Thực hiện thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập vãng lai:Đề xuất bãi bỏ áp 20% thuế
LĐ) - Ngày 20.3, đại diện Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua, cơ quan này nghiên cứu và thấy qua thực tế, việc thực hiện áp dụng chính sách khấu trừ 20% thuế đối với thu nhập vãng lai từ 500.000đ trở lên là bất cập.
Hết quý III/2009 mới cấp xong mã số thuế

Cụ thể, theo thông tư số 84/2008/TT-BTC - ngày 30.9.2008 có hướng dẫn: "Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân thực hiện các dịch vụ mà không ký hợp đồng lao động như tiền nhuận bút, giảng dạy... có tổng mức trả thu nhập từ 500.000 đồng trở lên thì phải khấu trừ thuế trước khi chi trả theo mức: Cá nhân có mã số thuế thực hiện khấu trừ 10% trên thu nhập; cá nhân không có mã số thuế thực hiện khấu trừ 20% trên thu nhập".

Theo đại diện Tổng cục Thuế thì thực tế, để triển khai cấp mã số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho khoảng 10 triệu người lao động làm công ăn lương, đòi hỏi cơ quan quản lý phải có sự đầu tư cả về thời gian, nhân lực. Tuy nhiên, dù với tất cả nỗ lực thì theo dự kiến phải đến hết quý III/2009 này mới có thể hoàn thành xong công đoạn cấp mã số thuế. Như vậy có nghĩa là, trong già nửa một năm đầu thực hiện, sẽ có không ít cá nhân chưa được cấp mã số thuế. Vì vậy, nếu áp dụng ngay quy định khấu trừ 20% đối với các khoản thu nhập vãng lai, nhiều người lao động sẽ phải chịu thiệt thòi, cho dù lỗi không thuộc về họ.

Bên cạnh đó, đối với cơ quan chi trả là DN nơi sử dụng nhiều lao động vãng lai, đặc biệt là các DN kinh doanh ngành nghề xây dựng, bốc xếp... thì việc áp dụng quy định khấu trừ 20% sẽ vừa phức tạp, vừa làm tăng chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Nếu cứ ép phải thực hiện quy định này, vô hình trung đã đi ngược lại với nỗ lực của Chính phủ là tháo gỡ khó khăn cho DN.

Ngoài ra, đại diện cơ quan này cũng cho biết là trên thực tế, không phải tất cả các đối tượng thuộc diện áp dụng quy định khấu trừ 20% cho các khoản thu nhập vãng lai đều có thu nhập đến mức phải nộp thuế TNCN. Vì vậy, nếu cứ áp dụng máy móc việc khấu trừ này sẽ dẫn đến hậu quả là vừa gây phiền hà cho người lao động và cơ quan thực hiện khấu trừ, vừa buộc cơ quan thuế phải đối mặt với một khối lượng rất lớn các hồ sơ hoàn thuế vào cuối năm, trong khi chi phí này không thật sự cần thiết.

Thống nhất chỉ khấu trừ 10%

Từ những phân tích này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này đã nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp trình Bộ Tài chính quyết định. Theo đó sẽ tạm bãi bỏ quy định khấu trừ 20% đối với những cá nhân không có mã số thuế.

Trước mắt sẽ thống nhất một mức khấu trừ chung 10% trên các khoản thu nhập vãng lai của người làm công ăn lương. Đối với các DN, tổ chức có sử dụng nhiều lao động theo thời vụ; nếu ký hợp đồng với người lao động từ 3 tháng trở lên thì người lao động sẽ được áp dụng quy định về giảm trừ gia cảnh và được thực hiện mức khấu trừ như người làm công có thu nhập ổn định. Đối với lao động vãng lai, không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động thực hiện các dịch vụ có thời gian dưới 3 tháng sẽ áp dụng khấu trừ thuế theo tỉ lệ 10% - tính trên tổng thu nhập, hoặc mỗi lần chi trả từ 500.000 đồng trở lên.

Đặc biệt, để hạn chế số cá nhân phải thực hiện quyết toán thuế và làm thủ tục hoàn thuế, cơ quan quản lý dự kiến sẽ cho phép người lao động nếu xét thấy thu nhập của mình thấp (dưới 48 triệu đồng/năm đối với người độc thân; dưới 67,2 triệu đồng/năm nếu phải nuôi dưỡng 1 người phụ thuộc; dưới 86,4 triệu đồng/năm nếu phải nuôi dưỡng 2 người phụ thuộc...) thì chỉ cần làm bản cam kết gửi cho đơn vị chi trả thu nhập thì sẽ không phải tính tạm khấu trừ thuế. Tuy nhiên, cá nhân có thu nhập vãng lai phát sinh vẫn phải tổng hợp chung vào thu nhập cả năm để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp.

 
Thế Hải


Admin (Theo cic32)


Các tin khác