'Doanh nghiệp ngày càng phải chi nhiều tiền lót tay'
Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chi các khoản phi chính thức tại Việt Nam tăng gần gấp đôi trong vòng 3 năm qua.
Kết quả này vừa được công bố tại Báo cáo kết quả điều tra doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2009, thực hiện bởi các chuyên gia Đại học Copenhahen (Đan Mạch) và Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), tiến hành trên 2.543 doanh nghiệp.
Theo báo cáo này, vào năm 2007, chỉ có 26% số doanh nghiệp được điều tra cho biết phải chi các khoản “phi chính thức”. Tuy nhiên, đến năm 2009, con số này tăng lên 34%, trong đó, các khoản được gọi thẳng là “hối lộ” dao động trong khoảng 0,4 - 0,7% tổng doanh thu.
2007 2009
Các doanh nghiệp chi hối lộ 26,0% 34,2%
Chính thức 38,9% 45,4%
Phi chính thức 7,5% 13,7%
Nguồn: CIEM
Bên cạnh các khoản chi khó gọi tên (được CIEM gọi là các khoản chi khác, chiếm gần 30% các khoản chi vào năm 2009), phần lớn các doanh nghiệp phải chi phi chính thức để đối phó với các cơ quan thu thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi các khoản này cũng tăng từ 21% lên 27% trong 3 năm qua.
Ngoài ra, 20% doanh nghiệp phải chi phi chính thức để có được các dịch vụ công, trong khi 10% phải mở hầu bao để có các điều kiện thuận lợi trong đấu thầu các hợp đồng của Chính phủ.
Nghiên cứu trên quy mô, hình thức và địa bàn kinh doanh, các chuyên gia nhận thấy các doanh nghiệp lớn có xác suất chi ngoài cao hơn khoảng 20% so với doanh nghiệp siêu nhỏ. Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh chi ngoài cao hơn 24% so với doanh nghiệp phi chính thức, và doanh nghiệp tại Hà Nội có tỷ lệ chi ngoài cao hơn hẳn so với mức tương ứng tại TP HCM.
Trong kết luận của mình, CIEM chỉ ra rằng tính chính thức và sự gia tăng của xác suất chi ngoài tỷ lệ thuận với nhau. Thực tế ch thấy, trong khi số lượng doanh nghiệp có các khoản chi phi chính thức trong năm 2009 tăng lên so với năm 2007, gần một phần tư số doanh nghiệp không đăng ký chính thức trong năm 2007 đã có giấy phép trong năm 2009.
"Đi hối lộ lại là những doanh nghiệp chính thức, chứ không phải là phi chính thức. Các doanh nghiệp phi chính thức không chỉ có lợi từ việc trốn thuế và không phải mất tiền hối lộ. Vậy đâu là lợi ích để trở thành doanh nghiệp chính thức?", Tiến sĩ John Rand, Đại học Copenhagen trăn trở.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới đã công bố điều tra "Hoạt động kinh doanh" tại Việt Nam năm 2009. VCCI cũng công bố chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh... Tất cả đều khẳng định sự thuận lợi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua. Riêng báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong số các rào cản với hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam chỉ xếp việc bị nhũng nhiễu, chi tiền đút lót ở hàng nghiêm trọng thứ 13-14. Trong khi rào cản nghiêm trọng nhất lại là tiếp cận tín dụng, đất đai và lao động có trình độ.
"Thực ra không có sự vênh nhau giữa các báo cáo. Mà điều đó cho thấy doanh nghiệp Việt Nam coi hối lộ như một thông lệ làm ăn", Viện phó Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nói với báo chí.
Theo phân tích của ông Thành, doanh nghiệp dễ chi hối lộ khi cân nhắc giữa giời gian chờ đợi với việc mất một chút phí mà được giải quyết nhanh. Tuy nhiên, ông kiến nghị cần sớm loại bỏ tham nhũng khỏi môi trường kinh doanh, bởi về dài hạn nó không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp mà còn làm méo mó nguồn lực, làm hỏng văn hóa xã hội, văn hóa kinh doanh.
“Không một doanh nghiệp nào sẵn sàng và vui vẻ chi những khoản phi chính thức như vậy. Và việc các khoản chi ngoài tăng lên chứng tỏ những phiền hà trong hoạt động kinh doanh đang ngày một lớn”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ với VnExpress.net.
Theo ông Doanh, việc doanh nghiệp bị cản trở nhiều trong hoạt động, thông qua các khoản chi phi chính thức, rõ ràng là một bất lợi đối với Việt Nam trong giai đoạn cần thúc đẩy phục hồi kinh tế hiện nay. Quan điểm này cũng được chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành chia sẻ.
“Chi phí quan hệ trong kinh doanh tại Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất thế giới, và điều đó đã làm chùn chân không ít nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định kinh doanh tại nước ta. Đây là điều cần sửa nhưng lại rất khó sửa”.
Theo giải thích của chuyên gia này, sở dĩ việc giảm chi phí ngoài tại Việt Nam khó, là do nó đã ăn sâu vào rất nhiều vấn đề cốt lõi của nền kinh tế. Và trong khi chờ đợi những chuyển biến mang tính pháp lý, ông Thành cho rằng cách tốt nhất để cải thiện tình trạng này là doanh nghiệp nên tự mình “nói không” với các khoản chi phi chính thức:
“Trong bất cứ hợp đồng thương mại nào của doanh nghiệp Mỹ, khi đầu tư vào Việt Nam đều có điều khoản chống tham nhũng. Theo đó nhân viên nào của họ hối lộ quan chức sở tại đều bị phạt nặng theo quy định. Tôi nghĩ đây là điều mà doanh nghiệp Việt nên học hỏi”, ông Thành khẳng định.
Theo vnexpress
Các tin khác