- Đầu tiên là điều kiện được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Luật Đầu tư công quy định một trong những điều kiện để chương trình, dự án được bố trí vốn trung hạn là "phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để thực hiện chương trình, dự án" (Điều 55).
Tuy nhiên, việc thực hiện theo quy định trên là không dễ do khó có thể lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả dự án trong kế hoạch trung hạn 5 năm tại thời điểm năm đầu của kế hoạch 5 năm. Cạnh đó, mức vốn của chương trình, dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư có thể sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện ở các năm sau, nhất là những năm về cuối của kế hoạch. Đây cũng là vấn đề gây lúng túng và chưa thống nhất khi xây dựng danh mục dự án đầu tư công.
Cụ thể, khi lập kế hoạch đầu tư công phải có danh mục dự án đăng ký kế hoạch thì mới xác định được khả năng cân đối nguồn vốn. Nhưng ở chiều ngược lại, để phê duyệt được chủ trương đầu tư một công trình và đưa vào đăng ký kế hoạch thì phải dự kiến được khả năng cân đối nguồn vốn. Như vậy chẳng khác nào "con gà có trước hay quả trứng có trước".
* Ông nói gì về những bất hợp lý trong quy định về thời hạn thanh toán vốn?
- Điều 76 của Luật Đầu tư công quy định: "Thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài sang năm sau. Trường hợp đặc biệt, được cấp có thẩm quyền cho phép thì được kéo dài thời gian giải ngân không quá kế hoạch đầu tư công trung hạn" đã tạo ra tâm lý ỷ lại, không tích cực thanh toán vốn đầu tư được giao ngay trong năm của các bộ, ngành và địa phương, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu chính phủ là nguồn phải vay. Mặt khác, việc cho phép kế hoạch vốn được kéo dài sang năm sau năm kế hoạch gây khó khăn trong cân đối và chủ động vốn thanh toán theo kế hoạch.
Bên cạnh những thiếu sót nói trên, quy định của Luật Đầu tư công còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn với quy định của các luật chuyên ngành khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu về vấn đề thành lập ban quản lý dự án xây dựng, về tiêu chí phân chia dự án đầu tư, về thời điểm giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư, về loại dự án phải tiến hành đấu thầu.
* Nhiều khả năng Luật Đầu tư công sẽ được sửa đổi. Theo ông, cần sửa ngay những quy định nào?
- Theo tôi cần điều chỉnh các điểm bất hợp lý về thẩm quyền quyết định đối với một số chương trình, dự án để cởi bỏ các thủ tục gây cản trở không cần thiết. Trong đó, có 5 điểm cần được xử lý rốt ráo.
Một là điều chỉnh hoặc chi tiết hơn về phân loại dự án để đảm bảo việc phân cấp phê duyệt chủ chương, chuyển các dự án đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt nhưng có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản sang nhóm B hoặc nhóm C để phân cấp thẩm quyền quyết định.
Hai là bãi bỏ thủ tục lấy ý kiến thẩm định đối với việc mua tài sản, ứng dụng công nghệ thông tin có cấu phần xây dựng dưới 5%. Ba là, quy định dự án PPP có tổng mức đầu tư thuộc phân loại dự án nhóm A nhưng phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia chiếm tỷ lệ dưới 10% sẽ không phải thực hiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư bởi Thủ tướng.
Bốn là giao thẩm quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành chuyên môn quyết định việc điều chỉnh vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án giải ngân tốt.
Năm là xem xét bỏ thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng và thay vào đó là tăng cường giám sát trong quá trình thực hiện.
* Và phải bổ sung những vấn đề nào nữa, thưa ông?
- Tôi nghĩ là phải bổ sung các quy định còn thiếu về vấn đề tăng, giảm quy mô, tổng mức đầu tư dự án. Hiện nay việc quy định điều kiện được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn "phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư" là thiếu tính khả thi.
Luật chỉ nên quy định điều kiện chương trình, dự án được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn là nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành của địa phương.
Luật Đầu tư công quy định vốn đầu tư công được phép giải ngân trong 2 năm sẽ khiến các chủ đầu tư có tâm lý ỷ lại, không thanh toán ngay trong năm. Hơn nữa, Luật Ngân sách nhà nước (năm 2015) quy định năm ngân sách là một năm. Do vậy, để tránh sự thiếu nhất quán giữa các luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tài chính thanh toán và quyết toán theo niên độ ngân sách hằng năm, đề nghị xem xét quy định vốn đầu tư công chỉ thanh toán trong khoảng thời gian nhiều nhất là một năm.
Theo: Doanhnhansaigon.vn