BT là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác. Hình thức này được nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển thực hiện, nên không có lý do gì Việt Nam lại không tiếp tục thực hiện.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) |
Ở Việt Nam, hình thức BT đã được triển khai từ khá lâu và thực tế cho thấy, hàng loạt dự án, công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thu hút đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hình thức PPP nói chung, BT nói riêng đã được quy định trong các luật về đầu tư, xây dựng như Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…
Luật Đầu tư công (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 6 tiếp tục quy định hình thức đầu tư PPP nhằm sử dụng tài sản công (đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản công khác) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT là phù hợp thực tiễn, vì đây là hình thức khai thác hiệu quả nguồn lực tài sản công, xử lý tài sản công.
Nhưng không thể phủ nhận tài sản nhà nước, đặc biệt là đất đai đã bị thất thoát qua hình thức đầu tư này?
Tài sản nhà nước bị thất thoát, nếu có, là ở khâu tổ chức thực hiện không tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nên phải xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo quy định, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải theo pháp luật về đầu tư; thanh toán theo nguyên tắc ngang giá. Giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán; giá trị dự án BT được xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan; việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu…
Tài sản nhà nước thất thoát ở quy định rằng, giá trị quyền sử dụng đất thanh toán cho dự án BT theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Nhà nước ký hợp đồng BT và giao đất cho nhà đầu tư, nhưng mấy năm sau nhà đầu tư mới bàn giao công trình, khi đó giá đất đã tăng rất nhiều?
Theo quy định, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu vào dự án không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng; đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10% của phần vốn này. Phần vốn còn thiếu, nhà đầu tư phải huy động từ các nguồn vốn khác và Nhà nước chịu trách nhiệm trả lãi suất cho nhà đầu tư theo hợp đồng vay vốn nhưng cũng bị khống chế mức lãi suất vay vốn.
Quyết định 23/2015/QĐ-TTg về cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định, khoản lãi tiền vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT sẽ chấm dứt kể từ ngày UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất để thanh toán hợp đồng BT.
Như vậy, trong trường hợp Nhà nước thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư, nhưng chưa nhận bàn giao công trình, dự án, thì cũng không bị thiệt hại, do không phải trả lãi phần vốn mà nhà đầu tư vay trong phương án thực hiện dự án BT. Nếu quá thời hạn mà nhà đầu tư chưa bàn giao dự án, công trình, thì sẽ bị phạt theo hợp đồng đã được ký kết.
Có thể khẳng định, các quy định về thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT bằng đất đai và tài sản trên đất được quy định rất chặt chẽ. Để giảm thiểu thất thoát tài sản nhà nước, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT thay thế Quyết định 23/2015/QĐ-TTg đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018. Trong thời gian chưa có Nghị định, Bộ Tài chính sẽ sớm trình Chính phủ thông qua nghị quyết để xử lý vấn đề này với mục tiêu là không làm ảnh hưởng đến các dự án BT đang triển khai, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Thay vì đầu tư theo hình thức BT, sao không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, lấy tiền và tổ chức đấu thầu dự án, công trình muốn đầu tư. Thực hiện theo hình thức này rõ ràng công khai, minh bạch và tránh được thất thoát tài sản nhà nước?
BT thực ra là hình thức Nhà nước muốn có công trình, dự án, nhưng không có tiền nên phải mua chịu. Khi đi mua chịu thì phải chấp nhận thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng và còn phải đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nữa thì nhà đầu tư mới tham gia.
Nếu Nhà nước có tiền từ việc đấu giá quyền sử dụng đất và sử dụng số tiền này để đầu tư công trình, dự án thì đúng là không cần BT. Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào cũng thực hiện được đấu giá quyền sử dụng đất và nhà đầu tư trúng đấu giá thực hiện đầu tư, xây dựng theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vì thế mới cần BT.
Nếu Nhà nước có đủ tiền để thực hiện tất cả các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ quốc kế dân sinh thì đúng là không cần phải có hình thức PPP nói chung, BT, BOT, BT… nói riêng nữa. Nhưng điều này không bao giờ xảy ra, nước nào cũng vậy chứ không riêng gì Việt Nam, vì nguồn lực Nhà nước có hạn, không bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vô cùng lớn.
Theo: BAODAUTU