Doanh nghiệp tư nhân sẽ là động lực phát triển

Ngày 5-6, nhiều bất cập về thủ tục hành chính, thuế, hải quan... đã được các hiệp hội, doanh nghiệp đưa ra trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn doanh nghiệp VN (VBF).

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong thời gian tới VN sẽ triển khai hàng loạt giải pháp để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, giảm thủ tục, tạo điều kiện cho mọi thành phần doanh nghiệp làm ăn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bà Victoria Kwakwa - giám đốc của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - ở diễn đàn doanh nghiệp

Bill Gates không đủ tiêu chuẩn lao động tại VN!

Mở đầu bài tham luận, ông Yoshihisa Maruta, chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại VN (JBAV), nêu số thành viên của mình đã đạt 1.319 - có nghĩa VN là nước có số doanh nghiệp Nhật cao thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Thái Lan. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của Nhật tại VN đang có nguy cơ chững lại! Nêu một khảo sát năm 2013, ông Yoshihisa Maruta cho biết các doanh nghiệp Nhật ngày càng cảm thấy không hài lòng với môi trường kinh doanh ở VN.

“Có tới 60% doanh nghiệp cho rằng đang bị cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh vì các thủ tục hành chính phức tạp, chính sách nhà nước thiếu minh bạch, thủ tục thuế rườm rà...” - ông Yoshihisa Maruta nói. Lấy ví dụ cụ thể về thủ tục xin giấy phép lao động, ông Yoshihisa Maruta cho biết năm 2014 nhiều doanh nghiệp Nhật được thông báo những lao động từng đến VN dù chỉ lưu trú một ngày cũng phải xin phiếu lý lịch tư pháp. Mà như thế sẽ phải xin giấy xác nhận tạm trú tại khách sạn đã từng ở. Trong khi đó, nếu xin lý lịch tư pháp cho một ngày lưu trú, nhiều khi chính cơ quan chức năng VN sẽ... từ chối!

Ông Fred Burke (Công ty Baker & McKenzie) cho biết công ty này vừa bị TP.HCM từ chối cấp giấy phép lao động cho một người nước ngoài tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu nước Mỹ và đã làm việc cho công ty của ông ba năm. Lý do, VN quy định lao động nước ngoài chỉ được cấp giấy phép nếu đã có năm năm kinh nghiệm và bốn năm trình độ đại học. Với quy định ngặt nghèo như thế, ông Fred Burke cho rằng “ngay Steve Jobs nếu sống lại hay tỉ phú Bill Gates cũng... không đủ tiêu chuẩn để được cấp phép lao động ở VN”.

Gian nan với thuế

Theo báo cáo của Nhóm công tác đầu tư và thương mại của VBF, nhiều quy định của ngành thuế khiến doanh nghiệp mất hàng ngàn giờ/năm để làm thủ tục. Như quy trình thủ tục để miễn thuế theo các hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà VN tham gia. Báo cáo cho biết yêu cầu của VN về “chứng từ sở hữu” đang khiến các doanh nghiệp vận tải biển phải truy dấu con tàu, mất tới 60-90 ngày/năm để thu thập các chứng từ cho một bộ hồ sơ xin miễn thuế, đồng thời khẳng định yêu cầu này là vi phạm cam kết WTO.

Ông Bill Howell, Nhóm công tác khoáng sản của VBF, cho rằng VN đánh thuế, phí đối với khoáng sản thường cao gấp 2-5 lần mức trung bình thế giới. Dẫn kết quả khảo sát của Viện Fraser (Canada), ông Bill Howell cho biết việc thu thuế và phí chồng chéo đã đưa VN lên vị trí 95 trên 96 nước, vùng lãnh thổ có môi trường kinh doanh kém hấp dẫn nhất để đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản.

Theo bà Hương Vũ - trưởng Tiểu nhóm thuế của VBF, VN dự kiến áp loại thuế nhà thầu đối với hàng hóa, máy móc thiết bị có đi kèm điều kiện bảo hành. Theo bà Vũ, đây là hình thức lạm thu, bởi bảo hành thường là điều khoản bắt buộc với bất cứ hàng hóa nào theo thông lệ quốc tế. “Nếu VN cứ đánh thuế trên các hợp đồng thương mại có kèm điều kiện bảo hành sẽ đi ngược thông lệ thế giới. Điều này cũng hạn chế đưa vào VN những máy móc, thiết bị VN chưa sản xuất được, khiến cản trở việc hiện đại hóa công nghiệp ở VN, dẫn đến kém cạnh tranh trong khu vực...” - bà Vũ nói.

VN cần cải cách...

Theo bà Virginia Foote, đồng chủ tịch VBF năm nay, việc cải tổ hầu hết vấn đề tại VN có thể tiến hành dễ dàng nhưng một số vấn đề cơ bản thì lại không như vậy, trong đó tham nhũng là vấn đề nan giải, có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và danh tiếng của VN. Bà Virginia Foote chỉ rõ những bất cập VN cần sửa là các thủ tục phức tạp, các quy định pháp luật không được thực thi thống nhất... “VN cần giải quyết các vấn đề này để tất cả doanh nghiệp được cạnh tranh trên chính giá trị của mình” - bà Virginia nói.

Ông Marc Townsend, chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN, cũng cho rằng đã đến lúc VN cần triển khai việc phòng chống tham nhũng ở quy mô rộng hơn, đồng thời khuyến nghị VN cần thực hiện “đổi mới lần 2”, khuyến khích hơn nữa doanh nghiệp tư nhân, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước... Theo đề xuất của ông Marc Townsend, các cơ quan Chính phủ của VN cần áp dụng bộ chỉ số để đo lường hiệu quả công việc, như số ngày cần để cấp phép, số giờ để hoàn thành quyết toán thuế... để tạo sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan Chính phủ.

Tiếp thu, giải quyết ngay

Tham dự diễn đàn cả buổi sáng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rằng rất trân trọng lắng nghe các ý kiến. Nhắc lại việc một số đối tượng quá khích gây rối, đập phá tài sản doanh nghiệp ở một số tỉnh hồi tháng 5-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển VN gây phẫn nộ trong cả dân tộc VN. Lợi dụng việc tuần hành yêu nước, một số người manh động đã cướp giật, phá hoại tài sản doanh nghiệp. VN đã ngăn chặn kịp thời và cam kết sẽ không để tái diễn. Đối với 20 doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động trở lại, Thủ tướng khẳng định Chính phủ VN sẽ cùng chính quyền địa phương bàn cụ thể để đưa ra giải pháp cho từng doanh nghiệp đảm bảo có lý có tình.

Thông báo về kế hoạch phát triển năm năm 2016-2020 đang xây dựng, Thủ tướng cho biết VN dự kiến tăng trưởng GDP giai đoạn trên bình quân khoảng 6,5%, theo hướng bền vững. Thủ tướng cũng nêu ra năm giải pháp lớn sẽ được VN thực hiện trong thời gian tới. Thứ nhất, VN sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là cơ chế giá và phân bổ nguồn lực, chủ động đẩy nhanh tiến trình hội nhập sâu rộng. VN cũng sẽ tập trung cải cách môi trường kinh doanh để minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh hơn. Khẳng định Chính phủ VN đang chỉ đạo cải cách mạnh thủ tục hành chính, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư phải tổng hợp các ý kiến về môi trường đầu tư tại diễn đàn để Thủ tướng sẽ có chỉ thị giao các bộ trưởng giải quyết.

Thứ hai là tái cơ cấu, giải pháp quyết định với phát triển nhanh, bền vững. Thủ tướng khẳng định VN sẽ tạo mọi điều kiện để phát triển doanh nghiệp tư nhân, coi đây là động lực quan trọng để phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế VN. Với giải pháp lớn thứ ba, Thủ tướng cam kết VN sẽ khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cả giao thông, điện, bệnh viện, trường học... Thứ tư là VN quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Thủ tướng khẳng định VN sẽ bảo đảm, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân, cũng như qua các tổ chức tự nguyện, hợp pháp. Cuối cùng, Thủ tướng cam kết VN sẽ bảo đảm an ninh, an toàn cho các tổ chức, người nước ngoài học tập, làm việc, sinh sống tại VN. “Hệ thống chính trị của VN hoàn toàn đủ sức thực hiện mục tiêu này”- ông nói
                                                                                                                           Theo: Vietstock.vn


Các tin khác