Hàng loạt vụ bội tín trong hợp đồng bảo lãnh thanh toán
 

Ký hợp đồng mua bán vì tin tưởng ngân hàng đứng đằng sau bảo lãnh, nhưng giờ đây nhiều doanh nghiệp có nguy cơ mất trắng vì đối tác mất khả năng thanh toán, mà ngân hàng cũng tìm lý do chối bỏ nghĩa vụ của mình.


Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần quy mô lớn nhìn nhận, nghiệp vụ ký phát hành chứng thư bảo lãnh trái phiếu trước đây xảy ra khá ồ ạt vì đây là cách để các nhà băng lách "room" tín dụng. Trước đây mua trái phiếu doanh nghiệp không được tính vào dư nợ tín dụng của ngân hàng. Vì thế khi không còn hạn mức tăng trưởng tín dụng, ngân hàng gợi ý doanh nghiệp phát hành trái phiếu rồi họ đứng ra bảo lãnh. "Tuy nhiên, đó là chuyện của trước đây, khi Ngân hàng Nhà nước chưa tính phát hành giấy tờ có giá, trái phiếu doanh nghiệp vào tăng trưởng tín dụng", ông nói.

Tranh cãi giữa ngân hàng và một công ty tài chính về hợp đồng bảo lãnh phát hành trái phiếu mới đây là một ví dụ điển hình. Công ty tài chính này đồng ý mua 150 tỷ đồng trái phiếu của một đối tác với điều kiện ngân hàng sẽ đứng ra thanh toán cả gốc lẫn lãi nếu có chuyện bất trắc xảy ra. Tuy nhiên, khi trái phiếu đến hạn, doanh nghiệp phát hành không thanh toán, ngân hàng cũng từ chối thực hiện nghĩa vụ với lý do chứng thư bảo lãnh đã được ký trái quy định.

Sự việc tương tự cũng xảy ra với một nhà băng quốc doanh cách đây vài tháng. Nhiều công ty đã bán thiết bị, nguyên vật liệu cho cùng một đơn vị là công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Tân Hồng ở Từ Liêm, Hà Nội dưới sự bảo lãnh chi nhánh ngân hàng này. Hàng đã giao tận tay, đến thời hạn trả tiền, Công ty Tân Hồng không thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ của mình cho các công ty đã bán thiết bị. Lẽ ra, khi hết thời gian bảo lãnh, ngân hàng phải thay Tân Hồng Hà đứng ra thanh toán cho những đơn vị trên.

Nhiều nhà băng thoái thác trách nhiệm bão lãnh thanh toán vào phút chót. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều nhà băng thoái thác trách nhiệm bão lãnh thanh toán vào phút chót. Ảnh: Hoàng Hà.

Thế nhưng, phía nhà băng từ chối trả tiền bảo lãnh và cho biết phải đợi phán quyết của tòa án bởi chứng thư bảo lãnh đang được Cơ quan cảnh sát điều tra xác minh làm rõ. Hơn nữa, ngân hàng cho biết chứng thư bảo lãnh đó không hề lưu hồ sơ, và đã phát hành vượt thẩm quyền. Cuối cùng hai bên phải gặp nhau tại tòa để phân xử.

3 tháng trước, hàng chục khách hàng là đại diện cho một doanh nghiệp viễn thông đã vây kín trụ sở tại Hà Nội của một ngân hàng cổ phần để đòi nợ. Doanh nghiệp này cho biết, sau khi bán hàng cho một đối tác đã nhận được chứng thư bảo lãnh thanh toán (L/C) của ngân hàng trên. Tuy nhiên, quá thời hạn, công ty trên vẫn chưa nhận được tiền, còn ngân hàng thì từ chối trách nhiệm thanh toán khiến hoạt động của doanh nghiệp lao đao. "Không có tiền, hoạt động sản xuất của công ty đình đốn, lương công nhân thì phải thiếu nợ mấy tháng liền", lãnh đạo doanh nghiệp này nói.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng ký bảo lãnh thanh toán cũng như không. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng ký bảo lãnh thanh toán cũng như không. Ảnh: Hoàng Hà.

Điểm chung của các trường hợp từ chối thanh toán là ngân hàng thường lấy lý do chứng thư bảo lãnh ký sai quy trình, không đúng quy định.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, với mỗi nhà băng, uy tín vẫn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. "Nếu họ từ chối thanh toán với một chứng thư bảo lãnh hợp lệ thì họ đang vi phạm những nguyên tắc chung trong kinh doanh", ông cho biết.

Đồng tình với ông Hiếu, một vị chuyên gia khác trong lĩnh vực tài chính nhìn nhận, rất khó để các doanh nghiệp có thể biết được những quy định nội bộ của một ngân hàng. Do đó, không nên đánh đố họ bằng cách này để họ tự phải xác định đâu là một hợp đồng, một chứng thư hợp lệ, không giả mạo.

Tiến sĩ Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Hong Kong thừa nhận hình thức ký phát hành trái phiếu bảo lãnh của các ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro. "Vì lẽ đó, ở Mỹ các ngân hàng ít sử dụng cách này. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra tranh chấp, nếu một nhân viên vượt quá thẩm quyền để ký phát hành hay làm điều gì đó thì trước hết, ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm về mặt pháp nhân với doanh nghiệp kia rồi mới xử lý nội bộ và xử lý nhân viên đó. Việc nhân viên của anh sai thì người ngoài đâu biết được", ông Alan Phan phân tích.

Phân tích về khía cạnh pháp lý, Luật sư Trần Văn Đôn, Công ty TNHH Đông Phương Luật cho rằng, trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán, bên nhận bảo lãnh sẽ gửi thông báo tới ngân hàng yêu cầu nhà băng thanh toán. Cam kết bảo lãnh thông thường có nội dung ngân hàng chấp nhận bảo lãnh trong phạm vi số tiền bảo lãnh là bao nhiêu và thời hạn bảo lãnh được xác định rõ. Trong thời hạn và hạn mức bảo lãnh đó, bên nhận bảo lãnh được yêu cầu ngân hàng thanh toán tiền bảo lãnh.

Trường hợp do vi phạm nội bộ, trước hết để bảo vệ uy tín của mình, hiếm có nhà băng nào cho rằng vì nguyên nhân như vậy mà không thanh toán. Bởi khách hàng không thể biết rõ được tình hình nội bộ, quản trị rủi ro của ngân hàng như thế nào nên không thể bắt khách hàng chịu hậu quả.

Luật sư cho biết thêm, căn cứ vào các quy định của pháp luật, nếu các bên nhận bảo lãnh đã thực hiện đầy đủ thủ tục yêu cầu thanh toán mà nhà băng không thanh toán bảo lãnh thì nghiễm nhiên phía ngân hàng đã vi phạm cam kết. Vi phạm này sẽ phát sinh trách nhiệm dân sự về lãi chậm trả...

Một chuyên gia khuyến cáo, chứng thư bảo lãnh là một thể thức thanh toán tiến bộ. Tuy nhiên, để tránh rủi ro cho các bên, bản thân ngân hàng cần quản chặt cán bộ ngân hàng, tránh xảy ra lạm quyền trong khi thi hành công vụ do ký chứng thư bảo lãnh thanh toán. Ngoài ra, nên thẩm định chặt chẽ các điều kiện, áp đặt các phương pháp bảo đảm rủi ro.

Theo:Ebank


Các tin khác