Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương : Không để “phòng thủ” mãi
 
 Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 9 quốc gia: Australia, Niu Di-Lân, Brunei, Singapore, VN, Mailysia, Peru, Chile và Hoa Kỳ sẽ cơ bản hoàn thành đàm phán vào cuối 2012. VN cũng đang đẩy mạnh tiến trình tham vấn DN để có những kết quả đàm phán có lợi.
 
 
 
Nếu tham gia TPP, VN sẽ không được chỉ định thầu các dự án mua sắm công. 
(ảnh: Hệ thống hàng rào ngăn cách giữa đường sắt và đường bộ - một hạng mục của tiểu dự án 1 thuộc dự án lập lại trật tự hành lang an toàn trên các tuyến đường sắt giai đoạn 2 do TCty Đường sắt làm chủ đầu tư. Theo thanh tra Chính phủ, tiểu dự án trên được chỉ định thầu sai quy định - ảnh chụp đường Ngọc Hồi, Hà Nội)

TPP là một hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, so với các hiệp định BTA, FTA, và trong WTO, TPP mở rộng hơn rất nhiều. Không chỉ là các vấn đề thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ, TPP còn bao gồm cả các vấn đề phi thương mại như mua sắm chính phủ, môi trường, lao động, công đoàn... Về mức độ, Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ đưa ra những cam kết tự do hóa mạnh mẽ và những cải cách sâu sắc đối với các quốc gia tham gia.

Kỳ vọng mở rộng thị trường

Các nước tham gia TPP kỳ vọng sẽ cùng nhau tạo ra một mô hình mới về hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy thương mại và đầu tư. Các chuyên gia đánh giá, TPP sẽ trở thành một khuôn khổ thương mại toàn diện, có chất lượng cao và là khuôn mẫu cho các Hiệp định thế kỷ 21.

Cho tới nay, VN đã tham gia 8 hiệp định thương mại tự do, cả khu vực và song phương, nhưng đây là lần đâu tiên chúng ta tham gia một hiệp định thương mại mang tính toàn diện. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, mục tiêu VN tham gia TPP là để mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và đặc biệt phụ trợ cho tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng năng động và hiệu quả hơn.

TPP đã trải qua 12 vòng đàm phán chính thức. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý cách thức đàm phán trong TPP cũng rất khác so với đàm phán WTO. Theo ông Ngô Chung Khanh – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), đàm phán TPP không mang tính chất “phòng thủ” thuần túy như đàm phán WTO. Có nghĩa là các nước thành viên cùng đưa ra các điều kiện của mình, trên quan điểm chấp nhận lẫn nhau. Tuy nhiên, điểm khó khăn hơn so với các hiệp định thương mại khác (như WTO), TPP có một quy tắc chung không gia hạn cho bất kỳ ai. Các quốc gia tham gia TPP phải thực hiện ngay những cam kết đã được đàm phán. Nếu không tuân thủ sẽ bị một cơ quan độc lập xét xử.

Theo quy định chung của TPP, khi hiệp định có hiệu lực về cơ bản tất cả các loại hàng hóa XNK sẽ có thuế suất 0% (chỉ trừ một số mặt hàng đặc biệt mang tính an ninh quốc gia). Các quốc gia sẽ phải tuân thủ triệt để không trì hoãn. Nhìn chung các điều kiện để tuân thủ ở mức trung bình, mọi quốc gia đều có thể thực hiện được. Nếu là các điều kiện quá cao đối với các quốc gia đang phát triển thì các quốc gia khác sẽ hỗ trợ để thực hiện được.

Thách thức mua sắm công

Đấu thầu mua sắm chính phủ là một thác thức không nhỏ đối với VN. Khác với một số quốc gia, mua sắm Chính phủ chỉ để phục vụ nhu cầu hoạt động của bộ máy hành chính thuộc Chính phủ. Tại VN, mua sắm chính phủ còn bao gồm cả mua sắm phục vụ đầu tư, mua sắm cho các dự án thuộc ngân sách nhà nước. Nếu TPP có hiệu lực, việc mua sắm Chính phủ sẽ phải rất công khai và minh bạch, không có chuyện chỉ định thầu. Với một mức giá trị nhất định chung cho toàn khu vực TPP, gói mua sắm đó bắt buộc sẽ phải đưa ra đấu thầu công khai. Mọi DN ở 9 quốc gia trên đều được tham gia đấu thầu.

Theo ông Nguyễn Đăng Trương – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Trưởng nhóm đàm phán mua sắm Chính phủ, việc công khai minh bạch các gói thầu và đấu thầu rộng rãi sẽ tạo điều kiện cho chất lượng hàng hóa mua sắm được nâng cao. Các DN VN ở mọi thành phần đều có cơ hội để tiếp cận các gói thầu lớn, gói thầu quốc tế.

Mặc dù, các yêu cầu cao của cạnh tranh quốc tế sẽ giúp năng lực đấu thầu của DN VN nâng cao. Tuy nhiên hiện tại, đây cũng chính là thách thức đối với các DN nội. Trước tiên là trình độ về hoàn tất hồ sơ, thủ tục đấu thầu của DN VN đang rất hạn chế. Đây là nguy cơ khiến các DN VN bị loại ngay từ vòng “gửi xe”. Tiếp đến là các yêu cầu về kỹ thuật và công nghệ, đây là vấn đề mà các DN VN còn khá nhỏ bé so với những DN ngoại.

Nhưng để cân nhắc giữa lợi và hại thì nhìn chung, các chuyên gia đều đánh giá lợi nhiều hơn hại. Khi hội nhập các quốc gia có nền kinh tế chậm phát triển hơn, công nghệ lạc hậu hơn sẽ được lợi nhiều hơn các quốc gia có trình độ tiên tiến. VN sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với những công nghệ, phương thức quản lý hiệu quả và ưu việt hơn.

Cải thiện quan hệ lao động

Đảm bảo các điều kiện và tiêu chuẩn về lao động là một trong những nội dung đàm phán quan trọng của TPP. Vấn đề lao động là một trong những tiêu chuẩn đã được đưa vào ngay từ đầu của chương trình nghị sự của TPP. Mặc dù, với trình độ phát triển còn thấp như VN việc phải áp dụng các tiêu chuẩn lao động sẽ rất khó khăn. Nhưng nếu tham gia TPP, các tiêu chuẩn về lao động sẽ buộc các quốc gia phải tuân thủ. Ông Nguyễn Kim Phương – Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, nếu tham gia TPP, ngoài việc phải áp dụng các tiêu chuẩn về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các quốc gia thuộc TPP sẽ phải áp dụng nhiều tiêu chuẩn cao hơn nữa. Trong đó, đáng lưu ý là “đảm bảo các điều kiện lao động chấp nhận được”, bao gồm tiền công tối thiểu, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động…

Mặc dù, về cơ bản các nội dung trong cam kết TPP như: đảm bảo quyền tự do lập hội, đảm bảo quyền thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử nam, nữ… đều được quy định trong pháp luật về lao động của VN. Tuy nhiên, việc tuân thủ tuyệt đối các tiêu chuẩn lao động của TPP cũng là một thách thức không nhỏ. Với năng suất và hiệu quả lao động còn thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực, các DN VN thật khó mà thực hiện triệt để ngay tất cả những tiêu chuẩn lao động của TPP.

Một nguyên tắc quan trọng trong đàm phán TPP là các quốc gia cùng bình đẳng đưa ra những điều kiện và tiêu chuẩn được cho là phù hợp. Hiện tại, các quốc gia trong Hiệp định TPP vẫn còn khá xa nhau về quan điểm trong một số vấn đề. Điều này là hạn chế cho một tiến trình đàm phán chung, nhưng cũng là điều kiện để các quốc gia củng cố luận điểm của mình. Tiến trình tham vấn DN trong đàm phán TPP đang được đẩy mạnh. Hơn lúc nào hết, đây là cơ hội cho các DN VN tập trung nghiên cứu kỹ TPP và có những đóng góp thích hợp.

Ông Phan Chí Thành - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Văn phòng Chính phủ): 
Đã có hành lang chính sách – đến lượt DN

Chính phủ thể hiện quan điểm rất rõ ràng về vấn đề tham vấn. Chính phủ mong muốn sự có mặt của cộng đồng DN trong tất cả các hiệp định thương mại quốc tế thông qua công tác tham vấn. Cách thức tổ chức tham vấn đã được đổi mới so với trước đây. Mở rộng tất cả các DN, các kênh thông tin, cách thức tiếp cận để các DN có thể tham vấn, khi Chính phủ ký kết các hiệp định thương mại quốc tế. Công việc bây giờ là của từng DN, các cơ quan đại diện như hiệp hội DN, VCCI và các cơ quan đàm phán. Hành lang chính sách đã được ban hành, các đơn vị cần tổ chức thực hiện, tổ chức giám sát để hiệu quả tham vấn được tốt nhất. Chỉ yêu cầu thôi chưa đủ, mọi cơ quan, tổ chức, DN, hiệp hội đều cùng phải xắn tay vào cùng với Chính phủ mới có được một kết quả đàm phán như mong muốn. Tất cả đều phải nhận thấy trách nhiệm của mình cho chính mình, cho nền kinh tế và cho cả tương lai.

LS Trần Hữu Huỳnh – Phó tổng thư ký, kiêm trưởng Ban Pháp chế VCCI: 
DN phải nhìn ra toàn cầu - hành xử tại địa phương

Từ trước tới nay, khi đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế chúng ta vẫn chưa có các quy định bắt buộc phải tham vấn DN. DN vốn đã coi việc đàm phán như một công việc của Chính phủ. Mặc dù, DN thường là “nhân vật chính” đối tượng liên quan nhiều nhất tới các hiệp định thương mại.

Việc Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 06 quy định bắt buộc “về việc tham vấn cộng đồng DN về các thỏa thuận thương mại quốc tế” là một bước tiến quan trọng. Quyết định 06 đã quy định rõ việc tham vấn thông qua các hiệp hội DN. Điều này sẽ đáp ứng được yêu cầu về những đóng góp tham vấn mang tính chuyên nghiệp.

Dưới mái nhà chung của cộng đồng DN, VCCI sẽ có vai trò chung gian tổ chức, hỗ trợ công tác tham vấn của cộng động một cách hiệu quả. Những ý kiến đóng góp từ phía cộng đồng DN sẽ hướng đến lợi ích chung của cả nền kinh tế. Mục tiêu của VCCI là làm sao những tham vấn có kết quả tốt nhất, hạn chế tối đa lợi ích nhóm (nhóm ngành nghề, nhóm lĩnh vực…), bảo về những nhóm yếu thế, vì lợi ích quốc gia.

Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế Cần thay đổi cách tiếp cận

Tính đến nay, việc tham vấn chính sách còn nhiều hạn chế. Hạn chế đến từ cả hai phía, cơ quan tiến hành tham vấn và DN. Việc tham vấn trở thành hình thức, cho đủ thủ tục. Vì vậy, cần cải thiện hệ thống thông tin, cách thức cung ứng thông tin. Các cơ quan tiến hành tham vấn là những người đã có cả một quá trình có thể hàng năm trời đề nghiên cứu vấn đề, có hàng trồng tài liệu, có kinh phí để nghiên cứu... Trong khi đó, DN thường tiếp cận thông tin về các vấn đề tham vấn với thời gian rất hạn chế, lại không có ai giải thích một cách cụ thể, thì khó mà hiểu sâu và có những ý kiến xác đáng. Tham vấn cũng phải đảm bảo công khai, minh bạch. Đối tượng mời tham vấn phải được cung cấp thông tin và trả lời một cách sòng phẳng, không cưỡng ép.

Còn đối với DN, họ cần phải nhận thấy trách nhiệm trong công tác tham vấn. Không nên chỉ vì quyền lợi của mình, chỉ vấn đề gì động chạm thật sự đến mình thì mới quan tâm. Điều này cần xây dựng thành một văn hóa tham vấn chính sách.

                                                                                                      Theo: DDDN.
 

Các tin khác