Hàng loạt doanh nghiệp nợ lương nhân viên
 
 

Cạn vốn, thu hẹp sản xuất, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh túng quẫn, thẳng thừng tuyên bố sẽ nợ lương, hay khuyến khích nhân viên tự nguyện xin nghỉ.

Làm việc ở công ty xây dựng thuộc ngành giao thông vận tải, chị Hạnh ở Hà Nội bị chậm thanh toán lương từ cuối năm ngoái đến nay. Chị cho hay, tháng nào cũng nhận lương, nhưng chỉ một phần nhỏ của lương 2-3 tháng trước đó. Lãnh đạo vừa tuyên bố 6 tháng tới sẽ nợ lương, ai không muốn bám trụ có thể nghỉ.

"Công ty không có việc nên không có tiền trả ngân hàng, hễ có đồng nào về tài khoản là bị siết luôn nên không còn tiền trả lương nhân viên. Tôi đang chạy vạy xin chân thu cước Internet buổi tối để có thêm thu nhập nuôi con", chị Hạnh kể.

Anh Thanh, nhân viên một ty bất động sản ở quận Bình Thạnh, TP HCM than, sau Tết, công ty tiếp tục cắt giảm lao động, nhưng lương chưa trả hết cho người lao động; mọi chế độ khi nghỉ việc đều không có. Đã hơn 2 tháng nhưng công ty vẫn chưa chốt ngày thanh toán mọi khoản nợ với anh, số tiền hơn 40 triệu đồng. Bản thân anh cũng không thể làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp vì thời gian qua công ty không đóng.

Hiện tại, anh đã nộp đơn lên Phòng Lao động thương binh xã hội quận Bình Thạnh nhờ can thiệp. Tuần sau, anh và phía doanh nghiệp gặp nhau tại Phòng Lao động thương binh xã hội quận để hòa giải, nếu không thành công, anh cho biết sẽ kiện ra tòa.

Kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp chậm lương, nợ lương người lao động. Ảnh:Hoàng Hà

Hoạt động kinh doanh khó khăn, có doanh nghiệp còn tính đến phương án đóng cửa. Như vậy, không còn là chuyện nợ hay chậm lương mà người lao động đang đứng trước nguy cơ mất việc.

Anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc một công ty xây dựng tư nhân chia sẻ, từ tháng 10/2011 đến nay, công ty giảm 30% nhân sự. Những người ở lại chỉ được 50% lương, do không nhận được công trình nào. Ông Đặng Minh Lượm, Giám đốc nhân sự Thế giới Di động cho biết, công ty có 7.000 – 8.000 nhân viên, chi phí tiền lương mỗi tháng 17-18 tỷ đồng. Chưa đến mức rơi vào cảnh nợ lương nhân viên nhưng doanh nghiệp này đã phải cắt giảm khoản tiền thưởng thông lệ hàng năm từ 2011.

Các năm trước, giữa năm và cuối năm, nhân viên của Thế giới Di động đều được lĩnh thêm một khoản tiền, bằng 50% số giờ làm việc dôi dư. Nhưng kinh doanh khó khăn nên từ cuối năm ngoái, khoản thu nhập đó không còn.

Ông Nguyễn Văn Thuyết, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công cổ phần Sông Đà Đất Vàng cho biết, thị trường bất động sản đóng băng khiến hoạt động kinh doanh khó khăn kể từ năm ngoái đến nay. Năm 2011, có thời điểm công ty chỉ có thể tạm ứng một ít cho người lao động, chứ không thể trả hết 1 lần. Tình hình này kéo dài sang đầu năm nay. Hiện tại, công ty nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khoảng vài trăm triệu đồng.

Theo ông, với một doanh nghiệp bất động sản, số tiền này không lớn. Hiện một số công trình đã hoàn tất thi công, nhưng phía đối tác chưa thanh toán với lý do đang "kẹt". Nguồn vốn thiếu hụt, vay khó, lại phải chi tiêu cho nhiều hạng mục nên mấy tháng nay, công ty chỉ tạm ứng một phần lương và hẹn sang quý II mới thanh toán hết cho người lao động.

Cùng cảnh ngộ, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất bao bì ở quận Bình Tân, TP HCM cho biết, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh kể từ đầu năm do kinh tế thế giới khó khăn. Ngoài ra, thuế suất túi nilon tăng cao khiến các doanh nghiệp nhựa điêu đứng khi không bán được hàng, sản xuất cầm chừng. Chính vì vậy, sau Tết, thu nhập của 30 lao động ở công ty giảm 50% so với trước Tết. Công nhân ngày làm, ngày nghỉ, không còn tăng ca.

"Nội việc trả lương cho công nhân cũng quá sức với công ty. 2 tháng nay, công ty trễ hẹn thanh toán lương cho người lao động, chậm 10-15 ngày so với trước. Song, thời gian tới sẽ còn khó khăn hơn nữa và có thể không còn khả năng thanh toán lương cho công nhân. Khi đó, công ty phải đóng cửa", ông nói.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Hữu Huỳnh, Vụ trưởng Vụ pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2011 rất khó khăn. Tình trạng này còn kéo dài sang năm 2012. Việc chậm lương, nợ lương không còn là vấn đề cục bộ tại một số đơn vị yếu kém về mặt quản lý như các năm trước mà đã phổ biến hơn do khó khăn chung của nền kinh tế.

Hiện, VCCI đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, một trong số đó là miễn thuế, giảm thuế. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng với doanh nghiệp làm ăn có lãi, đang tồn tại... vì thuế chỉ nộp sau khi có lãi. Ông cũng khuyến nghị các đơn vị tiết giảm chi phí hơn nữa, định hướng lại sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh cần thận trọng, đi bước nào phải chắc bước ấy.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP HCM cho hay, thời điểm này mọi năm, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, rầm rộ tuyển lao động. Còn hiện tại, do kinh doanh khó khăn, nhiều đơn vị sản xuất cầm chừng nên không tuyển dụng mạnh.

Ông Trần Tiến Thịnh, Giám đốc kinh doanh của Công ty tư vấn quản trị doanh nghiệp TinhVân cho hay, tình trạng doanh nghiệp nợ lương hiện nay tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi những thách thức vượt quá sức chịu đựng, doanh nghiệp có thể phá sản, người lao động bị mất việc.

Theo ông Thịnh, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình cảnh nợ lương của nhiều doanh nghiệp. Một là tác động chung của kinh tế, tín dụng siết chặt trong khi không ít chủ kinh doanh quen sống dựa vào ngân hàng. Hai là bản thân các công ty vốn làm ăn có lãi, đi đầu tư dàn trải ngoài ngành dẫn đến không kiểm soát được dòng tiền. Ba là một số công ty không xây dựng giá trị cốt lõi về chế độ hậu mãi nhân viên.

Ông Thịnh cho rằng doanh nghiệp phải chấp nhận kịch bản "thà một lần đau" để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cụ thể, cắt giảm những vị trí không quan trọng, duy trì đội ngũ chủ chốt, thu hẹp phạm vi kinh doanh, tập trung vào lĩnh vực sản xuất chính, chấp nhận mất một phần vốn đã đầu tư bên ngoài.

Còn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, lương, thưởng người lao động là một trong những yếu tố thể hiện sức khỏe của nền kinh tế. Vì thế, việc nhiều công ty rơi vào tình cảnh chậm lương, nợ lương là vấn đề nghiêm trọng, cần phải có nghiên cứu cụ thể.

Chuyên gia kinh tế này chia sẻ, mới đây ông có nghe một số báo cáo cho rằng, nhiều công ty phá sản, đóng cửa nhưng hầu hết là "doanh nghiệp ma" nên không ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Tuy nhiên, ông Doanh không mấy tin tưởng vào kết luận đó, mà kiến nghị các cơ quan chức năng phải thống kê, công bố rõ ràng để Nhà nước có sự can thiệp, điều chỉnh kịp thời.

Theo:Vnexpress.net


Các tin khác