Nhận diện báo cáo tài chính có vấn đề
Bông Bạch Tuyết có thể không phải là trường hợp duy nhất thiếu minh bạch dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư. Báo cáo tài chính sẽ cho biết tường tận về một công ty niêm yết, nhờ những con số "biết nói".

Ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), nhận xét, báo cáo tài chính ở nước ngoài ít khi sai sót, nhưng đã sai thì thường là những vấn đề rất lớn. Ở Việt Nam thì khác, đọc báo cáo tài chính, giới chuyên môn có thể phát hiện rất nhiều chỗ sai nhỏ, và tổng hợp lại trong một báo cáo tài chính, thì có thể lại là lớn.

 
 

Công bố báo cáo tài chính đúng thời hạn là dấu hiệu đầu tiên cho thấy doanh nghiệp minh bạch, bởi nếu tình hình kinh doanh diễn ra như thế nào đều được phản ánh vào báo cáo, thì việc hoàn thành và công bố sẽ rất nhanh. Trong quý I năm nay, sơ bộ có khoảng 40 công ty niêm yết tại HOSE xin được gia hạn nộp báo cáo tài chính quý IV/2008.

Hiện số liệu của doanh nghiệp đều xử lý bằng máy tính, nên rút ngắn được thời gian, và nhiều doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần 20 ngày để hoàn thành. Trong trường hợp có số liệu đến đâu, xử lý đến đấy thì chỉ cần vài ngày. Sự chần chừ công bố báo cáo tài chính, theo ông Bùi Văn Mai, có thể là do nội bộ doanh nghiệp cân nhắc làm sao để có báo cáo “đẹp”, dễ làm hài lòng cổ đông.

Riêng với doanh nghiệp lớn có nhiều công ty thành viên, thì báo cáo có thể bị chậm trễ do các đơn vị làm chậm, khiến báo cáo hợp nhất bị trễ theo. Tình trạng này từng được Chủ tịch VINACONEX Nguyễn Văn Tuân phản ánh, vì tổng công ty này có tới trên 40 thành viên. Quy mô lớn khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian để làm báo cáo hợp nhất, trong khi ngành xây dựng vốn có tiếng là thường thanh toán và xác nhận không đúng thời hạn.

Theo ông Bùi Văn Mai, Bông Bạch Tuyết có thể không phải là trường hợp cuối cùng về thiếu minh bạch tài chính, mà sẽ thể hiện ở những hình thức khác nhau. Để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư nào cũng cần có thêm hiểu biết về kinh tế, tài chính và cả kế toán. Báo cáo của doanh nghiệp cũng cần được theo dõi trong nhiều thời kỳ và xâu chuỗi, thì mới nhìn thấy được sức khoẻ thực sự của doanh nghiệp.

Với bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp, cần so sánh số liệu đầu và cuối năm, để thấy được mức độ biến động, và ở những chỉ tiêu nào. Cân đối kế toán phản ánh số dư của các tài khoản tại thời điểm lập báo cáo, và nói lên nguồn tiền của doanh nghiệp đến từ đâu, như tiền mặt, tiền gửi, hàng tồn kho, nguyên vật liệu, nợ phải thu.

Nhà đầu tư Trần Tiến Dũng tại sàn SBS cho biết, sau nhiều năm đầu tư, ông đã quen với việc thường xuyên đọc và xâu chuỗi báo cáo tài chính của những mã ông quan tâm. "Báo cáo một quý chưa nói lên nhiều điều, mà chỉ khi liên hệ với những kỳ trước, mới có thể hình dung về sức khỏe thực sự của doanh nghiệp", ông Dũng chia sẻ.

Nhiều trường hợp tài sản lớn là rất tốt cho doanh nghiệp, như có tiền mặt, tiền gửi lớn, thậm chí hàng tồn kho, nếu như mặt hàng đó đang tăng giá và được nhập về từ lúc giá còn rẻ, có khả năng sinh lời lớn. Nhưng nếu sau khi bán hàng cuối năm mà khách vẫn nợ và doanh nghiệp khó lòng thu hồi sớm, thì chưa hẳn tài sản lớn đã đáng mừng. Nguồn vốn của doanh nghiệp cũng cần được quan tâm, bởi nếu có từ vốn của cổ đông thì rất tốt, nhưng nếu phải vay ngân hàng lượng tiền lớn trong bối cảnh lãi suất cao nhưng đầu năm vừa qua, thì sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận.

Mặt khác, nếu khấu hao tài sản của doanh nghiệp biến động bất thường, thì cũng “có vấn đề”, bởi lợi nhuận có thể đã bị điều chỉnh. Nếu muốn tăng lãi, doanh nghiệp giảm khấu hao, và ngược lại, muốn lãi ít, thi tăng khấu hao. Về nguyên tắc, khấu hao phải được thực hiện thống nhất từ đầu đến cuối năm, và năm này sang năm sau.

Doanh nghiệp có lãi lớn để chia cho cổ đông là điều ai cũng mong đợi, nhưng không phải trường hợp nào cũng là tốt. Nhiều doanh nghiệp phải bán tháo hàng để có doanh thu. Nhưng bán mà chưa thu được tiền và lợi nhuận vẫn được ghi vào sổ sách năm nay, thì có khả năng thua lỗ nằm trong năm sau.

Các báo cáo quý hiện nay chưa phải kiểm toán, song Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) và VACPA mới đây đã đề xuất báo cáo quý của doanh nghiệp niêm yết cũng cần được soát xét, để đảm bảo những nội dung chính trong báo cáo không bị sai sót. Hiện có 38 công ty kiểm toán đủ điều kiện kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.

Với các kiểm toán viên, dữ liệu trong báo cáo đều là những con số "biết nói". Trong trường hợp báo cáo có phần ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên, thì nhất định có vấn đề đáng quan tâm. “Nếu tôi là nhà đầu tư, tôi sẽ không bao giờ đầu tư vào doanh nghiệp này, bởi có dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang che giấu thông tin”, ông Bùi Văn Mai chia sẻ.

Ý kiến ngoại trừ được đưa ra khi kiểm toán viên không thể tiếp cận dữ liệu nào đó của doanh nghiệp, chẳng hạn hàng tồn kho, hoặc hợp đồng kiểm toán được ký sau khi doanh nghiệp đã kiểm kê tài sản và kiểm toán viên không thể tiếp cận quá trình này. Đặc biệt, nếu ý kiến ngoại trừ rơi vào số dư hàng tồn kho, thì càng nên thận trọng, bởi nội dung này chiếm đến 2/3 thông tin trong báo cáo.

Trong trường hợp kiểm toán viên nói “tôi không có ý kiến” hay không chấp nhận báo cáo tài chính, thì báo cáo của doanh nghiệp đều không thể sử dụng. Về nguyên tắc, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp luôn có báo cáo của kiểm toán viên đính kèm.

Theo vnexpress.net

Các tin khác