Có thể nói, đây là một hội thảo có quy mô lớn nhất về chuyên ngành xây dựng và quản lý chất lượng, với sự tham gia của 63 tỉnh thành, các TCty, các Cty tư vấn, giám sát…
Do coi thường các quy chuẩn xây dựng, đã khiến một ngôi nhà ở tỉnh Bình Dương bị sập, làm 3 người chết, 9 người bị thương. Ảnh: N.Sơn |
40 tỉ USD và 250 - 300 người chết mỗi năm
Tiến sĩ Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - cho biết, mỗi năm tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng công trình khoảng 40 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách chiếm khoảng 25 - 30%. Tăng trưởng đầu tư xây dựng của Việt Nam từ 10 - 15%/năm. Mức tăng trưởng trong ngành xây dựng thường cao hơn tăng trưởng GDP của quốc gia. Chỉ tính riêng trong năm 2010, cả nước có trên 50.000 công trình xây dựng. Theo đánh giá của tiến sĩ Lê Quang Hùng, nhìn chung chất lượng công trình là đảm bảo. Sự cố trên các công trường xây dựng ở Việt Nam chiếm từ 0,3 - 0,4% số lượng công trình. Thiệt hại về người do tai nạn trên công trường xây dựng hằng năm là từ 250 đến 300 người. Quy mô của ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đang ngày càng lớn. Việt Nam đã có nhà cao 60 - 70 tầng; nhà máy thủy điện 240MW, đập cao 130m hoặc xây dựng cầu có nhịp lớn 200 - 400m...
Tuy nhiên, trong tham luận của Sở Xây dựng TPHCM đã chỉ ra một loạt các vấn đề bê bối, dẫn đến những sự cố tại các công trình xây dựng mà nguyên nhân chủ yếu là do những người có trách nhiệm không tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn. Ngoài ra, sự lạc hậu của các văn bản pháp quy cũng cần được nghiên cứu. Theo các chuyên gia, Nghị định 209 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng được ban hành, áp dụng từ năm 2004, đến nay NĐ 209 đã biểu lộ nhiều bất cập, lạc hậu vì vậy cần sửa đổi, cập nhật để phù hợp với thực tế.
Chống thầu giá rẻ
Một trong những vấn đề được cho là nghiêm trọng nhất của ngành xây dựng, công tác quản lý dự án và chất lượng xây dựng đó là bẫy thầu giá rẻ. Thoạt nhìn hoặc chỉ nhìn ở góc độ bài toán kinh tế, việc chọn nhà thầu giá rẻ là lựa chọn đầu tiên của các chủ đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, những vấn đề phát sinh sau đó biến câu chuyện giá rẻ thành giá đắt. Cái kết của thầu giá rẻ thường là công trình bị kéo dài dây dưa, nhà thầu thiếu năng lực tài chính cũng như chuyên môn. Hậu quả là dự án, đội vốn lên vài lần. Ở một số dự án, chủ đầu tư buộc phải cho đấu thầu lại từ đầu để chọn những nhà thầu mới... Bẫy thầu giá rẻ là câu chuyện đang được quan tâm nhất hiện nay, sau vài năm các nhà quản lý ở Việt Nam đã thấm thía câu chuyện dự án bị đội vốn, mất thời gian nhưng dự án không phát huy được tác dụng. Điều này có thể thấy rõ qua hàng loạt các dự án trọng điểm như dự án vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; thủy điện Daktih...
Những kinh nghiệm về chống thầu giá rẻ từ kinh nghiệm của Nhật Bản có lẽ là một bài học quý cho những người làm công tác quản lý của Việt Nam. Ông Masamitsu Waga - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các vấn đề xây dựng, Văn phòng Bộ trưởng MLIT, Nhật Bản - mang tới hội thảo những kinh nghiệm quý giá trong việc chống thầu giá rẻ và phương thức trúng thầu đánh giá tổng hợp đang áp dụng ở Nhật Bản hiện nay. Về phương thức trúng thầu đánh giá tổng hợp được định nghĩa là “Hợp đồng với Cty có thể thi công công trình trong phạm vi thỏa mãn các yếu tố kỹ thuật mà chủ đầu tư đưa ra bằng giá thấp nhất”. Phương châm để chọn nhà thầu bằng phương pháp tổng hợp không chỉ tập trung vào chất lượng của công trình là vật kết cấu được xây dựng nên, mà còn bao gồm phương pháp thi công hoặc chính sách an toàn hoặc chính sách môi trường. Các tiêu chí được đặt ra gồm có như tiết kiệm tài nguyên, định phí cho chu kỳ sản phẩm, tính năng, bảo vệ môi trường, tính an toàn và tính bền vững. Về chống thầu giá rẻ, các nhà quản lý Nhật Bản có hẳn loạt các tiêu chí để đánh giá, nhận diện. Mặt khác, công tác điều tra giá đấu thầu rẻ trong các công trình luôn được chú trọng.
Theo laodong.com.vn