SCIC muốn bán vốn nhà nước tại 420 doanh nghiệp
Các tổ chức quốc tế thời gian qua đã có nhiều khuyến nghị về tiến độ bán vốn chậm của SCIC cũng như tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.


Ảnh: Ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC và Ông Dhanabalan, Chủ tịch Tập đoàn Temasek ký gia hạn Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa SCIC và Temasek Holdings, ngày 27-9-2011.
 
Các tổ chức quốc tế thời gian qua đã có nhiều khuyến nghị về tiến độ bán vốn chậm của SCIC cũng như tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa điều chỉnh kế hoạch bán vốn nhà nước của tổng công ty nhằm bán hết phần vốn nhà nước tại 420 doanh nghiệp từ nay đến hết 2012.

Theo kế hoạch này, SCIC sẽ điều chỉnh, bổ sung 50 doanh nghiệp vào danh sách bán vốn nhà nước năm 2011 và điều chỉnh, bổ sung 53 doanh nghiệp vào danh sách các công ty cần bán phần vốn nhà nước năm 2012.

Danh sách doanh nghiệp SCIC bán vốn từ nay đến hết năm 2012.

Dù trước đó có ý kiến cho rằng nên trì hoãn tiến độ bán vốn nhà nước SCIC đang nắm bởi tình hình thanh khoản trên thị trường tài chính chưa có dấu hiệu khả quan cho các công ty muốn thoái vốn song tổng công ty vẫn tiếp tục kế hoạch bán ra của mình, nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhỏ vốn được xem là chậm đáng kể trong vài năm qua.

Theo Tổng giám đốc SCIC, ông Lại Văn Đạo, năm 2011, SCIC sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc bán vốn. Đồng thời, tổng công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư theo nhiều hình thức như đầu tư tài chính, đầu tư dự án... Trong đầu tư dự án có thể lựa chọn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp và ưu tiên đối với những dự án, ngành, lĩnh vực trọng điểm.

Tính đến 30-6-2011, SCIC đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 461 doanh nghiệp với tổng giá trị phần vốn nhà nước theo sổ kế toán là 12.895 tỉ đồng. Việc quản lý vốn nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua 542 người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Lũy kế từ đầu năm 2011 đến 30-6-2011, tổng công ty đã bán vốn tại 72 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn nhà nước tại 68 doanh nghiệp.

Các tổ chức quốc tế thời gian qua đã có nhiều khuyến nghị về tiến độ bán vốn chậm của SCIC cũng như tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Bởi mục tiêu khi thành lập SCIC là để hình thành một đơn vị tập trung việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Song số doanh nghiệp được giao về SCIC hiện chỉ là các doanh nghiệp nhỏ với tổng số vốn nhà nước được tiếp nhận và quản lý mới chiếm trên 2% tổng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

SCIC hiện đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp, đã bán vốn tại gần 520 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo giá trị sổ sách do SCIC quản lý hiện trên 15.000 tỉ đồng. Nhưng con số đó không thể hiện được phần vốn nhà nước đang nằm trong các doanh nghiệp nhà nước mà người ta kỳ vọng SCIC sẽ quản lý và được quản lý.

Việt Nam hiện có hơn 90 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp trung ương năm 2010 cho biết tổng vốn nhà nước tại khối doanh nghiệp nhà nước là 492.579 tỉ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện giữ 100% vốn điều lệ của 484 doanh nghiệp thành viên, giữ trên 50% vốn điều lệ ở gần 1.500 doanh nghiệp.

Theo thống kê sơ bộ của SCIC tại 47 bộ và địa phương, chưa tính đến các tổng công ty và tập đoàn, hiện còn gần 200 doanh nghiệp độc lập thuộc diện phải chuyển giao về SCIC với số vốn trên 3.000 tỉ đồng, và 11 tổng công ty đã cổ phần hóa chưa chuyển giao về SCIC với số vốn nhà nước trên 40.000 tỉ đồng.

Theo Hồng Phúc

TBKTSG

Các tin khác