Sắp tổng rà soát các luật kinh tế
"Lần đầu tiên, 16 luật liên quan đến DN được rà soát một cách có hệ thống theo bốn tiêu chí: minh bạch, thống nhất, hợp lý và khả thi. Các DN, chuyên gia kinh tế, luật gia với tư cách là những người thực hiện sẽ góp ý trực tiếp bằng những thông tin thực tiễn vào các báo cáo rà soát để đưa ra các kiến nghị sửa đổi nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế cho DN” - ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết như vậy tại hội thảo hoàn thiện báo cáo rà soát Luật DN tại Hà Nội vào ngày 16/8.

Luật chuyên ngành “lấn” Luật DN

Không nên bắt buộc phải ĐKKD theo ngành nghề kinh tế mà hãy để tự người dân đăng ký kinh doanh theo ý tưởng của mình.
Một trong những nội dung được luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty Tư vấn KAC, đề cập trong báo cáo rà soát là tình trạng chồng chéo giữa Luật DN với các luật chuyên ngành. “Cần xóa bỏ ngay những chuyện giấy này đồng thời giấy kia, không để luật chuyên ngành xé lẻ Luật DN ra mà phải xem Luật DN là luật chuyên ngành về quản trị để mọi thứ tuân thủ thống nhất” - ông Khoát gửi thông điệp.

Báo cáo rà soát đưa ra khuyến nghị bãi bỏ hàng loạt các quy định như “giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” trong Luật Đầu tư. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2001 cũng cần bãi bỏ quy định “giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”… Theo TS Nguyễn Thị Yến, khoa Pháp luật Kinh tế - ĐH Luật Hà Nội, các quy định của luật chuyên ngành làm vô hiệu hóa Luật DN trong những ngành nghề, lĩnh vực này. Hay nói cách khác các luật chuyên ngành đang “gặm nhấm” Luật DN.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Ngân hàng lại tỏ ra lo lắng việc tất cả lĩnh vực đều áp dụng Luật DN như vậy tuy có thuận lợi cho DN nhưng vấn đề an ninh tài chính dễ bị đe dọa, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, rất nhiều tổ chức tín dụng được thành lập, sẽ rất khó kiểm soát. “Khi ấy không chỉ có vài trăm tổ chức tín dụng mà có đến hàng ngàn thì quản không xuể. Vì vậy cần phải nghiên cứu cặn kẽ vấn đề này” - vị này lưu ý.

Để khắc phục tình trạng này, bà Yến đề nghị: “Cần quy việc thành lập DN về một đầu mối theo Luật DN. Đối với các ngành nghề, lĩnh vực đặc thù như kinh doanh, tín dụng, chứng khoán… sau khi DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải xin giấy phép hoạt động hay giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”.

Để người dân tự chọn ngành nghề kinh doanh

Nhiều ý kiến nêu lên thực tế về việc đăng ký ngành nghề kinh doanh theo mã ngành nghề làm cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân.

“Thực tế có nhiều trường hợp ngành nghề kinh doanh không thuộc những ngành bị cấm kinh doanh nhưng lại không nằm trong mã ngành nghề trong quy định. Hơn nữa việc áp mã này trên thực tế rất khó vì không có sự tương thích. Vì vậy việc dùng mã ngành kinh tế của Việt Nam để kê khai vào hồ sơ đăng ký kinh doanh như hiện nay là không hợp lý” - ông Khoát nói. Ông cũng đề nghị không nên bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo ngành nghề kinh tế như hiện nay mà hãy để tự người dân đăng ký ngành nghề kinh doanh theo ý tưởng đầu tư của mình, tự lựa chọn ngành nghề để kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phan Vũ Anh, Công ty Vinaconex, cũng cho rằng đăng ký kinh doanh là theo ý tưởng, cấm hay không cấm hoặc bắt người ta theo mã quy định thì rất khó.

TS Nguyễn Thị Yến cũng cho rằng việc yêu cầu người dân ghi mã ngành nghề kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký kinh doanh là không hợp lý. Người dân có quyền kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vì thế chỉ cần ngành nghề đó không nằm trong danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, dịch vụ cấm thực hiện là được. “Nên bỏ quy định ghi mã ngành nghề trong thủ tục đăng ký kinh doanh vừa tạo điều kiện thuận lợi cho DN, vừa tránh tình trạng không tương thích giữa ngành nghề không nằm trong danh mục cấm nhưng cũng không có tên trong hệ thống ngành kinh tế khiến cho cả người dân và cơ quan đăng ký kinh doanh lúng túng” - bà Yến nhấn mạnh.

Bỏ con dấu DN, nên hay không?

16 luật tác động lớn nhất tới kinh doanh

Luật DN, Luật Thuế thu nhập DN, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý thuế, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mại, Luật Kế toán, Luật Đất đai, Luật Hàng hải, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Hải quan, Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ luật Dân sự.

Vấn đề nên để hay bỏ con dấu DN cũng được tranh luận sôi nổi. Theo ông Khoát, thực tế hiện nay cả nước ta mắc bệnh nghiện con dấu, không có con dấu thì không làm ăn được. Thực tế xảy ra khá nhiều vụ tranh chấp con dấu của DN. “Có một công ty qua Nhật ký kết hợp đồng về dây chuyền sản xuất. Mọi việc đâu vào đó nhưng bất ngờ gặp trục trặc chỉ vì con dấu.

Do con dấu phía bên Nhật không đúng kích cỡ quy định và có màu tím than nên khi hợp đồng mang đến cơ quan nhà nước Việt Nam chứng thực thì gặp rắc rối và cuối cùng phía Nhật đã hủy hợp đồng chỉ vì con dấu, còn DN Việt Nam thì phải chịu thiệt” - ông Khoát dẫn chứng và kiến nghị không bắt buộc DN phải có dấu.

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng cũng nêu thực tiễn có nhiều hợp đồng của DN nước ngoài không có con dấu vẫn đảm bảo tính pháp lý. Họ không quan trọng con dấu, còn chúng ta thì không giống với thông lệ quốc tế. Hơn nữa con dấu hiện nay làm giả rất dễ. “Khi còn làm ở ngân hàng, công an thường xuyên gửi cho chúng tôi nhiều văn bản có ký tên đóng dấu của ngân hàng hẳn hoi nhưng khi kiểm tra lại thì toàn bộ là giả” - vị này kể.


Nguồn PHÁP LUẬT TP.HCM

Các tin khác