Hoạt động đầu tư xây dựng hiện nay đang đóng góp 11% cho sự tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, quá trình đầu tư của doanh nghiệp vào trong lĩnh vực xây dựng vẫn được đánh giá là còn tồn tại nhiều khó khăn.
Trước đó, tại một hội thảo do VCCI tổ chức về vấn đề đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng thì thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng còn quá phức tạp, rườm rà... như làm khó nhà đầu tư.
“Sự chồng chéo của pháp luật có thể nói là rào cản lớn nhất trong cải tiến thủ tục của công tác đầu tư xây dựng. Tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, nhiều người nói với tôi rằng họ như lạc vào mê hồn trận khi có khoảng một chục luật đang chi phối hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng thiếu nhất quán, chồng chéo nhau”, ông Hiệp nói.
Với thực tế kinh doanh, ông Hiệp dẫn ví dụ để thẩm định 1 dự án đầu tư xây dựng chắc chắn phải làm việc với Bộ Xây dựng, nhưng nếu có đất đai thì lại phải làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, với Bộ Công an về phòng cháy chữa cháy, chưa kể độ cao tĩnh không thì phải thông qua Bộ Quốc phòng.
“Như vậy, chủ đầu tư phải làm việc với 4 nơi một cách độc lập, việc này tương tự như việc phải xin đến tận 4 chiếc giấy phép con vậy”, ông Hiệp than thở.
Không dừng lại ở đó, khi nói về khó khăn của các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhiều chuyên gia khẳng định, doanh nghiệp ngại “đầu tư” vào lĩnh vực xây dựng một phần là bởi tư duy “xin-cho”.
Liên quan đến những hoạt động đầu tư xây dựng, riêng Bộ Xây dựng là cơ quan soạn thảo và chỉ đạo, theo dõi thực hiện 4 luật: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và chỉ đạo Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công; Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường; Bộ Công an về Phòng cháy chữa cháy…
Đáng chú ý, theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính lớn nhất là nhóm thủ tục hành chính về xây dựng. Cụ thể, doanh nghiệp phải chi trả mức chi phí 64,1 triệu đồng để hoàn thiện một hoặc một nhóm thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.
Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng đã chỉ ra trong tổng số 64,1 triệu đồng mà doanh nghiệp phải chi trả để hoàn thành một thủ tục hành chính về xây dựng thì chi phí trực tiếp (chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện thủ tục hành chính để nhận được kết quả thủ tục hành chính) chiếm tới 93% (gần 60 triệu đồng), Chi phí thời gian chỉ chiếm 7% (chỉ hơn 4 triệu đồng).
Như đã nói, xây dựng là lĩnh vực còn nhiều dư địa, Việt Nam phải tận dụng thật tốt nó để làm nền tảng cho tăng trưởng.
Đường lớn đã rộng
Theo Bộ Xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tế và phản ánh của một số tổ chức, cá nhân có liên quan thì một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập; chưa cụ thể, chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau; một số quy định còn phức tạp, cần phải được đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tế và hội nhập kinh tế - quốc tế.
Nghị định số 100/2018/NĐ-CP được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và khắc phục một số tồn tại, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Bộ Xây dựng cho biết, điểm nhấn nổi bật của Nghị định này là bãi bỏ, đơn giản hóa nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật số 03/2016/QH14; bãi bỏ 2 ngành, nghề chồng chéo với pháp luật liên quan; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa phần lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh của 12 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản.
Theo đó, đã bãi bỏ 89 điều kiện, chiếm 41,3%; đơn giản hóa 94 điều kiện, chiếm 43,7%; giữ nguyên 32 điều kiện (15%) trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35 % so với yêu cầu tối thiểu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Hiện tại, Bộ Xây dựng đang tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ 4 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang được quy định trong các văn bản Luật. Trên cơ sở tham khảo những tiêu chuẩn và thông lệ tốt của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) theo hướng thay thế các điều kiện có tính chất tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý dựa trên rủi ro nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đề xuất, bãi bỏ một số điều kiện đầu tư kinh doanh đang được quy định trong các luật chuyên ngành.
Những thay đổi về mặt chính sách như đã nói ở trên được kỳ vọng sẽ “khơi thông” dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, đồng thời, giúp Việt Nam tận dụng tốt những dư địa của ngành này.
Theo: Huyền Trang- Báo Diễn đàn doanh nghiệp