Chủ nợ lo con nợ đóng cửa

    

Bài viết của Luật sư Nguyễn Vân Quỳnh - Công ty Phuoc & Partners đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 12-2013, phát hành ngày 21/3/2013.

- Vừa rồi, có khách hàng liên hệ với luật sư nhờ tư vấn một vấn đề khá thú vị. Chuyện là doanh nghiệp A có một con nợ chây ì là doanh nghiệp B và B đang tiến hành giải thể công ty. A sợ không thu hồi được nợ khi B đóng cửa nên đã gửi thư đến cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế nơi B đăng ký hoạt động thông báo tình hình và đề nghị hai cơ quan này không làm thủ tục giải thể doanh nghiệp cho B nếu B chưa trả hết nợ cho đối tác. Một tuần sau, A

nhận được văn bản trả lời của cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế từ chối hợp tác vì cho rằng không có cơ sở để thực hiện yêu cầu của A và đề nghị A khởi kiện B ra tòa án theo thủ tục tố tụng.

A khởi kiện thì đã đành, nhưng nếu chẳng may B đã kịp giải thể trước khi A hoàn tất hồ sơ khởi kiện hoặc trước khi tòa án thụ lý đơn kiện thì A biết kiện ai bây giờ? Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang vay nợ nhau chằng chịt như hiện nay, mối lo của các chủ nợ như A là rất phổ biến, nhưng xem kỹ mới thấy luật và thực tế vẫn còn xa nhau lắm.

Luật: trả hết nợ mới được đóng cửa

Luật Doanh nghiệp 2005 đã quy định doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác (điều 157.2). Với cấu trúc “chỉ…..khi” dứt khoát như vậy, rõ ràng đây là điều kiện bắt buộc. Điều này là đương nhiên vì không luật nào ủng hộ hoặc tạo điều kiện cho việc quỵt nợ dễ dàng như thế. Thậm chí, để cho chặt chẽ hơn, Luật Doanh nghiệp còn quy định trong quyết định giải thể của doanh nghiệp phải ghi rõ thời hạn, thủ tục thanh toán các khoản nợ (điều 158.1), quyết định giải thể phải được gửi đến tất cả các chủ nợ trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày thông qua kèm theo phương án giải quyết nợ (điều 158.3). Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh (điều 158.5).

Toàn bộ những công việc liên quan đến các khoản nợ và chủ nợ trong quá trình giải thể đều do tự thân doanh nghiệp thực hiện, chịu trách nhiệm. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ giải quyết hồ sơ giải thể của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ giải thể hợp lệ và đầy đủ, còn tính xác thực của hồ sơ thì cơ quan đăng ký kinh doanh…“chịu”, không thể biết và cũng không có điều kiện để biết. Ngay cả trường hợp nếu pháp luật có yêu cầu doanh nghiệp nộp danh sách các chủ nợ và xác nhận của chủ nợ về việc đã nhận được phương án giải quyết nợ hoặc đã giải quyết xong các khoản nợ thì quy định đó cũng sẽ mãi là một quy định “ngủ quên”, vì chẳng bao giờ thực hiện được trên thực tế. Bởi cơ quan đăng ký kinh doanh làm sao biết được chủ nợ của doanh nghiệp là ai, doanh nghiệp có bao nhiêu chủ nợ, xác nhận đó có đúng là của chủ nợ không. Hơn nữa, nếu các chủ nợ biết doanh nghiệp lấy xác nhận để làm thủ tục giải thể thì liệu có chủ nợ nào chịu xác nhận để con nợ được xóa pháp nhân? Rõ ràng, thủ tục giải thể doanh nghiệp đơn giản như hiện nay là không ổn nếu nhìn từ góc độ bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ.

Có thể thấy trong hoàn cảnh con nợ giải thể mà cứ trông chờ vào thiện chí trả nợ của họ là phương án không an toàn cho chủ nợ. Các thủ tục tố tụng thì gây mệt mỏi và mất thời gian. Chủ nợ tự bảo vệ mình theo cách gửi công văn đến cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế địa phương để ngăn chặn việc giải thể của doanh nghiệp con nợ là hành động hợp lý và chính đáng.

Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế: trả nợ là việc của doanh nghiệp

Theo văn bản trả lời của cơ quan đăng ký kinh doanh ở trường hợp nêu trên thì yêu cầu ngăn việc giải thể doanh nghiệp con nợ của chủ nợ là không có cơ sở để thực hiện. Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện việc này khi có yêu cầu của tòa án về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định theo điều 102.12 của Bộ luật Tố tụng dân sự (ở đây là buộc phải duy trì hoạt động của doanh nghiệp con nợ).  

Còn quan điểm của cơ quan thuế? Trao đổi trực tiếp với chúng tôi, một chuyên viên chi cục thuế quận Y, nơi quản lý hồ sơ thuế của một doanh nghiệp con nợ cho biết, dù hiểu nỗi lo của chủ nợ nhưng đã tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, cơ quan thuế không thấy bất kỳ một văn bản hay quy định nào cho phép họ không làm thủ tục quyết toán thuế, đóng mã số thuế của doanh nghiệp giải thể nếu có yêu cầu từ cá nhân hay tổ chức nào đó về việc doanh nghiệp muốn giải thể chưa thanh toán hết các khoản nợ.

Trả lời của cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế không phải là không hợp lý, bởi doanh nghiệp giải thể phải tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác của hồ sơ giải thể bao gồm việc đã thanh toán hết các khoản nợ. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh là phải ra thông báo về việc doanh nghiệp đã giải thể và xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ giải thể hợp lệ của doanh nghiệp, nếu cơ quan thuế và cơ quan công an không có yêu cầu khác (điều 26, Thông tư 14/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Còn cơ quan thuế thì lại không có cơ sở để “yêu cầu khác” khi đề xuất với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn băn khoăn: việc doanh nghiệp chủ nợ yêu cầu không thực hiện thủ tục giải thể cho doanh nghiệp con nợ khi doanh nghiệp chưa nộp hồ sơ giải thể có thể khiến cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế “khó nghĩ”, nhưng nếu chủ nợ yêu cầu khi doanh nghiệp con nợ đã thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sao?

Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp phải niêm yết công khai quyết định giải thể doanh nghiệp tại trụ sở chính của doanh nghiệp và chi nhánh, và đăng quyết định này trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (điều 8c, Nghị định 05/2013). Mục đích của việc công bố này là để cho các chủ nợ, người lao động, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan biết về quyết định giải thể của doanh nghiệp. Vậy biết để làm gì nếu không phải là để những người này thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước quyết định giải thể của doanh nghiệp? Nếu là như vậy, liệu cơ quan đăng ký kinh doanh có nên thực hiện yêu cầu của chủ nợ sau khi doanh nghiệp con nợ đã công khai quyết định giải thể khi mà hiện nay còn chưa có quy định pháp luật về nội dung này? Đó là chưa kể đến việc chủ nợ không phải lúc nào cũng có thể biết về quyết định giải thể của doanh nghiệp con nợ trên báo chí hoặc cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, trong khi họ là người có quyền lợi kinh tế đối với con nợ và cần được bảo vệ một cách chính đáng.

Hướng xử lý

Với những phân tích trên, việc chủ nợ yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh ngăn chặn giải thể doanh nghiệp con nợ cũng là một cách thông báo hồ sơ giải thể doanh nghiệp không trung thực. Trước tin báo đó, xét về lý, cơ quan đăng ký kinh doanh không thể làm ngơ.

Thiết nghĩ, cần có quy định pháp luật cho phép cơ quan đăng ký kinh doanh không giải quyết hồ sơ giải thể của doanh nghiệp nếu có đơn thư của các tổ chức, cá nhân thông báo về các khoản nợ chưa thanh toán xong của doanh nghiệp giải thể. Lẽ tất nhiên, cần phải có những tài liệu chứng minh đi kèm.

Ngoài ra, có thể quy định trong một khoản thời gian nào đó, nếu người nộp đơn thư yêu cầu không có văn bản đề nghị giữ nguyên yêu cầu trước đây thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ làm thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định. Khoảng thời gian chờ này là hợp lý để khẳng định hồ sơ giải thể là hợp pháp và trung thực. Về phía doanh nghiệp con nợ, nếu đã thanh toán xong các khoản nợ với chủ nợ thì có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh làm thủ tục giải thể doanh nghiệp kèm theo xác nhận của chủ nợ hoặc yêu cầu chủ nợ phải rút lại yêu cầu ban đầu.

Ở góc độ nào đó, giải pháp này công bằng hơn cho chủ nợ, vì theo thủ tục giải thể doanh nghiệp như hiện nay, hàng năm, không biết có bao nhiêu doanh nghiệp được xóa sổ kèm theo sự “bốc hơi” của các khoản nợ chưa trả mà chủ nợ chẳng thể làm gì!
                                                                                                                                    Theo: Thesaigontimes.vn


Các tin khác