Doanh nghiệp mịt mờ với ma trận thủ tục đầu tư

Sự chồng chéo và không rõ ràng của các quy định trong một loạt những bộ luật khác nhau đã đẩy doanh nghiệp (DN) vào một ma trận các thủ tục phải hoàn thiện, đôi lúc lặp đi lặp lại, mà không biết khi nào mới xong.

.                dautu
Sự chồng chéo và không rõ ràng của các quy định trong một loạt những bộ luật khác nhau đã đẩy doanh nghiệp (DN) vào một ma trận các thủ tục phải hoàn thiện, đôi lúc lặp đi lặp lại, mà không biết khi nào mới xong. 
 
Ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã thống kê rằng để phát triển một dự án đầu tư có sử đất tính từ lúc bắt đầu cho tới lúc đi vào hoạt động sẽ có 24 bước thủ tục phải hoàn thành, và được thực hiện ở nhiều cơ quan khác nhau. Nếu như mọi thủ tục đều được thực hiện một cách xuôi thuyền mát mái thì cũng tốn khá nhiều thời gian của DN. Còn nếu như một vài thủ tục bị ách tắc lại vì lý do nào đó, thì có lúc phải mất vài năm mới hoàn thành xong được dự án đầu tư.

“Có quá nhiều quy định luật, văn bản pháp luật nên gây chồng chéo lẫn nhau. Nếu như thực hiện tuần tự, công đoạn này sang công đoạn khác thì mất rất nhiều thời gian. Có những việc có thể làm song song được nhưng các cơ quan nhà nước vẫn yêu cầu làm tuần tự,” ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, nếu như các quy trình được công khai, minh bạch thì thủ tục hành chính sẽ bớt đi nhiều, và DN đỡ “khổ” hơn. Công khai, minh bạch có lẽ vẫn là những điều còn thiếu ở trong quá trình DN thực hiện thủ tục xin phép đầu tư một dự án, và chính sự không rõ ràng về quy trình làm thủ tục đầu tư, cũng như sự chồng chéo giữa các luật với nhau khiến cho nhiều DN cảm thấy như đi vào một mê cung những thủ tục mà không biết khi nào mới xong.

Những dẫn chứng được ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đưa có thể làm rõ hơn sự phức tạp này. Theo ông Hiếu, quyết định chủ trương đầu tư một dự án nhà ở đã phải qua các bước như thẩm tra quy hoạch và đánh giá về môi trường, và tất nhiên khi uy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư thì sở xây dựng đã phải tham mưu, góp ý. Nhưng cho đến khi thực hiện dự án đầu tư thì nhà đầu tư lại phải đến sở xây dựng để thực hiện lại thủ tục thẩm tra. Các thủ tục khác cũng phải lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy ở nhiều cơ quan khác nhau.

“Bất cập này không mới chút nào. Đã phản ánh nhiều rồi nhưng chưa sửa được. Hậu quả lớn nhất ở đây chính là thời gian và chi phí của nhà đầu tư phải gánh chịu,” ông Hiếu nói.

Điều này cũng giống như chuyện những dự án đầu tư công bị chậm tiến độ và sau đó chi phí đầu tư của dự án đã bị đẩy lên. Nhưng với những dự án đầu tư công, thì thiệt hại là Nhà nước chịu, còn với những dự án đầu tư của nhà đầu tư tư nhân, thì chính nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành, cho biết nếu như dự án kéo dài một năm, chi phí lương nhân viên và lãi suất ngân hàng mất khoảng 5% và hai năm thì sẽ là 10%. Thủ tục càng kéo dài, thì giá thành sản phẩm sẽ càng tăng vì chi phí đó tính vào giá thành. Nhưng nhiều lúc thì không đơn giản như vậy, vì thủ tục kéo dài có thể khiến nhà đầu tư lỡ mất cơ hội kinh doanh.

Thủ tục phức tạp đã là một khó khăn với DN, nhưng theo ông Hiếu, thì điều bất cập nữa chính là việc Nhà nước còn can thiệp cả vào quyết định đầu tư của nhà đầu tư.

Điển hình nhất là câu chuyện giới thiệu địa điểm đầu tư. “Tìm địa điểm là việc của nhà đầu tư phải làm và tự quyết định, việc gì Nhà nước phải làm việc đó?” – ông Hiếu nói. Nếu Nhà nước giới thiệu địa điểm thì sẽ dẫn đến trường hợp nhà đầu tư sẽ phải miễn cưỡng làm theo, dù muốn vào địa điểm khác. Nhưng điều bất lợi hơn nữa là việc đó sẽ đẩy cơ quan Nhà nước vào tình trạng tranh chấp đất với người dân để giải phóng mặt bằng, trong khi lẽ ra nhà đầu tư sẽ phải đi thỏa thuận với người dân.

Nhưng đó chưa phải là sự can thiệp duy nhất. Ông Đực cho biết rằng khi một DN bất động sản như Cty ông tiến hành đầu tư một dự án thì sẽ phải trình thiết kế kỹ thuật, gồm cả kỹ thuật làm móng nhà cho sở xây dựng duyệt.

“Chúng tôi chứng minh công nghệ làm móng của chúng tôi tốt qua những dự án đã được xây dựng rồi nhưng họ vẫn không chịu và bắt phải chứng minh qua thủ tục giấy tờ thì mới cho xây dựng, đó là sự can thiệp lớn vào sự sáng tạo của DN” – ông Đực bức xúc nói.

Có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng chồng chéo và không rõ ràng này chính là sự tồn tại của Luật Đầu tư, trong khi những quy định liên quan tới các thủ tục đầu tư đã có ở trong những bộ luật có liên quan. Chính vì vậy, gần đây đã có nhiều DN và chuyên gia nghiên cứu luật đã đề xuất nên xóa bỏ hẳn Luật Đầu tư để giảm bớt thủ tục về đầu tư dự án và sự chồng chéo với các luật chuyên ngành khác.
                                                                                                                                      Theo: Enternews.vn


Các tin khác