Luật Doanh nghiệp: Khó cả khai sinh lẫn “khai tử”
Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Bộ Phát triển Anh Quốc phối hợp tổ chức ngày 16/8 tại Hà Nội, nhiều luật gia được mời góp ý đã tỏ ra khá bức xúc trước những bất cập của luật này.

Nhiều ý kiến khẳng định Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã có giá trị điều chỉnh thiết thực đối với các loại hình doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Tuy vậy, sau 5 năm triển khai, luật này đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, thiếu sót cần chỉnh sửa, để một mặt tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà kinh doanh trong quá trình thực hiện quyền tự do kinh doanh, mặt khác tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp.

Đang bị “gặm nhấm”

Một số bất cập của Luật Doanh nghiệp đã bộc lộ ngay từ khâu đăng ký kinh doanh
Luật sư Trương Thanh Đức, luật gia của Maritime Bank cho rằng có sự chồng chéo giữa Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành trong vấn đề cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép thành lập doanh nghiệp.

Cụ thể, Luật Doanh nghiệp là luật quy định về thành lập, tổ chức hoạt động đối với các loại hình doanh nghiệp; nhưng bên cạnh đó, các luật chuyên ngành cũng quy định về cấp giấy chứng nhận đầu tư hay giấy phép thành lập đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề đặc thù. Vì vậy, việc có nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn dẫn đến tình trạng không biết ứng xử với luật như thế nào.

Ở một góc nhìn khác, bà Lê Nga, luật sư của Công ty Luật Hà Việt lại nhìn nhận rằng, sự chồng chéo những văn bản pháp luật hay thiếu những quy định hướng dẫn mới... khiến ngay cả những công ty làm tư vấn cũng gặp khó trong tư vấn luật.

Bà Nga lấy ví dụ, một chi nhánh của một công ty đã hoạt động tại Hà Nội được 10 năm nay nhưng do yêu cầu phát triển và nhu cầu thực tiễn hoạt động, chi nhánh này muốn được “nâng cấp” thành công ty mà vẫn kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của chi nhánh.

“Tuy nhiên, do thiếu những quy định hướng dẫn nên việc chuyển đổi từ chi nhánh thành công ty trở nên rất khó khăn, và cũng không thể “vô duyên” yêu cầu giải thể chi nhánh này để thành lập một công ty mới”, bà Nga bức xúc nói.

Vì vậy, bà Nga cho rằng, việc chồng chéo những văn bản pháp luật, hay thiếu những quy định hướng dẫn mới... ngay từ khâu đăng ký kinh doanh đã làm vô hiệu hóa Luật Doanh nghiệp trong những ngành nghề, lĩnh vực này hay nói cách khác, các luật chuyên ngành đang “gặm nhấm” Luật Doanh nghiệp.

“Chết” mà chưa được “chôn”

Đại diện Công ty Cổ phần IMC Việt Nam cho biết, sự thiếu sự phân biệt giữa vốn cam kết góp và vốn thực góp vào công ty TNHH hai thành viên trở lên trong Luật Doanh nghiệp đang gây ra những điểm không phù hợp.

Bởi Luật Doanh nghiệp quy định phần vốn góp đối với thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên là phần vốn thành viên cam kết góp. Thành viên chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn cam kết góp và theo quy định của luật, họ được hưởng quyền lợi cũng tương ứng với phần vốn cam kết góp. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường hợp thành viên chưa góp đủ số vốn cam kết mà vẫn được hưởng lợi nhuận từ số vốn đó.

Hay như luật chưa có quy định về việc góp vốn trong giai đoạn mới thành lập hay trong giai đoạn đang hoạt động, nên dẫn đến nhiều trường hợp Điều 30 của Luật Doanh nghiệp không được vận dụng. “Một điều quy định ra mà không được vận dụng thì quy định làm gì? “, vị đại diện của công ty IMC Việt Nam đặt vấn đề.

Còn theo ông Phan Vũ Anh, công ty Vinaconex, một trong những thông lệ trong các giao dịch kinh tế của Việt Nam hiện nay là thường xem xét tới con dấu của công ty. Đây được xem là vật để tạo lòng tin trong các giao dịch này. Tuy nhiên, trong các quy định liên quan đến việc sử dụng con dấu của doanh nghiệp hoặc những hành vi cất giữ, gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp hoặc trường hợp mất con dấu... trong Luật Doanh nghiệp lại chưa đủ rõ, chưa có những hướng dẫn xử lý cụ thể.

Bà Lê Nga cũng phản ánh thêm rằng, doanh nghiệp xin “khai sinh” đã không biết ứng xử ra sao thì đến khi xin “khai tử” cũng chả biết xử lý thế nào. “Muốn khai tử, doanh nghiệp phải làm quyết toán thuế với cơ quan thuế, sau đó tiến hành trả dấu cho cơ quan công an và cuối cùng mới được nộp hồ sơ giải thể ở cơ quan quản lý Nhà nước về Đăng ký kinh doanh hoặc đầu tư.

Quá trình này kéo dài tới 6-9 tháng. Đây là thời gian tương đối dài và không cần thiết trong khi doanh nghiệp đã không còn tồn tại kể từ khi ra quyết định giải thể, nhưng nó vẫn buộc phải tồn tại vì chưa hoàn tất thủ tục giải thể, chẳng khác nào “chết mà không được chôn”, bà Nga phàn nàn.


Nguồn VNECONOMY

Các tin khác