Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát: Vẫn chưa thực sự bền vững
 
 


Hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao. Ảnh: Quỳnh Anh
KTĐT - Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nỗi lo vừa suy giảm, vừa lạm phát. Đây sẽ là bài toán khó giải nếu nền kinh tế thực sự rơi vào hoàn cảnh này.

Đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế đến từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (Kamco) đóng góp với Bộ Tài chính trước những diễn biến của kinh tế Việt Nam.

Kìm cương lạm phát, kinh tế đình trệ

 Trong lần tính CPI này, các yếu tố giảm lại bắt đầu từ thực trạng các thông tin về chất tạo nạc trong thịt lợn, khiến cho giá mặt hàng này giảm rất mạnh, và lúa trúng mùa nên giá giảm. Trong khi nhóm lương thực thực phẩm chiếm đến gần 40% trong rổ tính CPI. Điều này chứng tỏ lạm phát giảm không phải nhờ vào khả năng điều hành vĩ mô. Lương và giá xăng, giá điện tăng vào tháng 5 sẽ là những yếu tố tác động mạnh đến lạm phát tháng tới. Các chuyên gia kinh tế lo ngại Việt Nam đang đứng trước bài toán vừa suy giảm, vừa lạm phát. Đây sẽ là bài toán khó giải nếu nền kinh tế thực sự rơi vào hoàn cảnh này.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thừa nhận, những khó khăn của nền kinh tế như tăng trưởng GDP quý I/2012 chỉ đạt 4%, thấp nhất kể từ năm 2004 (ngoại trừ quý 1/2009), tổng cầu trong nước giảm, chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng gần 35%, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) giải ngân đều giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao.

Tìm giải pháp phù hợp

Vậy phải giải quyết mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng ra sao? Ông Bindu Lohani, Phó Chủ tịch ADB và ông Young Chul Chang, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Kamco cho rằng, để vượt qua thách thức mới, tận dụng tốt cơ hội, tài chính Việt Nam cần có những nhận thức mới với quyết tâm và cách làm mới. Tăng cường công tác giám sát đánh giá hiệu quả đầu tư, kịp thời phát hiện những sai phạm và có biện pháp xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn tình trạng lãng phí, tham nhũng, loại bỏ những dự án đầu tư kém hiệu quả, dàn trải, kể cả các dự án đầu tư ra nước ngoài.

"Nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 của Việt Nam là chống đình đốn sản xuất thông qua các chính sách miễn hoặc giảm thuế thu nhập DN, đồng thời giảm lãi suất với lộ trình tích cực đảm bảo đủ vốn, đủ ngoại tệ cho sản xuất các ngành hàng, các sản phẩm trọng điểm. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cần thực hiện một cách tổng thể, nhất quán và có sự phối hợp nhịp nhàng, tránh tình trạng cục bộ, chồng chéo và lãng phí nguồn lực với hiệu quả thấp" - Phó Chủ tịch ADB, ông Bindu Lohani nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, thách thức tuy lớn, nhưng trong năm 2012, các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam cũng có những cơ hội thuận lợi về tài chính như: Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá dần ổn định, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện… Đây cũng được xem là một trong những giải pháp điều hành chính sách tài chính - tiền tệ trong năm 2012.

Năm 2012, việc ổn định tài chính vĩ mô được xác định là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong cả giai đoạn 2011-2015 với các trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, cải thiện cán cân thanh toán và giảm bội chi ngân sách.

Các ngân hàng và công ty tài chính tiếp tục có sự căng thẳng về thanh khoản và thu hồi nợ cũ, nhất là những khoản cho vay với lãi suất cao trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Nếu việc thu hồi nợ không tốt có thể làm gia tăng rủi ro mới với sự giảm giá mạnh và trầm lắng hơn nữa của thị trường bất động sản, kể cả bất động sản thế chấp.

(Báo cáo của các chuyên gia kinh tế đến từ Ngân hàng Phát triển châu Á)


 Theo: KTdt


Các tin khác