết đại diện vốn Nhà nước: Mâu thuẫn và khó thực thi
Quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty với người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) có vốn góp của Nhà nước đang gây tranh cãi và khó thực thi. Đặc biệt, điều này có thể dẫn đến việc hoạt động của DN mâu thuẫn, thậm chí là trái Luật Doanh nghiệp.

Nghị định số 66/2011/NĐ-CP quy định về việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn góp của Nhà nước có hiệu lực từ 25/9/2011. Hiện Bộ Nội vụ đang soạn thảo thông tư hướng dẫn và chuẩn bị ban hành. Trong nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của những văn bản này, gồm nhiều chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng… của nhiều công ty cổ phần.

Văn bản trên được ban hành trong bối cảnh hoạt động của một số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lớn kém hiệu quả, trong đó, yếu tố con người mà cụ thể là năng lực và trách nhiệm của những người đại diện vốn Nhà nước quá yếu kém. Nội dung của Nghị định 66 “siết” lại quyền và trách nhiệm của người đại diện vốn chặt chẽ hơn rất nhiều so với trước đây, bởi coi người đại diện là công chức thì các quy trình đánh giá, khen thưởng hay bãi miễn đều phức tạp hơn.

Trong quá trình xây dựng dự thảo hướng dẫn Nghị định, Vụ Công chức Viên chức Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp. Nhiều kiến nghị gửi về cơ quan này cho thấy, việc bó buộc quy định trên với khối DN cổ phần đang có nhiều bất cập. Thứ nhất, doanh nghiệp cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, không cần có cơ quan chủ quản. Trong khi, người đại diện vốn đảm nhận chức vụ lãnh đạo DN là công chức, viên chức thì phải trong biên chế của một cơ quan nhà nước. Theo Luật Doanh nghiệp, đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất, quyết định mọi vấn đề quan trọng của DN, lãnh đạo DN lại chịu sự quản lý của một cơ quan khác. Trong trường hợp có xung đột quyền lợi giữa các cổ đông và cơ quan quản lý công chức trên, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước không đủ để ra quyết định thì mâu thuẫn tại DN được xử lý ra sao? Nếu mâu thuẫn xảy ra, quy định mới sẽ kéo lùi cơ chế quản trị điều hành của các DNNN sau cổ phần hóa.

Với một số tổng công ty đặc thù, đơn cử như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), SCIC quản lý vốn nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp, sẽ phải thực hiện các đợt tuyển dụng lại người đại diện theo Luật Công chức?  Với những DN nằm trong diện thoái vốn Nhà nước, nếu người đại diện vốn tại DN nằm trong biên chế của SCIC thì cơ chế sử dụng và bố trí cán bộ cho những nhân sự này sau khi Tổng công ty thoái hết vốn sẽ ra sao? Đó là chưa kể một loạt quy định áp dụng đối với công chức, viên chức như kê khai tài sản, tổ chức sinh hoạt trong các đoàn thể như Đảng, Đoàn… các tổng công ty không thể “ôm” xuể.

Vấn đề lớn thứ hai là thù lao cho người đại diện. Thuộc biên chế của các cơ quan, DNNN, người đại diện vốn nhà nước sẽ nhận lương, thưởng, thù lao như thế nào? Các tổng công ty, bộ, ngành sẽ lấy nguồn nào để trả thù lao cho người đại diện.

Hiện nay, hình thức phổ biến là DN chịu trách nhiệm trả lương thưởng, thực hiện các thủ tục hưu trí… cho người đại diện vốn nhà nước đảm nhận chức vụ lãnh đạo tại DN. Nhà nước cũng đã có quy định: hàng tháng, người đại diện vốn được hưởng thù lao do đại diện chủ sở hữu chi trả. Song do chưa có hướng dẫn mức chi trả cụ thể nên thực tế không chi trả được. Câu chuyện về thù lao cho người đại diện ở những tổng công ty như  SCIC đang là quả bóng bị đá qua đá lại giữa Bộ Lao động Thương binh xã hội, Bộ Tài chính mà chưa được giải quyết.

Cũng theo nghị định này, quan điểm thuê người giỏi, chuyên gia trong các lĩnh vực đảm nhận việc đại diện quản lý vốn nhà nước bấy lâu nay được đề cập ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… sẽ không thể thực hiện được. Công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, DNNN không phải là người làm thuê. Hơn thế, tuyển dụng biên chế với những nhân sự này, hợp đồng lao động ký với họ cũng không thể ngắn hạn 2-3 năm như cơ chế thuê ngoài chuyên gia.

Với đặc thù của mình, trong một văn bản kiến nghị các cơ quan quản lý, SCIC đề nghị cho phép họ cử người đại diện trực tiếp tham gia lãnh đạo các công ty cổ phần mà tổng công ty sẽ nắm giữ vốn lâu dài. Trong trường hợp này, người đại diện thuộc biên chế của Tổng công ty, thủ tục bổ nhiệm người đại diện như bổ nhiệm lãnh đạo DNNN.

Tổng công ty trả lương cho người đại diện. Nếu người đại diện không hoàn thành nhiệm vụ thì xử lý như cán bộ của tổng công ty; tại công ty cổ phần mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần lâu dài thì Tổng công ty không cần phải cử người làm đại diện vốn, đồng thời làm lãnh đạo DN mà có thể uỷ quyền cho lãnh đạo DN làm đại diện vốn hoặc thuê người đại diện vốn.

Người đại diện vốn Nhà nước có vai trò quan trọng đối với hiệu quả đầu tư vốn tại công ty cổ phần. Song quy trách nhiệm và ràng buộc nghĩa vụ làm sao để người đại diện phát huy năng lực, lãnh đạo DN hoạt động tốt là vấn đề rất cần cân nhắc.

(Nguồn: ĐTCK)


Các tin khác