Vẫn rất cần ODA
Thưa bà, sau những vụ tham nhũng vừa bị phát hiện trong việc sử dụng vốn ODA cho các dự án hạ tầng tại Việt Nam, người ta bắt đầu đánh giá lại việc sử dụng nguồn vốn này cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Bà nhận xét thế nào về vấn đề này?
- Việc đánh giá các dự án ODA phải thường xuyên để xem hiệu quả của nó như thế nào, chứ không chỉ khi "có chuyện" mới đánh giá. Tôi cho rằng, chúng ta còn nghèo, thu nhập của người dân còn thấp thì nhu cầu sử dụng vốn ODA sẽ còn rất lớn, nhất là hạ tầng cơ sở của chúng ta đang còn quá yếu kém.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá, Việt Nam sẽ phải cần tới 150 tỷ USD để phát triển hạ tầng cơ sở, do vậy, nguồn vốn ODA còn rất quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu này.
Ảnh: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội - dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản - đang dính phải nghi án nhận hối lộ 80 triệu yen từ một công ty tư vấn của Nhật Bản.
Nhưng những vụ việc tham nhũng vừa được phát hiện cho thấy, đang có nhiều "con sâu bỏ rầu nồi canh" trong việc sử dụng vốn ODA, thưa bà?
- Qua các vụ tham nhũng, cụ thể là 2 dự án của Nhật và dự án PMU 18 trước đây liên quan tới nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, nguy cơ tham nhũng trong các dự án ODA đang hiện hữu rất lớn. Điều này khiến việc thực hiện các dự án khó đem lại hiệu quả như mong đợi.
Tham nhũng ODA là chúng ta mất tiền trực tiếp (số tiền đút lót) khiến chi phí của các dự án ODA bị đội lên, bởi các công ty thực hiện các dự án này tại Việt Nam tính luôn cả tiền đút lót, hối lộ vào giá thành dự án. Điều đáng lưu ý là trong hai dự án ODA của Nhật bị phát giác vừa qua, người ta mới chỉ phát hiện tham nhũng ở khâu tư vấn-khâu chưa phải đầu tư nhiều vốn mà đã mất một số tiền lót tay lớn như vậy, thử hỏi các khâu khác sẽ như thế nào?!
Các dự án xây dựng tại Việt Nam, tham nhũng lớn nhất thường ở khâu thi công. Nói theo cách chủ quan của tôi, không loại trừ, toàn bộ các khâu còn lại đều có tham nhũng. Bởi những dự án ODA có tham nhũng lớn như thế cuối cùng vẫn được nghiệm thu như thường!?
Con dao hai lưỡi
Như vậy, phải chăng, các dự án được thực hiện bởi nguồn vốn ODA như "con dao hai lưỡi", thưa bà?
- Một dự án ODA của chúng ta được triển khai thường phụ thuộc vào nước ngoài, vào chính các nhà tài trợ các dự án đó. Có những đối tác điển hình như Nhật Bản, họ yêu cầu phía Việt Nam khi nhận các dự án ODA của họ phải hướng dự án đó cho các công ty của Nhật triển khai thực hiện. 60-70% các công trình ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam (tiền Việt Nam trả cho thực hiện dự án) đều vào tay các công ty của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật cho Việt Nam vay vốn ODA và các công ty của họ nhận được lại số vốn đó khi dự án được triển khai tại Việt Nam. Các nước khác như một số nước châu Âu, với dự án ODA họ thường có cơ chế đấu thầu cạnh tranh mở hơn, có thể vốn của châu Âu nhưng không nhất thiết là phải doanh nghiệp châu Âu thực hiện dự án đó.
Cũng chính vì điều này, một số công ty nước ngoài thường "lobby" (vận động hành lang) cho chính phủ của họ để bán hàng cho các dự án ODA nào đó. Khi dự án ODA đó được triển khai họ lấy lại tiền rất nhanh để cho các công ty của họ thực hiện dự án ODA, còn Việt Nam thì gánh nợ ODA rất lớn.
Vậy với nhu cầu sử dụng vốn ODA vẫn còn rất lớn của Việt Nam, làm sao chúng ta có thể hạn chế những tồn tại này, thưa bà?
- Nếu có một hệ thống giám sát minh bạch, nghiêm túc, chúng ta vẫn có thể sử dụng rất hiệu quả vốn vay ODA. Tôi ví dụ dự án cầu Mỹ Thuận (vốn ODA của Úc, cũng do công ty của Úc thực hiện). Dự án này có chi phí thấp hơn hẳn so với nhiều nước. Toàn bộ nguyên liệu sử dụng cho dự án đều được Úc kiểm soát ngặt nghèo, tiết kiệm nhất và chất lượng tốt. Quá trình thực hiện dự án này tại Việt Nam, phía Úc đã chuyển giao cả công nghệ cho ta.
Rõ ràng, đã có không ít công trình sử dụng vốn ODA tại Việt Nam rất tốt, chỉ những công trình nào gây thất thoát, tham nhũng thì khó có thể đảm bảo chất lượng. Chúng ta không thể kéo dài mãi tình trạng "con sâu bỏ rầu nồi canh" trong việc sử dụng vốn vay ODA cho các dự án tại Việt Nam.
Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã từng nói, vốn ODA cũng là vốn vay, chứ không phải vốn "cho không, biếu không". Nhưng dường như không phải lúc nào chúng ta cũng nhớ rõ điều này, thưa bà?
- Tâm lý vốn ODA là "cho không" hiện chỉ rơi vào các cơ quan Nhà nước, các địa phương. Họ nghĩ vốn này là Nhà nước vay, Nhà nước trả nợ nên họ cứ xin, cứ chạy dự án ODA về cho mình. Gánh nặng nợ nần đã có hơn 90 triệu người dân Việt Nam lo, do vậy yếu tố vay phải trả đã bị xóa nhòa đi, họ không nghĩ là họ phải vay nên nếu có dự án thì họ sẽ có thành tích với địa phương và nếu có tham nhũng thì tiền cũng sẽ vào túi họ, đều có lợi cả.
Chính sách thu hút và sử dụng vốn vay ODA của Việt Nam sẽ phải thay đổi như thế nào để vốn ODA thực sự là "cầu nối" hữu hiệu cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thưa bà?
Mối nguy của sự móc ngoặc giữa các doanh nghiệp liên quan đến ODA, đến những nơi có thể chạy dự án ODA, không loại trừ cả từ những nơi cung cấp ODA đã không còn là cảnh báo với Việt Nam, mà nó đang diễn ra. |
Việt Nam cần có chính sách công khai minh bạch các dự án ODA. Tôi biết có huyện từng từ chối nhận dự án ODA về thủy lợi, vì họ thấy là họ phải vay, phải trả nợ, trong khi họ hoàn toàn có thể huy động vốn để thực hiện. Đây là dấu hiệu tốt nhưng tiếc chỉ là số ít.
Khi Việt Nam đã ra khỏi ngưỡng nghèo, vốn ODA tự nhiên sẽ giảm đi. Các dự án ODA sẽ có vốn vay lãi suất cao hơn, thời gian trả nợ ngắn hơn, lúc đó làm dự án vốn vay thương mại có thể đem lại hiệu quả, vì các dự án này có thể huy động tư nhân làm, họ thực hiện và tự chịu trách nhiệm với hiệu quả của dự án; do đó Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn dự án nào sẽ đem lại hiệu quả cho xã hội.
- Xin cảm ơn bà!
Theo: Cafef.vn