TS Lê Đăng Doanh: Sai phạm ở tập đoàn gắn với lợi ích nhóm

Sau Vinashin, Vinalines có còn “ông lớn” nào nữa? Liệu đề án tái cấu trúc nền kinh tế trình QH kỳ này có giải quyết được những bất ổn trong hoạt động của các tập đoàn nhà nước?
 
TS Lê Đăng Doanh
 
- Trước thông tin một số lãnh đạo Vinalines bị bắt, là một chuyên gia kinh tế thường xuyên nắm bắt thông tin của các tập đoàn kinh tế (TĐKT) và tổng công ty nhà nước (TCTNN), ông có bất ngờ không?
 
Việc nhiều lãnh đạo Vinalines bị bắt như vậy cho thấy lại một lần nữa một “đồng chí chưa bị lộ” đã bị lộ. Vấn đề ở đây là còn có bao nhiêu “đồng chí” nữa chưa bị lộ và cũng có thể sắp tới sẽ bị lộ. Điều đó phản ánh thực trạng của quản lý tại các TĐKT, TCTNN có rất nhiều khuyết điểm nghiêm trọng. Từ đó đặt ra câu hỏi cần sửa đổi luật pháp như thế nào và trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu chứ không thể nói một mình Vinalines làm.

- Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét đề án tái cấu trúc nền kinh tế do Chính phủ trình. Vậy theo ông, đề án này cần tập trung vào những vấn đề gì để tránh tình trạng như Vinashin và Vinalines?

Một trong những bộ phận quan trọng của đề án tái cấu trúc nền kinh tế là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong đó trọng tâm là TĐKT và TCTNN. Muốn tái cấu trúc DNNN trước hết cần sơ kết việc thí điểm TĐKT và TCTNN và phải tạo khung pháp lý để quản lý các TĐKT và TCTNN theo đúng pháp luật, không thể kéo dài thí điểm như hiện nay được. Thứ hai, cần thực hiện công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình của những người chủ sở hữu vốn nhà nước. Thứ ba là phải công khai minh bạch quá trình tuyển chọn các vị trí đứng đầu và quan trọng của các TĐKT, TCTNN.

 

Nhiều sai phạm nghiêm trọng được thanh tra phát hiện tại Vinalines. (Ảnh minh họa)

Gánh nặng chứ không phải thế mạnh

- Những vấn đề ông nêu ra không mới nhưng nói mãi vẫn chưa thực hiện được?

Muốn thực hiện được thì phải giải quyết cơ bản vấn đề chủ sở hữu, vai trò của bộ chủ quản. Như vấn đề của Vinashin, Vinalines đến bây giờ tôi chưa thấy làm rõ trách nhiệm của Bộ GTVT đến đâu? Tại sao lại để tình trạng mua lại tàu cũ với một mức giá phung phí như thế? Tại sao để các sai phạm kéo dài lâu như vậy? Cho nên tôi muốn nhấn mạnh việc tái cấu trúc DNNN, TĐKT, TCTNN đòi hỏi quyết tâm chính trị thật lớn. Vì các tập đoàn này có gắn với lợi ích nhóm. Phải khẳng định rõ rằng để các sai phạm kéo dài như vậy chắc chắn có một sự bao che ở đâu đó.

Các TĐKT với những khoản thua lỗ lớn như vậy hiện nay đang là một gánh nặng cho nền kinh tế, gây ra rất nhiều nợ nần cho Nhà nước chứ không phải là một thế mạnh của nền kinh tế. Những vấn đề đó cần được QH đề cập nghiêm túc và thảo luận tại kỳ họp này.

- Việc tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay chủ yếu thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng còn tái cấu trúc DNNN có vẻ hơi chậm chạp, thưa ông?

Cho đến bây giờ đề án tái cấu trúc DNNN mà các bộ đưa ra chỉ là sắp xếp lại các DN chứ không gắn với cải cách thể chế là luật pháp. Trong khi đó, việc tái cấu trúc ngân hàng đến nay cũng mới chỉ sắp xếp lại các ngân hàng nhỏ, còn các khoản nợ xấu rất lớn, ai giải quyết thì điều đó phải gắn liền với tái cấu trúc DNNN.

Cho nên giữa các đề án tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc DNNN có mối quan hệ liên kết chặt chẽ với nhau và phải được chỉ đạo thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ, ăn khớp với nhau. Nếu không làm đồng bộ thì đề án tái cấu trúc nền kinh tế chỉ làm trên giấy.

Làm rõ số nợ của DNNN

- Theo ông, vai trò của QH đối với việc thực hiện đề án này như thế nào?

Đề án tái cấu trúc nền kinh tế là một đề án hết sức quan trọng, tôi rất mong QH lần này cho ý kiến và lập một ban chỉ đạo thực hiện có hiệu lực và gắn với cải cách thể chế nhà nước. Cụ thể, QH cần phải sửa ngay Luật Ngân sách, Luật DN và ban hành một số luật mới như đầu tư công, mua sắm công… để giám sát chặt chẽ các TĐKT, TCTNN.

Đặc biệt là QH cần phải làm rõ số nợ của các DNNN hiện nay là bao nhiêu và sẽ giải quyết như thế nào? Nếu không làm rõ thì việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại sẽ diễn biến ra sao? Đấy là điều rất đáng lo ngại. Nếu cứ để như hiện nay, bùng một cái ông Vinashin nợ của ông Habubank 4.000 tỉ đồng. Habubank lúc bấy giờ mới té ngửa ra là từ lãi sang lỗ. Thế thì câu hỏi đặt ra là còn có bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy nhưng chưa bị lộ?

Nghĩa là QH phải đòi hỏi Chính phủ báo cáo về vấn đề này, ngoài báo cáo tổng thể nêu định hướng cần có một báo cáo có số liệu đầy đủ về tình hình nợ xấu của các ngân hàng thương mại, DNNN nợ ra sao, nợ của các TĐ, TCT phải trình cho QH biết. Còn báo cáo chung chung thì giống như thầy bói sờ voi không biết thực hư ra làm sao cả! Quyết một đề án to đùng mà không biết sửa cái gì, đụng chạm đến ai, ở đâu không biết thì rất khó!

- Còn với cương vị là một cử tri, ông có đề nghị gì đến các đại biểu QH đối với vấn đề hệ trọng này?

Tôi đề nghị các đại biểu QH cần thảo luận, chất vấn làm rõ các bước đi, các điều kiện cần thiết, đủ để thực hiện được tái cấu trúc DNNN. Vì dường như các TĐKT hiện nay đứng lên trên mà không ai quản lý được. Tôi đề nghị QH với quyền lực của mình phải làm rõ trách nhiệm quản lý các TĐKT, TCTNN cho đúng pháp luật.

- Xin cảm ơn ông.
Theo: DDDN

Các tin khác