Những cổ đông không thích đại hội

Những cổ đông không thích đại hội

Đại hội cổ đông là nơi để cổ đông gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp, thu thập thông tin, bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến, thể hiện vai trò "ông chủ" của mình.

Tuy nhiên, vẫn có không ít các cổ đông không mấy quan tâm và thích thú với những lợi ích này.

Không thích có thể vì nhiều nguyên do, vì không được đáp ứng nhu cầu hoặc đơn giản là cảm thấy… không cần thiết. Mùa đại hội cổ đông 2008 có thể xem là mùa sôi động nhất trong những năm gần đây. Do năm 2007, thị trường chứng khoán bùng nổ, nhà nhà, người người "đánh chứng" và muốn tìm hiểu về lĩnh vực này. Rồi đầu năm 2008, thị trường chứng khoán giảm rất mạnh, giá cổ phiếu lao dốc, nên nhiều người cũng muốn xem xét thông tin của doanh nghiệp cũng như nghe ngóng thị trường. Nhưng dần dà, sự hào hứng tham dự đại hội cổ đông bắt đầu giảm. 

Có cũng như không 

Không ít cổ đông là các nhà đầu tư nhỏ lẻ cho biết ban đầu họ rất hào hứng với đại hội cổ đông, nhưng khi tham dự và tham dự vài lần thì vô cùng thất vọng. Lần đầu tiên, có thể doanh nghiệp chưa quen với việc tiếp xúc cổ đông, không minh bạch thông tin, không trả lời chất vấn, điều đó có thể chấp nhận được. Nhưng đến lần thứ 2, thứ 3 vẫn y như vậy thì thà… ngồi nhà còn hơn. 

Có những doanh nghiệp, khôn ngoan hơn, để tránh cho đại hội căng thẳng, mà thực ra là để tránh những chất vấn trực diện về các vấn đề gai góc, đã có những chiêu trò kéo dài đại hội chẳng hạn như: đọc các văn bản dài lê thê, lồng ghép các tiết mục văn nghệ… Điều này đã khiến cho các cổ đông phải chán nản, bỏ về trước khi tiến hành biểu quyết. 

Cũng có những đại hội, doanh nghiệp bày tỏ thiện chí lắng nghe, nhưng nghe rồi để đó, không thấy cải thiện gì. Hoặc thí dụ phương án đưa ra, có những cổ đông phản đối rất mạnh, nhưng cuối cùng cũng thông qua. Tóm gọn lại, khi cổ đông nhận thấy lãnh đạo doanh nghiệp không có sự cầu thị, không biết lắng nghe, và đặc biệt không tôn trọng, cần nhấn mạnh là tôn trọng một cách thực sự, thì sự quay lưng là điều dễ hiểu. 

Nhận định về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty luật Basico, cho biết: Có thể hiện nay, doanh nghiệp với quy mô nhỏ vẫn do vài ba cổ đông lớn chi phối. Nhưng theo thời gian, doanh nghiệp sẽ phát triển đến một quy mô rất lớn, lúc đó việc các nhóm cổ đông hoặc lãnh đạo doanh nghiệp phải "năn nỉ" cổ đông nhỏ ủng hộ mình là điều bình thường. Vì vậy, nếu để cổ đông nhỏ quay lưng ngay từ bây giờ, thì rủi ro cho các doanh nghiệp về sau trong cách ứng xử và sự tôn trọng của cổ đông đối với doanh nghiệp sẽ rất lớn. 

Không thấy quyền lợi 

Đôi khi sự thích thú khi đi dự đại hội cổ đông lại bắt nguồn từ những yếu tố khá đơn giản. Lấy thí dụ trường hợp của đại hội cổ đông Hoàng Anh Gia Lai (HAG), có thể nói đây là một trong những đại hội luôn có số lượng cổ đông nhiều nhất. HAG là một công ty lớn, cơ cấu cổ đông đa dạng, đó là những lý do đầu tiên, nhưng bên cạnh đó, đi dự ĐHCĐ của HAG cổ đông cũng rất thích nghe ông Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức nói chuyện, trả lời chất vấn. 

Ngoài ra, các đại hội cổ đông của HAG đều có một món quà, được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ cặp sách, áo, đế đựng bút… để tặng cho các cổ đông. Một cổ đông dự đại hội của HAG rồi lại đi dự một đại hội khác với không khí buồn tẻ, chán nản thì liệu có thích thú nữa hay không? 

Cũng có những doanh nghiệp khác chuẩn bị quà tặng cho cổ đông nhưng không phải lúc nào cũng tạo ra sự thu hút. Của cho không bằng cách cho, thực ra món quà cho thấy sự trân trọng của doanh nghiệp, nhưng bản thân cách hành xử của doanh nghiệp cũng phải nhất quán, tặng quà nhưng lại thiếu minh bạch, coi thường cổ đông thì cũng chẳng ai thích thú. 

Với những nhà đầu tư mua cổ phiếu với lý do đơn thuần là để lướt sóng, khi nào có lãi thì bán thì nhu cầu đi dự đại hội cổ đông cũng sẽ rất hạn chế. Vì vậy, mới xảy ra một hiện tượng khá vui nhộn là nhiều khi những người sở hữu hàng trăm nghìn cổ phiếu lại không đi dự đại hội, nhưng có những người chỉ sở hữu 10 - 100 cổ phiếu lại có mặt ở đại hội. Nguyên nhân là vì, những người sở hữu số lượng lớn đơn thuần chỉ để mua đi bán lại, trong khi đó số lượng những người sở hữu thấp lại bắt nguồn từ lý do nhiều người mua cổ phiếu để có đủ tư cách đi dự đại hội nhằm thu thập thông tin. 

Có thể nói rằng việc đi dự đại hội hay không là quyền và nhu cầu của mỗi người, nhưng ở một khía cạnh khác, đây là một sự lãng phí. Bởi lẽ, cổ đông giữ cổ phiếu, nhưng không quan tâm đến doanh nghiệp thì ít nhiều đã lãng phí cơ hội của mình; còn doanh nghiệp bị hạn chế đi một số nguồn lực.
Lướt sóng, hay giao dịch ngắn hạn cổ phiếu thì vẫn phải dựa trên một yếu tố quan trọng là thông tin, mà đại hội cổ đông lại là nơi có nhiều thông tin. 

Còn doanh nghiệp có được những cổ đông có thể nhiều tiền, tức là đã được góp tiền, thì cũng mong muốn những cổ đông này góp thêm chất xám của mình.
                                                                                                                              Theo: Cafef


Các tin khác