Quản trị công ty và chính sách vốn
 Huy động vốn và sử dụng đòn bẩy tài chính là một chiến lược vốn thông minh, nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến mức độ rủi ro và tính bền vững trong hoạt động của DN.
    
 Vậy làm sao để DN Việt Nam có thể khai thác được nguồn lực vốn vay từ thị trường cho hoạt động đầu tư phát triển mà không rơi vào bẫy tài chính mất khả năng thanh toán?

Thông lệ tốt của thế giới

Tại các nước phát triển, các DN chú trọng xây dựng chính sách quản trị Cty với mong muốn xây dựng một cơ chế quản trị Cty có vai trò kiểm soát và giám sát, đảm bảo việc thực hiện các quyết định đầu tư, kinh doanh vì tương lai lâu dài của DN.

Ngoài ra, nơi mà môi trường quản trị Cty minh bạch, an toàn, hệ thống tài chính cũng có mức độ rủi ro thấp hơn, tính biến động do đạo đức kinh doanh sẽ được kiểm soát tốt hơn, giúp cho mức độ an toàn của hệ thống gia tăng, và tính biến động của môi trường vĩ mô cũng được hạn chế.

Trong thị trường này, DN sẽ ít lo ngại hơn về các rủi ro đến từ hệ thống, do vậy sẽ yên tâm hơn trong việc huy động vốn vay cho các dự án đầu tư của mình.

Tại các quốc gia phát triển, vai trò HĐQT trong giám sát và quản trị rủi ro mang ý nghĩa rất lớn. HĐQT thể hiện rõ vai trò của mình trong việc rà soát, thảo luận, phản biện chiến lược kinh doanh, yêu cầu ban điều hành bám sát với định hướng, mục tiêu của DN; đồng thời HĐQT tham mưu và giám sát thực thi chiến lược, giám sát tình hình huy động nguồn vốn và đảm bảo rủi ro tài chính nằm trong mức có thể kiểm soát được; bên cạnh đó HĐQT nhận thức tốt vai trò phải công khai chia sẻ thông tin với cổ đông, nhà đầu tư. Nhắc đến vai trò của HĐQT, không thể không nói tới các tiểu ban chuyên trách trong HĐQT. 

Việc lạm dụng đòn bẩy tài chính sẽ gây tổn thất cho DN nếu không kiểm soát được rủi ro kinh doanh như đã nhìn thấy ở một số DN niêm yết quy mô lớn vừa qua.

Với vai trò giám sát rủi ro tài chính, HĐQT có thể có các tiểu ban như tiểu ban chiến lược, tiểu ban quản trị rủi ro, hay tiểu ban kiểm toán nội bộ. Vai trò tiểu ban Kiểm toán nội bộ, trong nhiều trường hợp là để giám sát từ bên trong DN.

Cty có thể xây dựng một bộ phận kiểm toán/kiểm soát nội bộ, hoạt động chuyên trách và có vai trò báo cáo trực tiếp cho tiểu ban kiểm toán nội bộ của HĐQT. Tiểu ban kiểm toán nội bộ của HĐQT có trách nhiệm giám sát công tác quản trị rủi ro, bảo đảm tính minh bạch, phân tích chuyên sâu tình hình tài chính…

Và chuyện của Việt Nam

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính hợp nhất là thế mạnh của mô hình tập đoàn. Mô hình này cho phép các tập đoàn điều phối dòng tiền giữa các Cty con và tận dụng tính chất “túi chung có nhiều ngăn”.

Đây là chiến lược vốn mà các tập đoàn lớn trên thế giới đã có thể nhanh chóng phát huy “tính kinh tế nhờ qui mô vốn” và “tính hiệu quả nhờ phối hợp dòng tiền” để đầu tư lớn và tăng trưởng nhanh.

Tuy nhiên thuyền lớn thường gây nên sóng lớn, do vậy quản trị mô hình tập đoàn đòi hỏi một năng lực quản trị phát triển cao, và một tầm nhìn tăng trưởng theo quan điểm bền vững. Việc lạm dụng đòn bẩy tài chính sẽ gây tổn thất cho DN nếu không kiểm soát được rủi ro kinh doanh như đã nhìn thấy ở một số DN niêm yết quy mô lớn vừa qua.

Trong rủi ro của DN, rủi ro kinh doanh và rủi ro đòn bẩy tài chính là hai rủi ro quan trọng có ảnh hưởng sống còn đến tăng trưởng bền vững của DN. Khi mà DN hoạt động trong các lĩnh vực có rủi ro kinh doanh cao, việc cân đối rủi ro tài chính giữ ở mức thấp sẽ là một biện pháp kiểm soát rủi ro an toàn.

Cuối năm 2015, Tập đoàn Hoà Phát với tổng tài sản là 25.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 11.000 tỷ đồng, tỉ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản 43%, tập đoàn này có khả năng thanh toán hiện thời ở mức 1,19 lần. Mặc dù khả năng thanh toán nhanh chỉ ở mức 0,47, tỉ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản, ROA, ở mức 13,74% (14,7% năm 2014) cho phép Hòa Phát duy trì được khả năng sinh lợi, và tất nhiên là khả năng chi trả trách nhiệm nợ. Hòa Phát cũng chọn lựa một mức cân đối trong đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh, với tỉ trọng hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi chiếm đến 80% và 20% hoạt động là đầu tư vào các ngành nghề có liên quan và không có liên quan; không đi quá xa lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, cho phép DN có thể kiểm soát được rủi ro kinh doanh.

Để có thể sử dụng đòn bẩy tài chính cho tăng trưởng và phát triển bền vững, DN cần luôn nỗ lực cao trong việc cải thiện quản trị Cty, xây dựng một hệ thống kiểm soát tốt rủi ro ở cấp HĐQT và cấp ban điều hành. Hoạt động trong lĩnh vực truyền thống, dược Hậu Giang cân bằng tốt rủi ro kinh doanh và sử dụng đòn bẩy tài chính để tăng trưởng tốt lợi nhuận cho cổ đông.

Chính vì vậy, kiểm soát rủi ro cần đặc biệt xem trọng hơn tại các DN tập đoàn và cần thiết kế hệ thống quản trị sâu sát tới cấp Cty con, và không chỉ dừng lại ở cấp quản lý tập đoàn.
                                                                                                                           Theo: Enternews.vn


Các tin khác