Ngân hàng bắt đầu "siết" tín dụng cầm cố chứng khoán

Trước xu hướng giảm giá của thị trường chứng khoán trong hơn 2 tuần qua và đang lùi sát ngưỡng 400 điểm đã khiến các ngân hàng phải thận trọng hơn đối với loại hình tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán.

 
 
  Điều kiện áp dụng đối với tín dụng cầm cố được các NH "siết" chặt hơn trước.

So với 5 tháng đầu năm, nhu cầu vay tiền kinh doanh CK hiện đã giảm khá nhiều, nhưng với các NĐT tổ chức vẫn có nhu cầu; song, điều kiện áp dụng đối với tín dụng cầm cố được các NH "siết" chặt hơn trước.

 

Theo ông Hồ Đức Toàn - Trưởng phòng môi giới CTCK SJC (SJCS), kể từ đầu năm 2009 SJCS đã liên kết với Eximbank để triển khai dịch vụ cầm cố CK hỗ trợ vốn cho NĐT và đã có sự phát triển trong 3 tháng trước. Eximbank cho NĐT tại sàn SJCS vay với lãi suất tương đối "mềm" - khoảng 10,5%/năm và tối đa 30% thị giá CP.

 

Thế nhưng, ông Toàn cho biết, gần đây Eximbank đã ra thông báo và giảm hạn mức cho vay tối đa chỉ được 20% thị giá CP, thay vì 30% như trước. Điều kiện này được áp dụng đại trà đối với tất cả các loại CP nằm trong danh mục cầm cố do Eximbank chọn.

 

Trong khi đó, SJCS cho rằng, một số CP có thanh khoản cao và nhu cầu của một số nhà đầu tư lớn vẫn muốn vay nên Cty dự kiến sẽ có đề nghị với Eximbank gia tăng hạn mức cho vay đối với các mã CP có thanh khoản tốt.

 

Cũng theo ông Toàn, so với 2 tháng trước tín dụng cầm cố CK trong lúc này ít sôi động hơn. Nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng không còn trước diễn biến phức tạp của thị trường hiện nay. Nhưng với các nhà đầu tư tổ chức có tầm nhìn dài hạn, nhu cầu vay cầm cố để tiếp tục kinh doanh là vẫn tồn tại.

 

Đại diện một CTCK khác cũng cho hay, để tránh rủi ro trong việc phát triển loại hình tín dụng này (vốn dĩ đã góp phần làm gia tăng nợ quá hạn tại các NH vào cuối năm 2007 khi TTCK bắt đầu giảm và NHNN siết chặt tín dụng), hiện các NH đang tăng cường thu hồi nợ nhiều hơn "bơm" mạnh vốn ra thị trường như quý II/2009 khi TTCK sôi động.

 

Trả lời về vấn đề này, tổng giám đốc một NH tại TPHCM cho rằng, đối với tín dụng cầm cố CK tiềm năng tăng trưởng luôn luôn có. Đặc biệt là vào những thời điểm CK tăng và chắc chắn loại hình tín dụng này sẽ tăng trưởng theo xu hướng phát triển của thị trường CP.

 

Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay khi giá CP đang điều chỉnh giảm và NHNN tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động tín dụng, nhất là với cho vay cầm cố CK thì việc thận trọng hơn trong cho vay cầm cố là điều hoàn toàn phù hợp. Bởi đây cũng được xem là loại hình tín dụng chứa đựng các yếu tố rủi ro khi thị trường giảm.

 

Trên thực tế, điều này đã từng xảy ra với các NH vào những thời điểm TTCK tụt dốc cách đây 2 năm và không ít nhà băng phải "ôm" luôn CP cầm cố, do NĐT mất khả năng trả nợ. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm không ít nhà băng đã "bơm" mạnh vốn cho vay.

 

Điều này đã được chứng minh qua tổng giá trị giao dịch lần đầu tiên lập kỷ lục lên đến 5.000 tỉ đồng trong ngày 9.6 vừa qua tính trên cả 2 sàn giao dịch Hose và HNX. Trong đó, giá trị giao dịch của Hose chiếm 3.000 tỉ đồng. Chính điều này đã khiến dư luận phải lên tiếng và cho rằng, không loại trừ được nguồn vốn từ tín dụng tiêu dùng đã chảy vào CK, do NH dễ dãi cho vay.

 

Lãi suất tiền gửi trên thực tế đã tăng dần kể từ khi NHNN cho phép các nhà băng được thực hiện cơ chế thỏa thuận đối với tín dụng cá nhân. Trong đó, nhiều NH đã chú trọng đến tín dụng cầm cố và tiêu dùng.

Vì vậy, để hạn chế rủi ro hệ thống, NHNN đã thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra hoạt động cho vay tại các NH. Đáng chú ý, các đoàn kiểm tra, thanh tra sẽ đặc biệt quan tâm đến tín dụng cầm cố CK và bất động sản theo chỉ đạo của NHNN và các NH phải báo cáo lên NHNN về hoạt động cho vay tiêu dùng lên NHNN trong ngày 15/7 vừa qua.

 

Từ những lý do trên đã khiến các NH tỏ ra thận trọng hơn đối với tín dụng cầm cố CK, nhất là kể từ đầu tháng 7/2009 khi TTCK giảm giá. "Hiện dư nợ cầm cố CK chưa phải cao và hầu như nợ quá hạn đối với loại hình tín dụng này là bằng không. Song ngay từ đầu năm, chúng tôi xác định thị trường chưa thể phát triển ổn định nên tỉ lệ cho vay cầm cố phải tùy thuộc vào tính thanh khoản của từng CP và chỉ cho vay tối đa 3 lần mệnh giá" - đại diện một NH nhấn mạnh.

 

Ông Bùi Tấn Tài - Phó TGĐ, kiêm Giám đốc khối khách hàng cá nhân ACB - cho biết, trong 6 tháng đầu năm và hiện NH tiếp tục triển khai cho vay cầm cố CK. Tính đến thời điểm này, dư nợ cho vay cầm cố CK của ACB cũng chỉ chiếm một tỉ lệ rất thấp trong tổng dư nợ, cũng như so với mức được thực hiện theo quy định của NHNN là 20% trên tổng vốn điều lệ thì "room" để cho vay cầm cố CK còn nhiều.

Thế nhưng, với ACB chỉ mới cung cấp các khoản vốn vay tương đối nhỏ. Riêng với các khoản vốn lớn, ACB rất thận trọng, đồng thời kiểm soát chặt các điều kiện tín dụng đối với hoạt động cho vay cầm cố CK.

Vi Nguyễn



Các tin khác