Đánh giá hiệu quả, chỉ trích hay tán dương?

Khi huấn luyện hay đánh giá hiệu quả làm việc của ai đó, bạn thường tập trung vào khía cạnh nào? Chắc chắn bạn cũng sẽ nhắc tới vài điểm tích cực, nhưng tôi tin chắc rằng bạn sẽ nói nhiều hơn về những sai lầm và thiếu sót

Chú ý nhiều hơn tới những sai lầm không phải là điều gì đó sai trái hay quá đáng. Thực tế thì bạn làm thế vì theo kinh nghiệm bản thân, chỉ trích sẽ có tác động tốt hơn là khen ngợi. Sau khi bị chỉ trích người ta thường tiến bộ hơn, nhưng sau khi được khen ngợi, kết quả lại trái ngược. Do vậy, do khen ngợi cũng có điểm tốt nên bạn nghĩ khen ngợi một chút cũng không sao, nhưng nếu thực sự muốn người ta tiến bộ hơn thì chỉ trích là cách hiệu quả nhất.

Vấn đề là, đây lại là một trong những lĩnh vực mà các bài học kinh nghiệm không quá rõ ràng, thậm chí có thể bị hiểu sai. Quan sát của bạn rằng chỉ trích thường giúp người ta tiến bộ hơn có thể chính xác. Nhưng những gì đang thực sự diễn ra lại không giống như bạn nghĩ. Trong thực tế có tồn tại cái gọi là "hồi quy về điểm trung bình", và nếu bạn không hiểu được nó thì bạn và nhân viên sẽ trở thành nạn nhân.

Hiệu quả làm việc của con người không bao giờ hoàn toàn đồng nhất. Điều này đúng với nghệ sĩ vĩ cầm, chuyên viên thể dục, giảng viên đại học hay với bất kỳ ai làm việc cho bạn- và tất nhiên cũng đúng với cả bạn nữa. Không có ai ngày nào cũng thể hiện tốt nhất hay tệ nhất.

Tất cả chúng ta đều biết điều này, và đó là lý do tại sao chúng ta đánh giá hiệu quả của một cầu thủ trong cả mùa giải, thậm chí trong cả sự nghiệp chứ không phải trong một trận đấu. Hay nói cách khác, chúng ta nhìn vào kết quả trung bình của cầu thủ theo thời gian, hay nếu dùng thuật ngữ thống kê là "hiệu suất trung bình".

Hiệu quả làm việc luôn thay đổi theo thời gian.

Nếu bạn theo dõi hiệu suất theo từng công việc của một ai đó, bạn sẽ thấy một hiệu suất tuyệt vời (lớn hơn hiệu suất trung bình) thường theo sau là hiệu suất nhỏ hơn. Ngược lại, một hiệu suất tồi tệ thường theo sau là một điều gì đó tốt đẹp hơn. Không ai gây ra việc này cả. Đó là một phần của sự thay đổi có sẵn trong hoạt động của con người, đặc biệt là khi làm việc gì đó thậm chí có độ phức tạp vừa phải.

Các vấn đề và nhận thức sai lầm phát sinh khi chúng ta quên mất điều này. Tại sao chúng ta lại quên một điều gì đó quá hiển nhiên? Bởi lẽ thậm chí ngay cả khi chúng ta đều biết hiệu suất có thể biến đổi quanh điểm trung bình, chúng ta vẫn có xu hướng để ý nhiều hơn tới hiệu suất gần nhất của một ai đó. Một cách vô thức, chúng ta coi đó là chỉ số về khả năng tổng thể chính xác hơn hiệu suất của hai ngày trước hay tuần trước. Chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao tầm quan trọng hay tính chính xác của những thông tin mới nhất, dễ dàng tiếp cận nhất và nối bật nhất.

Khi kết nối những điều này lại với nhau, bạn sẽ thấy tại sao chỉ trích có vẻ như hiệu quả hơn khen ngợi.

Hãy thử xem xét một vài công việc quan trọng và khó khăn vừa phải mà nhân viên của bạn thường làm. Giả sử bạn đánh giá hiệu suất làm việc của anh ta theo thang điểm 10 (điểm 10 là hiệu quả nhất), và trong những tháng qua hiệu suất của anh ta chỉ ở mức 5. Vì vậy bạn bắt đầu theo dõi công việc của anh ta, đưa ra những phản hồi cả tích cực và tiêu cực, cả chỉ trích và khen ngợi sau mỗi công việc.

Do đó, khi anh ta thể hiện tệ hơn mức trung bình, anh ta có thể sẽ thể hiện tốt hơn trong lần sau dù bạn không cần phải nói hay làm gì - bởi vì hiệu suất làm việc của anh ta sẽ tự hồi quy về điểm trung bình. Tuy nhiên, do trước đó bạn đã chỉ trích anh ta nên bạn sẽ kết luận một cách sai lầm rằng anh ta tiến bộ là do bị bạn chỉ trích, và bạn sẽ bị thuyết phục bởi điều này bởi hiệu suất lớn nhất của anh ta (thông tin mới nhất mà bạn nhận được) hiển hiện rõ ràng nhất trong tâm trí bạn.

Tương tự, khi hiệu suất của anh ta trên mức trung bình, anh ta có thể sẽ thể hiện tệ hơn vào lần tới dù bạn không nói hay làm gì - bởi vì lúc này hiệu suất của anh ta sẽ lại hồi quy về điểm trung bình. Tuy nhiên, do trước đó bạn đã ca ngợi anh ta nên bạn sẽ kết luận rằng hiệu suất tồi của anh ta là hậu quả của những lời ca ngợi.

Thậm chí nếu bạn không chú ý tới những mối liên hệ rõ ràng một cách có ý thức thì bạn cũng nhận thức được chúng bằng trực giác. Và hậu quả thường thấy nhất là bạn sẽ chỉ trích nhiều hơn là ca ngợi.

Tuy nhiên, đó là một công thức nghèo nàn để đạt được mục tiêu: cải thiện hiệu suất trung bình của một ai đó. Rất nhiều bằng chứng cho thấy, sự tăng cường tích cực - xác định và xây dựng thế mạnh- sẽ mang lại những kết quả tốt hơn là tập trung không ngừng vào những sai lầm. Điều này cũng khá quan trọng. Để cải thiện, người ta cần những phản hồi tích cực. Việc nhận ra và tăng cường thế mạnh cũng quan trọng như việc chỉ ra những gì mà họ đã không đạt được. Và bạn cần hiểu tại sao việc ca ngợi có vẻ khác thường, do đó bạn không nên giữ lại những lời ca ngợi đó.

Bạn đừng để cho chính kinh nghiệm đánh lừa bản thân. Những bài học thực sự không phải lúc nào cũng rõ ràng, và để tìm được chúng đòi hỏi phải suy nghĩ, đối chiếu và phân tích. Chỉ khi bạn hoàn toàn ý thức được điều gì đang diễn ra và tại sao lại như thế, bạn mới có thể có lựa chọn tốt nhất. Trong trường hợp này thì có nghĩa là bạn đừng ngần ngại đưa ra những lời khen như khi chỉ trích người khác.

Theo Vef.vn


Các tin khác