Khắc phục nguy cơ "vênh" giữa luật đấu thầu và thông lệ quốc tế

Luật Đấu thầu Việt Nam (mới sửa đổi 2013) đã có những bước tiến phù hợp với thông lệ quốc tế về đấu thầu. Tuy nhiên, cần phải xác định những điểm khác biệt để điều chỉnh cho phù hợp, đặc biệt là khắc phục nguy cơ “vênh” giữa pháp luật đấu thầu Việt Nam so với các cam kết mua sắm công theo Hiệp định EVFTA.

 Đây là nội dung được tập trung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Rà soát Pháp luật Đấu thầu Việt Nam với các cam kết về mua sắm công trong EVFTA” do Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Đã tiệm cận với thông lệ quốc tế

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, rà soát cho thấy khá nhiều các nghĩa vụ cam kết về mua sắm công của Hiệp định đã được quy định trong pháp luật Việt Nam, chủ yếu là các nghĩa vụ mang tính nền tảng đã trở thành thông lệ quốc tế chung trong đấu thầu (như các khái niệm, các nguyên tắc cơ bản liên quan đến hồ sơ mời thầu…) hoặc các nghĩa vụ chung về minh bạch, cạnh tranh trong trình tự, thủ tục đấu thầu (như các vấn đề liên quan tới thông báo mời thầu, thông tin sau khi trao hợp đồng…). Đây được gọi là nhóm “đã tuân thủ”.
    ra-soat-luat-dau-thau                                                               Toàn cảnh hội thảo

Rà soát cũng đã chỉ ra nhiều các cam kết trong hiệp định này có quy định khác biệt so với pháp luật Việt Nam và vì vậy cần được đưa vào hệ thống pháp luật Việt Nam theo cách thức thích hợp. Các quy định này được gọi là nhóm “chưa tuân thủ” và được xếp thành 3 nhóm: nhóm các nghĩa vụ đặc thù của EVFTA (ví dụ về phạm vi điều chỉnh, về các trường hợp ngoại lệ), nhóm các nghĩa vụ liên quan tới minh bạch và cạnh tranh; nhóm các nghĩa vụ liên quan tới hệ thống về đấu thầu (ví dụ các điều kiện đối với từng hình thức đấu thầu, tiêu chuẩn kỹ thuật trong đấu thầu, khiếu nại khiếu kiện trong đấu thầu…).

Bà Trang nhận định, pháp luật đấu thầu Việt Nam (mới sửa đổi 2013) đã có các quy định phù hợp về nội dung này cho thấy pháp luật nội địa Việt Nam đã có những bước tiến theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế về đấu thầu, trong đó nhấn mạnh các nguyên tắc về minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả. Đối với các nghĩa vụ này, khi thực hiện EVFTA, về nguyên tắc Việt Nam sẽ không phải điều chỉnh, sửa đổi hay bổ sung bất kỳ nội dung nào của các văn bản pháp luật hiện hành. Dù vậy, nếu muốn hiệu quả, vẫn cần phải có các quy định chi tiết hơn. Do đó, nghiên cứu khuyến nghị các cơ quan có thẩm quyền tập trung vào để thực thi hiệu quả và thực chất các nghĩa vụ mà pháp luật Việt Nam “đã tuân thủ”.

Cần sửa đổi một số điểm “vênh”

Theo bà Trang, để đảm bảo tuân thủ các nhóm cam kết này cần xây dựng một văn bản riêng (ví dụ cấp Nghị định), để nội luật hóa các cam kết đặc thù của EVFTA cũng như các cam kết liên quan tới hệ thống đấu thầu hoặc minh bạch, cạnh tranh mà việc đưa vào hệ thống pháp luật chung sẽ mang lại lợi ích lan tỏa không chỉ cho các trường hợp thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định mà toàn bộ hệ thống đấu thầu, toàn bộ các doanh nghiệp tham gia thầu nói chung.

Ông Ninh Viết Định – Trưởng ban Quản lý Đấu thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, để sửa đổi một số điểm “vênh” về khái niệm với các cam kết theo hiệp định, cần bỏ hẳn khái niệm “chỉ định thầu” như trong Luật Đấu thầu, bởi nó không giống với bất kỳ hình thức nào theo thông lệ quốc tế. Thay vào đó, quy định một quy trình mở để đấu thầu hạn chế mời một hoặc một số nhà thầu đề xuất và thương thảo để có hình thức lựa chọn phù hợp.

Để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, theo ông Định, Luật và điều kiện tại Việt Nam hiện chưa thực sự tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch. Vì thế, cần có những quy định về kiểm soát nhà thầu nước ngoài, quy định phải liên danh giữa nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, quy định tính độc lập giữa nhà thầu và các đối tượng khác tham gia trong quy trình đấu thầu nhằm tránh các xung đột.

Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Minh Hải – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Nhà nước nhận định, theo 8 hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định theo luật, chỉ có 1 hình thức là đấu thầu cạnh tranh – đấu thầu rộng rãi.

Ngoài ra, toàn bộ đều là hình thức lựa chọn nhà thầu có điều kiện. Vậy phải cần từng quy định cụ thể với mỗi hình thức lựa chọn nhà thầu để đảm bảo dễ dàng thực thi và thống nhất trong quá trình thực hiện. Như ở Việt Nam, phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là dường như quá “cứng nhắc”…

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) là một trong hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất của Việt Nam, được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn tới thể chế pháp luật và kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Một trong những lĩnh vực của EVFTA được cho là sẽ có tác động trực tiếp và lớn tới hệ thống pháp luật Việt Nam là các cam kết trong Đấu thầu – Mua sắm công.

 

Cho đến nay, Việt Nam chưa từng đưa ra cam kết quốc tế (có hiệu lực) nào về mua sắm công, vì vậy pháp luật nội địa Việt Nam về đấu thầu chưa từng chịu bất kỳ ràng buộc hay giới hạn nào về vấn đề này. Do đó, rà soát pháp luật đấu thầu Việt Nam với những cam kết mới trong EVFTA về mua sắm công để xác định các nội dung khác biệt và từ đó có sửa đổi, điều chỉnh pháp luật Việt Nam cho phù hợp là điều cần thiết.
                                                                                                                                 Theo:Entermews.vn


Các tin khác