Đã đến lúc từ bỏ chính sách chủ động bội chi bằng vay nợ
 
 
 
Giảm tỷ lệ huy động vào NSNN có tác dụng tạo điều kiện cho khu vực dân doanh tự tích lũy và khai khác vốn của mình để mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Tại Hội thảo về Tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước tổ chức ngày 3/5 tại Hà Nội, ông Vũ Tuấn Anh - Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đã đến lúc cần phải có một số phương hướng tái cơ cấu như sau đối với chính sách tăng trưởng, tài chính công và đầu tư công.

Theo ông Vũ Tuấn Anh, trước hết giảm dần tỷ trọng tích lũy trong GDP. Mức tích lũy hiện nay trên 40% GDP, cần phải được giảm xuống dưới 40% và trong 5-10 năm tới giảm xuống mức 30%, như cách đây 10 năm đã từng như vậy.

Tỷ lệ tích lũy đã tăng mạnh trong mấy năm gần đây, hiện nay là quá cao, trong khi mức sống của đại bộ phận nhân dân lao động (nông dân, công nhân, viên chức, trí thức) còn duy trì ở mức rất thấp.

Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao trong nhiều năm, nhưng tốc độ tăng thu nhập và mức sống của một bộ phận đông đảo tầng lớp lao động trong xã hội không tương xứng.

Giảm tỷ lệ tích lũy đồng nghĩa với việc nâng cao mức sống của nhân dân, thực hiện chính sách "khoan sức dân", đồng thời cũng buộc đầu tư phải thay đổi cơ cấu, thay đổi cách thức quản lý và sử dụng sao cho hiệu quả hơn.

Việc tăng tỷ lệ tiêu dùng trong GDP cũng đồng thời là biện pháp kích cầu hữu hiệu đối với sản xuất và cũng tạo điều kiện trực tiếp để nâng cao mức sống nhân dân.

Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh nhấn mạnh, cần phải giữ ổn định gánh nặng thuế, giảm tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách.

"Nhờ đó, tạo môi trường thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế dân doanh vượt qua những khó khăn trước mắt do tác động của khủng hoảng kinh tế, đồng thời tự tích lũy nhiều hơn để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh." - ông Tuấn Anh nhấn mạnh

Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách đã tăng từ khoảng 20% năm 2000 lên tới gần 30% GDP hiện nay. Việc tập trung càng lớn của cải vào tay Nhà nước đồng nghĩa với việc hạn chế bớt khả năng sử dụng của khu vực dân doanh.

Trong khi đó, xét về các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế, thì khu vực dân doanh cao hơn khu vực kinh tế nhà nước. Hiện nay, đã đến lúc khu vực dân doanh cần có "cú huých" mới về mặt chính sách để tạo nên một lực tăng trưởng mới.  

Vì vậy, việc giảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước có tác dụng tạo điều kiện cho khu vực dân doanh tự tích lũy và khai khác vốn của mình để mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Việc giảm gánh nặng thuế đối với các doanh nghiệp về mặt ngắn hạn tạo điều kiện cho họ vượt qua những khó khăn trong bối cảnh tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, còn về mặt trung và dài hạn giúp các doanh nghiệp nâng cao hơn khả năng cạnh tranh cả trên thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế.

Thâm hụt ngân sách trong mấy năm gần đây vào khoảng 5-6% theo số liệu thống kê chưa đầy đủ; nếu tính đủ các khoản chi từ vay trong và ngoài nước thì con số thâm hụt phải lên tới ít nhất 10%.

“Đã đến lúc từ bỏ chính sách chủ động bội chi bằng vay nợ, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư dựa vào vốn vay nước ngoài, nhất là về các điều kiện và khả năng hoàn trả - Ông Tuấn Anh nói.

Đặc biệt, những dự án đầu tư lớn làm cho nợ quốc gia tăng vọt cần được kiểm định hết sức thận trọng trước hết từ góc độ hiệu quả kinh tế - tài chính, và phải được phản biện từ các chuyên gia, các nhà khoa học và được công khai thông tin để công chúng thảo luận rộng rãi, thậm chí trong trường hợp đặc biệt phải được trưng cầu dân ý.

Việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư công là biện pháp quan trọng giúp giảm thâm hụt ngân sách. Các cơ quan chính phủ các cấp cần nghiêm túc thực hiện chi ngân sách và đầu tư theo đúng dự toán đã được cân đối và Quốc hội phê duyệt.

Theo: cafef.


Các tin khác