TS Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI đã tổng hợp các ý kiến của DN, hiệp hội DN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Thưa ông, cụ thể VCCI đã chuẩn bị cho công việc này như thế nào?
Theo kế hoạch, bên cạnh báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động và kiến nghị của DN tại Hội nghị, chúng tôi sẽ có một bản phụ lục chi tiết nội dung các khó khăn, vướng mắc và các đề xuất giải pháp tháo gỡ. Có khoảng 10 nhóm vấn đề chính được nêu lên với trên 300 các kiến nghị cụ thể, bao gồm các vấn đề liên quan về môi trường kinh doanh, tái cấu trúc DN, tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính, quan hệ lao động…
Đặc biệt, có một số đề xuất trực tiếp vào các dự thảo luật liên quan đến đầu tư – kinh doanh đang được sửa đổi.
- Thủ tướng Chính phủ gặp DN trong bối cảnh tình hình kinh doanh của các DN vẫn gặp nhiều khó khăn. VCCI sẽ đặt trọng tâm vào những nội dung gì, thưa ông ?
Đúng là vào thời điểm này, tình hình sức khỏe của DN vẫn còn rất yếu. Mặc dù nền kinh tế đã có một vài dấu hiệu khả quan, song vẫn chưa đủ để DN tái khởi động, nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Thúc đẩy, tái khởi động khu vực DN này là trọng tâm trong các đề xuất giải pháp, chính sách mà VCCI sẽ kiến nghị tại Hội nghị. Đây cũng là nội dung chúng tôi tổng hợp được từ các ý kiến, kiến nghị của các DN, hiệp hội DN gửi tới.
Cũng phải nói thêm, khu vực DN nhà nước đang được tái cơ cấu mạnh mẽ, thông qua các yêu cầu quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện cổ phần hóa 432 DN nhà nước trong hai năm 2014-2015.
Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang có sự chuyển dịch khá rõ nét vào các lĩnh vực, ngành nghề nền kinh tế VN quan tâm sau Nghị quyết 103 của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn đầu tư nước ngoài. Hơn thế, với nội lực và sự hậu thuẫn từ bên ngoài của các DN FDI, việc cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực này đang dần mạnh hơn.
Trong khi đó, các DN tư nhân trong nước vẫn đang khá yếu ớt. Có thể hình dung được bức tranh DN quý I/2014 qua các con số DN phải giải thể hoặc đăng ký tạm dừng hoạt động, hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 16.745 DN, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3.846 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 7,8%, có 10.318 DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký, tăng 9,3%, 2.581 DN giải thể, tăng 13,6%.
Tôi cũng muốn nhắc tới xu hướng ngày càng nhỏ đi của khu vực DN tư nhân. Theo khảo sát của VCCI, hiện tại, số DN có dưới 10 lao động chiếm 60%, dưới 50 lao động là 93% và 99% DN có dưới 200 lao động.
Rõ ràng, khu vực này đang thiếu các điều kiện tiên quyết, đó là quy mô và năng lực cạnh tranh, để có thể trở thành đối tác đủ sức tham gia vào các quá trình tái cơ cấu khu vực DN nhà nước cũng như hấp thụ được cả nguồn vốn và công nghệ trong những cải thiện tiếp tục của chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này cũng có nghĩa là DN tư nhân trong nước sẽ không thể hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
- Vậy giải pháp mà VCCI sẽ đặt ra trong Hội nghị này là gì, thưa ông ?
Cần phải nhắc lại vai trò của khu vực DN tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Nhưng động lực này đang rất yếu và cần có chính sách, giải pháp để vực dậy, tìm lại sự năng động của khu vực này.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, khu vực kinh tế tư nhân của VN đang nhỏ đi đáng kể. Một nền kinh tế không thể phát triển dựa trên động lực của những DN siêu nhỏ mà cần một số lượng DN có quy mô vừa và lớn.
Đối với DN lớn, mặc dù trong thời gian vừa qua, nhiều DN đã rất nỗ lực để cải thiện quy mô, để lớn lên, song chặng đường này cần thời gian và khó có thê có nhanh được các DN quy mô lớn. Nhất là khi số lượng DN vừa trong nền kinh tế quá ít, chỉ khoảng 2%.
Trong khi đó, cả nghiên cứu và thực tiễn đều cho thấy, chính khu vực DN vừa sẽ tạo nên tính năng động của nền kinh tế. DN này có đủ quy mô, năng lực để có thể tiếp cận vốn, tiếp cận công nghệ, vượt qua được tình thế bế tắc trong phát triển công nghệ của nhiều DN nhỏ hiện nay. Đặc biệt, các DN này mới đủ năng lực để thực hiện các chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên mà Chính phủ đã đưa ra.
Để thúc nhanh các DN nhỏ lớn thành DN vừa, tăng số lượng DN quy mô vừa cho nền kinh tế, bên cạnh thực hiện quyết liệt các chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, đề nghị có chính sách dẫn vốn, ưu đãi về công nghệ, về địa bàn, lĩnh vực đối với các DN quy mô vừa… Các chính sách này không vi phạm các cam kết hội nhập quốc tế, làm rút ngắn thời gian lớn lên của DN, thay vì chờ đợi. Đây là điều mà các DN mong muốn kiến nghị.
- Thực ra, trong nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV đang được thực hiện, DN quy mô vừa thường dễ tiếp cận hơn cả, nhất là các chính sách liên quan đến vốn. Vấn đề dường như không phải là chính sách mà là thực hiện các giải pháp đã có, thưa ông ?
Trong kiến nghị DN gửi tới VCCI trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2014, rất nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách, giải pháp để thúc đẩy DN phát triển đã khá đầy đủ và rõ ràng, vấn đề là thực thi.
Một nền kinh tế không thể phát triển dựa trên động lực của những DN siêu nhỏ, mà cần một số lượng đủ lớn các DN có quy mô vừa và lớn. Đặc biệt, phải tìm cách gia tăng các DN có quy mô vừa - bộ phận trung lưu trong nền kinh tế -với lợi thế đủ lớn để hiệu quả, đủ nhỏ để linh hoạt. |
Cũng trong năm 2013, có 32% DN dân doanh trong nước cho biết tỉnh ưu tiên giải quyết các vấn đề, khó khăn cho DN nước ngoài hơn là DN trong nước...
Đây chỉ là một ví dụ để nói rằng, vấn đề thực thi đang là mối quan tâm lớn của DN. Chính vì vậy, trong đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VCCI thực hiện rà soát việc thực thi các giải pháp, chính sách của Chính phủ. Ví dụ như việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của các bộ, ngành định kỳ 3 tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, bất cứ sự chậm trễ nào trong thực thi sẽ được phát hiện kịp thời.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh để phát hiện những nội dung chưa thống nhất, gây cản trở hoạt động của DN, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi theo hình thức một luật sửa nhiều luật.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các DN VN không thể chờ đợi đến lịch mới được sửa luật.
- Theo ông, các kiến nghị này có được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận không ?
Tôi tin là Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến và kiến nghị của cộng đồng DN. Nền kinh tế VN đang cần động lực phát triển mới – đó chính là năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam…
- Xin cảm ơn ông!
Cấm cũng phải minh bạch... Cho ý kiến sửa đổi dự án Luật Đầu tư tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn: “đọc hết các quy định vẫn không biết nhà đầu tư không được đầu tư vào cái gì...”. Theo dự thảo, có 4 loại dự án cấm đầu tư, bao gồm: Dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng; Dự án gây phương hại đến di tích lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục VN; Dự án gây tổn hại đến sức khỏe nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường và dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào VN, sản xuất các loại hóa chất độc hại hoặc sử dụng tác nhân độc hại bị cấm theo điều ước quốc tế. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu nói phương hại đến thuần phong mỹ tục thì... may áo quần cũng có nguy cơ ! Trước đó, mối băn khoăn tương tự cũng đã từng được Chủ tịch Quốc hội nêu ra khi thảo luận về Luật DN (sửa đổi), khi dự thảo luật quy định: “Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục VN và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường”. Thực tế, theo đánh giá của Chính phủ, sau gần 8 năm thực hiện, Luật DN 2005 đã bộc lộ một số khiếm khuyết, trở thành nguyên nhân làm cho DN gia nhập thị trường, khởi sự kinh doanh và rút khỏi thị trường ở VN trở nên phức tạp và tốn kém hơn mức cần thiết, hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân và DN, không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Và việc tăng tới 40 điều so với Luật DN hiện hành, dự án Luật DN (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận mới đây có nhiều điểm mới đáng chú ý. Tuy nhiên, còn nhiều băn khoăn về các quy định cấm kinh doanh ở dự thảo luật sửa đổi, khi mà, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm là nội dung đã được hiến định tại điều 33 của Hiến pháp. Dự án Luật DN (sửa đổi) cũng như dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), là một trong những luật được triển khai xây dựng ngay sau khi Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực. Do vậy, mục tiêu bao giờ cũng phải đặt vấn đề cụ thể hóa Hiến pháp và các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong luật. Để thực hiện được điều này, cần thiết phải rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; làm rõ mối quan hệ giữa nhà nước, DN với thị trường, bảo đảm tất cả các DN thuộc các thành phần kinh tế được bình đẳng hoạt động, tự do kinh doanh, sản xuất vào những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Nói như Chủ tịch Quốc hội: có thể luật chỉ quy định nguyên tắc, sau đó nghị định sẽ cụ thể hóa, nhưng ít nhất là cái tên ngành cấm kinh doanh cũng phải đưa vào dự thảo. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh luật phải làm sao cho minh bạch để khi ban hành rồi thì mọi người yên tâm phấn khởi làm ăn. Bình Anh |
Theo: Dddn.com.vn