Chiếc máy “biết đi”
Trần Giỏi ( bìa trái) bên chiếc máy trộn bê tông đang thi công đường Mỏ Cày- Năng An, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức ( Quảng Ngãi).
|
Cái máy trộn bê tông của Trần Giỏi ((xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) là sự kết hợp của chiếc máy cày Mitsubishi của Nhật và phần trên là thùng trộn bê tông giống như máy ly tâm chế biến đường thủ công từ mật rỉ của nông dân Quảng Ngãi trước đây. Thùng trộn bê tông có cần quay tròn theo chiều ngang chứ không như máy trộn thông thường theo chiều từ trên xuống. Máy có thể di chuyển trên nhiều địa hình của vùng nông thôn, miền núi. Công nhân vận hành máy chỉ việc đổ xi măng, đá và nước vào là máy tự trộn rồi lái xe đi đổ chứ không phải như máy bê tông thông thường trộn xong đổ xuống xe rùa. Nhờ những ưu điểm như thế nên mỗi mày máy trộn được 60m3, cao gấp bốn lần máy trộn bê tông thông thường.
Công ty TNHH Quỳnh Phong của giám đốc Trần Giỏi nằm ở cụm công nghiệp Quán Lát, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức. Trong khuôn viên rộng trên 5000m2, ngoài nhà ở khá khang trang còn có hai dãy nhà xưởng. Giỏi đang cùng các công nhân hàn tiện các chi tiết của máy bóc vỏ cà phê. Anh nói: “Công ty có 50 công nhân, trong thời điểm chưa ráp máy và chuyển đi tiêu thụ thì chỉ cần 10 công nhân có tay nghề cao làm việc nên năm 2008, tôi nghĩ cách cải tiến máy trộn bê tông để anh em có việc làm. Cái nghiệp chính của tôi là cải tiến máy bóc vỏ cà phê”.
Mỗi năm Quỳnh Phong cung cấp cho thị trường năm tỉnh Tây Nguyên 1.500 máy bóc vỏ cà phê qua 70 đại lý.
Mê cải tiến
Trần Giỏi kể: "Năm 1987, sau khi nghĩ học là ở nhà làm ruộng. Nhưng mùa lên thất bát nên nghĩ muốn sống được phải cố học lấy một nghề. Cha tôi đưa ra ở xưởng cơ khí của ông Hoàng Bảy ngoài thị trấn Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa) để học".
Bà Võ Thị Thúy Nga, phó trưởng phòng Quản lý công nghệ và sở hữu trí tuệ, sở Khoa học công nghệ tỉnh Quảng Ngãi:
Sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh Trần Giỏi là đáng ghi nhận. Chúng tôi đã giúp anh nông dân mê sáng tạo này lập hồ sơ dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 7 (giai đoạn 2010-2011) sẽ được tổ chức vào tháng 9.2011 |
Trong hai năm vừa học vừa làm, thỉnh thoảng anh lên Đắc Min (Đắc Nông) thăm bà con ở quê lên trồng cà phê. Anh tiếp cận với chiếc máy bóc vỏ cà phê của một số doanh nghiệp ở Buôn Ma Thuột và nghĩ mình có thể làm tốt hơn. Anh xin nghỉ việc. Biết ý định của Giỏi, ông Tâm khuyến khích: “Về ngào đó, biết đâu có đất dụng võ. Nhưng nhớ rằng, một sản phẩm tốt cho mấy rồi cũng có lúc lỗi thời.”.
Về quê, không tiền của nên Giỏi trần lưng làm nghề cửa sắt ở thị trấn sông Vệ để kiếm ăn và tích góp tiền của. Đến năm 1997, mặc dù xưởng cửa sắt đang thịnh nhưng Giỏi quyết định đóng cửa lên xã Đức Mạnh, huyện Đắc Min để thực hiện ý định của mình. Anh thuê đất làm xưởng cơ khí để ban ngày cũng làm cửa sắt, nhận đóng la phông trần nhưng tối về anh nghiền ngẫm và vẽ ra giấy những bộ phận của chiếc máy bóc vỏ cà phê rồi âm thầm làm chiếc máy. Chiếc máy xay cà phê đầu tiên của Giỏi ra đời năm 1999 trong niềm vui nhưng khi xay thử lại bị hóc nên anh phải bỏ nhiều công sức tháo ra lắp vào thử lại. Anh nhớ thùng của chiếc máy gạo mà anh đã nhiều lần đóng ở xưởng ông Hoàng Bảy nên cải tiến thùng như thế, còn giàn giê được làm bằng thép thay bằng sắt nên bền hơn.
Bài toán thương trường
Trần Giỏi kiểm tra máy xay cà phê chuẩn bị xuất lên thị trường Tây Nguyên.
|
Cải tiến chiếc máy bóc vỏ cà phê được rồi, nhưng khi mang đến những các cơ sở cung ứng máy cho nông dân, có người nhìn anh, nhìn máy và lắc đầu: "Máy tôi bán là từ các cơ sở sản xuất ở Buôn Ma Thuột, chất lượng hàng hiệu bà con mới mua, chứ máy của ông ai biết chất lượng thế nào mà nhận bán. Vả lại ở đây, bán cho bà con xay cà phê có khi đến cuối đợt mới hoàn trả tiền, chứ đâu có tiền sẳn mà nhận máy rồi giao tiền". Thất vọng, anh hiểu thêm một điều nữa là muốn sản phẩm đứng được ngoài chất lượng phải có vốn liếng làm hàng nằm mới tiêu thụ được trên đất này. Nhưng làm sao mà vay được vốn để mua sắt thép sản xuất máy đồng loạt vì không gì thế chấp để vay ngân hàng. Thế là lại một lần nữa anh tập trung vào nghề làm cửa sắt để kiếm tiền và nhờ những người bạn thân cho mượn vốn.
Đến năm 2004 Giỏi mới đủ sức sản xuất sản xuất máy cà phê hàng loạt và mang đến các cơ sở tiêu thụ với lời đề nghị: “Cứ bán chịu cho nông dân, cuối mùa tôi đến xin hoàn trả vốn”. Thế là những chiếc máy xay cà phê đến với thị trường. Những người trồng cà phê bất ngờ với cái máy của anh nông dân mê sáng tạo. Cũng từ đó, sản phẩm của anh đứng được trên thị trường. Cuối năm 2007 anh lại quyết định về quê cho tiện việc làm ăn, phụng dưỡng cha mẹ, chỉ lấy cơ sở ở Đắc Min làm nhà kho để lắp ráp máy trước khi đi tiêu thụ.
Trần Giỏi nói: “Thị trường đặt hàng cho sản phẩm. Nhưng như lời ông Tâm xưa kia nói: sản phẩm hiện đứng được trên thị trường rồi sẽ có lúc sẽ lỗi thời nên phải tiếp tục suy nghĩ và cải tiến để máy nông cụ của mình đạt chất lượng tốt hơn.
Theo SGTT