Còn trong thế giới doanh nhân Mỹ, Musk cũng là một trong số ít những người tin rằng công ty đại chúng là mô hình tối ưu nhất. Hai công ty Tesla (sản xuất xe hơi) và SolarCity (hãng sản xuất pin năng lượng mặt trời) đều là công ty đại chúng. Công ty thứ ba, SpaceX, vẫn chưa lên sàn nhưng cũng có mức định giá, tham vọng và tốc độ “đốt tiền” ngang với Tesla và SolarCity. Cấu trúc quản trị ở các công ty của Musk là sự chắp vá nhưng lại chính là thứ khiến các nhà đầu tư thích thú và đổ tiền vào.
Tuy nhiên không phải ai trong giới doanh nhân Mỹ cũng hào hứng với mô hình công ty đại chúng. Từ con số 7.000 của năm 1996, hiện nay ở Mỹ chỉ còn 4.000 công ty đại chúng. Những startup được coi là thành công như Uber và Airbnb luôn trì hoãn việc lên sàn, thay vào đó chọn cách huy động vốn qua thị trường vốn tư nhân và các quỹ đầu tư mạo hiểm. So với 10 năm trước, số tiền huy động được từ các vụ IPO trên thị trường Mỹ kể từ đầu năm đến nay cũng giảm 50 – 75%.
Trong khi đó, đối với các công ty đã trưởng thành, mô hình công ty góp vốn tư nhân (private-equity) đang trở thành lựa chọn ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Các doanh nghiệp thuộc sở hữu của quỹ đầu tư tư nhân Carlyle đang sử dụng tổng cộng 725.000 nhân viên, khiến tập đoàn này trở thành chủ sử dụng lao động nhiều thứ hai ở Mỹ, chỉ sau Walmart. 25% các doanh nghiệp cỡ vừa ở Mỹ đi theo mô hình góp vốn tư nhân, trong khi tỷ lệ trong nhóm doanh nghiệp quy mô lớn là 10%. Theo dự đoán tỷ trọng doanh nghiệp không niêm yết ở Mỹ sẽ tăng lên nhanh chóng vì các quỹ đầu tư vốn tư nhân mạnh tay giải ngân lượng tiền mặt dư thừa lên đến 1.300 tỷ USD.
Các công ty đại chúng “thất sủng” vì một vài lý do. Những thay đổi về công nghệ giúp giảm mức độ thâm dụng vốn, do đó các startup không “thèm tiền” như trước. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là sự rắc rối trong ban quản trị công ty đại chúng, thậm chí công ty đại chúng được cho là tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hiện tượng tham nhũng. Công ty đại chúng cũng thường xuyên phải báo cáo kết quả kinh doanh theo quý, nghĩa là các nhà đầu tư phố Wall sẽ quay lưng với họ kể cả trong trường hợp lợi nhuận chỉ sụt giảm trong ngắn hạn.
Các chính trị gia thì coi công ty đại chúng là những mục tiêu dễ dàng tấn công nhất. Bernie Sanders luôn đem General Electric ra chỉ trích trong khi Donald Trump kêu gọi tẩy chay Ford. Các công ty góp vốn tư nhân sẽ không phải chịu cảnh này.
“Sống trong bóng tối” còn giúp các công ty góp vốn tư nhân giảm số thuế phải đóng. Vì không cần phải báo cáo kết quả kinh doanh theo quý, các doanh nghiệp điều chỉnh tăng nợ để giảm phần lợi nhuận chịu thuế.
Nhu cầu chuyển sang mô hình góp vốn tư nhân của các công ty là điều dễ hiểu, nhưng có lúc họ sẽ phải hối hận. Đôi lúc mô hình này đẩy công ty vào cảnh thiếu thanh khoản, mơ hồ, đắt đỏ và chỉ dành cho giới nhà giàu.
Các nhà đầu tư trong công ty góp vốn tư nhân cũng không thể dễ dàng bán hoặc định giá số cổ phần họ đang nắm giữ. Nếu nền kinh tế diễn biến xấu và họ cần tiền mặt, vấn đề sẽ nảy sinh. Ngoài ra rắc rối có thể đến từ việc công ty không thường xuyên công bố báo cáo kết quả kinh doanh.
Làm thế nào để cứu lấy mô hình công ty đại chúng? Các chính phủ không thể bắt doanh nghiệp đi theo mô hình nào nhưng nên đưa ra các chính sách hỗ trợ công ty đại chúng như giảm bớt các luật lệ ràng buộc và giảm mức thuế mà doanh nghiệp phải chịu khi IPO. Cơ quan quản lý cũng nên yêu cầu các công ty góp vốn quy mô lớn công bố báo cáo theo năm.
Bản thân các công ty đại chúng cũng có nhiều việc phải làm. Bằng cách củng cố hội đồng quản trị, họ có thể đảm bảo các giám đốc điều hành không bị ảnh hưởng bởi những yêu cầu mang tính ngắn hạn mà các nhà đầu tư đưa ra.
Công ty đại chúng là một “bánh răng” quan trọng của chủ nghĩa tư bản. Được rung chuông khởi đầu phiên giao dịch trên sàn New York là điều mà các doanh nghiệp nên ngưỡng mộ và háo hức mong chờ, hay vì có phần e ngại và sợ hãi như hiện nay.
Theo: Tri thức trẻ