Phụ gia có thể là tác nhân gián tiếp gây cháy
Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ KH-CN) ngày hôm qua 30.12, công bố đã phát hiện mẫu xăng có chứa methanol tại một cây xăng ở Mai Dịch (Hà Nội). Theo các nhà khoa học, đây là một thông tin quan trọng để tìm ra manh mối thủ phạm gây ra các vụ cháy nổ hàng loạt.

 

''Methanol là dung môi mạnh gây ra sự ăn mòn thậm chí phá hủy rất nhanh các kết cấu bằng cao su, nhựa. Đối với xe máy sử dụng xăng có hàm lượng methanol cao có thể gây ra hiện tượng rò rỉ xăng dẫn đến cháy nổ'' - Đại tá Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học về PCCC và cứu hộ thuộc Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Công an

 
Hàm lượng methanol vượt ngưỡng 30 lần

Theo Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Cục), ngày 28.12, Cục đã phối hợp với Sở KH-CN Hà Nội kiểm tra đột xuất tại cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, thuộc Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ xuất khẩu Từ Liêm, địa chỉ Km số 9 đường Hồ Tùng Mậu, Q.Cầu Giấy (đường 32 rẽ vào khu đô thị Mỹ Đình). Căn cứ vào biên bản kiểm tra và kết quả thử nghiệm của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường ngày 28.12, Cục cho biết, tại cây xăng này, loại xăng không chì RON 92 không đạt chất lượng. Cụ thể, hàm lượng ô xy thực thế 8,8% khối lượng, cao hơn quy định 3 lần. Ngoài ra, mẫu thử nghiệm còn cho thấy hàm lượng methanol chiếm 15,8% thể tích (theo tiêu chuẩn quy định rõ tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diezel và nhiên liệu sinh học thì tiêu chuẩn này là 0,5% thể tích, tức hàm lượng ở mẫu kiểm nghiệm đã vượt 30,6% hàm lượng tiêu chuẩn).

 


Hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường tại cửa hàng xăng dầu Mai Dịch - Ảnh: Thái Sơn

Ngoài ra, mẫu xăng lấy tại cửa hàng trên có hàm lượng nước 366 ppm (ppm đơn vị đo lường để diễn đạt nồng độ theo khối lượng hay thể tích).

 

 

Thêm ô tô bất ngờ bốc cháy

Sáng qua 30.12, Công an Quảng Nam đã tiếp cận hiện trường vụ cháy ô tô tại TP.Tam Kỳ để điều tra. Vụ cháy xảy ra khoảng 2 giờ 30 sáng cùng ngày, xe ô tô của Công ty liên doanh thức ăn thủy sản Việt - Hoa đang đỗ ở vỉa hè đường Trần Quý Cáp (tổ 8, khối phố Mỹ Thạnh, P.Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) để nghỉ tại nhà trọ gần đó thì bất ngờ xảy ra cháy. Được biết, chiếc xe ô tô cháy do hãng General (Mỹ) sản xuất.

10 giờ sáng 30.12, xe bồn chuyên dụng chở khí công nghiệp chạy trên QL 1A từ Hà Nội đi Lạng Sơn, đến địa phận P.Vũ Ninh (TP.Bắc Ninh) bất ngờ bị cháy. Đầu xe kéo hiệu Mercedes-Benz, biển số 29R- 001.05, trên vỏ bồn chở khí in thương hiệu Công ty TNHH khí công nghiệp Sao Mai (Thái Hà, Hà Nội). Tại hiện trường, tài xế Đỗ Duy Phương cho biết, khi anh đang lái xe lên Lạng Sơn nhận hàng thì phát hiện lửa bốc ra ở khu vực sau đầu kéo, phía lái. Sau gần 1 tiếng, lửa đã được dập tắt. 8 vỏ lốp, hệ thống dây dẫn điện và dàn lạnh của xe đã bị hư hỏng.

H.X.Huỳnh - TH.Lý - Kinh Bắc

 

Trả lời Báo Thanh Niên, TS Đào Quốc Tùy, Trưởng bộ môn Công nghệ hữu cơ - hóa dầu (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết: hàm lượng methanol chiếm 15,8% thể tích là quá cao. TS Tùy phân tích: “Acetone, methanol, ethanol không phải là những phụ gia bắt buộc pha vào xăng. Tuy nhiên, khi cho các chất phụ gia này vào xăng sẽ làm tăng khả năng cháy, khả năng bay hơi và chỉ số octan của xăng. Bộ Công thương và Tổng cục Đo lường đã đưa ra bộ tiêu chuẩn khi pha các chất vào trong xăng và buộc các đơn vị sản xuất, bán xăng phải tuân thủ. Trong số 3 phụ gia trên, ethanol ít độc hại hơn nên các cơ quan chức năng đã cho phép pha 5% thể tích. Nếu pha nhiều methanol, tương tự như acetone sẽ bay hơi dẫn đến hỏng hóc máy móc”. Theo TS Đào Quốc Tùy, không nên kết luận vội vàng methanol là tác nhân gây cháy nổ. Tuy nhiên, đây là một thông tin quan trọng để cơ quan chức năng tiếp tục tìm ra manh mối.

Nghi vấn xăng pha

Một lãnh đạo Viện Cơ khí động lực (ĐH Bách khoa Hà Nội) nhận định, xăng chất lượng kém cũng có thể là tác nhân gián tiếp. Vị lãnh đạo này phỏng đoán vì lợi nhuận trước mắt, những người kinh doanh xăng dầu đã pha phụ gia vào xăng vượt ngưỡng cho phép nhằm bớt xén tiền của người tiêu dùng. Lợi bất cập hại, trong khi một loại xe nào đó trước khi đưa ra thị trường, nhà sản xuất bao giờ cũng tính đến thiết kế các chi tiết máy móc phù hợp với loại xăng đạt chuẩn. Loại xăng không đạt chất lượng sẽ không tương thích, các chi tiết máy móc sẽ bị ảnh hưởng, phá hỏng máy móc hoặc ăn mòn các bộ phận, về lâu về dài có thể gây chập điện.

PGS-TS Lưu Văn Bôi, Chủ nhiệm Khoa Hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra giả thuyết, hiện nay trên thị trường methanol có giá thành khoảng 10.000 đồng/lít, có thể người kinh doanh hoặc nhà sản xuất đã pha methanol vào xăng để giảm giá thành.

Đại tá Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học về PCCC và cứu hộ thuộc Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Công an cho biết, hàm lượng methanol cao sẽ rất nguy hiểm. “Methanol là dung môi mạnh gây ra sự ăn mòn thậm chí phá hủy rất nhanh các kết cấu bằng cao su, nhựa. Đối với xe máy sử dụng xăng có hàm lượng methanol cao có thể gây ra hiện tượng rò rỉ xăng dẫn đến cháy nổ”, đại tá Thắng nói.

 

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói gì?

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex) cho biết, toàn bộ xăng dầu Petrolimex nhập khẩu từ Singapore và Dung Quất đang lưu thông và phân phối trên thị trường VN đều không pha bất kỳ tạp chất, thành phẩm nào, đáp ứng đúng tiêu chuẩn TCVN.

“Chúng tôi chịu trách nhiệm đưa ra thị trường sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn. Lô xăng nào bán cho đại lý đều được lưu mẫu trong kho”, ông Dũng nói. Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định, doanh nghiệp đầu mối không thể quản lý được các đại lý nhỏ cấp dưới có pha trộn gì hay không.

Ông Lê Minh Hồng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí VN (PVN) cũng khẳng định, xăng ethanol - E5 tập đoàn này sản xuất đã được đưa ra thị trường 2 năm, hiện đội taxi dầu khí vẫn sử dụng xăng này và chưa phát hiện ra bất kỳ sự cố nào liên quan đến xăng.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối lớn cho biết, methanol là chất độc hại cho cả con người và môi trường. Tiêu chuẩn của VN cũng như các nước trên thế giới không cho phép pha methanol trong xăng, do methanol không phải phụ gia cũng như nguyên liệu pha chế của xăng.

Hiện tại, nhà nước chỉ cho phép pha một số phụ gia vào xăng như mangan, sắt... đây là các phụ gia cơ kim, chỉ được pha với tỷ lệ nhỏ 1 phần triệu, để làm tăng chỉ số octan, làm sạch động cơ.

Mai Hà

 

Cây xăng vi phạm vẫn hoạt động

Chiều qua 30.12, PV Thanh Niên đã có mặt tại cửa hàng xăng dầu Km số 9 đường Hồ Tùng Mậu, thuộc Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm và ghi nhận hoạt động kinh doanh tại đây vẫn diễn ra bình thường. Chỉ trong vòng 15 phút chúng tôi ghi nhận có tới 50 khách hàng cả ô tô và xe máy vào đây đổ xăng.

Trả lời Thanh Niên vào chiều qua, ông Nguyễn Kim Quân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm cho biết, công ty là đại lý phân phối sản phẩm của Tổng công ty xăng dầu Quân đội. “Chúng tôi chỉ là đại lý bán hàng và nhập nguồn hàng của Tổng công ty xăng dầu Quân đội, việc thành phần, tiêu chuẩn như thế nào, đạt hay không đạt chúng tôi không biết”, ông Quân cho hay.

“Trong chiều qua chúng tôi cũng đã có công văn tới Tổng công ty xăng dầu Quân đội đề nghị họ làm rõ cũng như có trách nhiệm trong việc cung cấp xăng không đúng chỉ tiêu chất lượng như văn bản của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa”, ông Nguyễn Xuân Cảnh, người phụ trách kinh doanh của cửa hàng kinh doanh xăng dầu Mai Dịch cho biết.

Vào cuối chiều qua, PV Thanh Niên đã đã liên lạc với Tổng công ty xăng dầu Quân đội để tìm hiểu thông tin về chất lượng xăng dầu, tuy nhiên nhân viên tại đây cho biết lãnh đạo không có mặt ở công ty. Một người khác tự xưng là cán bộ của tổng công ty nhưng đề nghị không nêu tên cho rằng, cửa hàng xăng dầu Mai Dịch không phải là đại lý của tổng công ty, theo đó, không ai dám chắc về nguồn cung xăng dầu. Vị này cho biết sẽ báo cáo chỉ huy để có biện pháp “tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như uy tín của doanh nghiệp”.

Theo Thanhnien.com.vn


Các tin khác