""Sau 3 năm ngưng trệ, tiến trình CPH các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang có tín hiệu rất tích cực sau khi Tổng công ty thép Việt Nam (VnSteel) tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO), bởi diễn biến này đang thu hút sự quan tâm của các NĐT tư tổ chức, trong đó có NĐT nước ngoài...", Tiến sĩ Alan T.Pham, Trưởng kinh tế gia của VinaSecurities cho biết.
- Sau khi VNSteel tổ chức IPO không mấy thành công, có ý kiến quan ngại việc chuẩn bị IPO Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sẽ tạo ra nhiều sức ép bất lợi. Ông nghĩ sao?
Ông Alan T.Pham: CPH các DNNN là chủ trương lớn của Chính phủ và từ lâu, điều NĐT trong và ngoài nước mong muốn là cần đẩy nhanh tiến trình này, để cải cách mạnh mẽ các DNNN. Bởi vậy, tín hiệu CPH đang được hâm nóng trở lại sau 3 năm trầm lắng là điều rất tích cực cho cả Nhà nước, các DN và cả TTCK xét trên lợi ích dài hạn.
Do đó, nhiều NĐT tổ chức, trong đó có NĐT nước ngoài đánh giá cao quyết tâm đẩy nhanh tiến trình CPH của Chính phủ, đặc biệt là sau khi IPO VnSteel và sắp tới là Petrolimex và MHB.
Nếu vì lý do TTCK khó khăn mà chậm trễ, CPH theo lịch trình đã định, thì không biết chờ đến bao giờ và điều bất lợi là không tạo được niềm tin trong cộng đồng đầu tư.
- Nhưng IPO trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì tỷ lệ bán đấu giá thành công rất thấp, giá cũng không được cao, ảnh hưởng không tích cực đến hình ảnh của DN?
Tôi không nghĩ như vậy, bởi bán được 1% lúc này đã là rất quý. Giá trị chưa hẳn nằm ở tỷ lệ 1% hay 20% mà ở nhiều khía cạnh khác. Điều quan trọng là sau khi IPO, các DNNN lớn, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty, sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Với mô hình này, các DN buộc phải tuân thủ chế độ công khai thông tin về tài chính, hoạt động theo quy định, qua đó tạo thuận lợi cho NĐT trong và ngoài nước cùng tham gia giám sát hoạt động của các DN này. Nghĩa là sự minh bạch của DN tăng lên, nên ít nhiều sẽ tạo sức ép cho ban lãnh đạo DN trong quản lý, điều hành sao cho hiệu quả, chứ không thể giữ cung cách làm ăn kiểu bao cấp như trước.
Mặt khác, giá IPO thấp là cơ hội tốt để thu hút NĐT tham gia và điều này là hoàn toàn hiện thực tại các DN làm ăn hiệu quả và có nhiều tiềm năng như Petrolimex, cũng như một số DN sản xuất khác mà Việt Nam đang có dự định IPO thời gian tới.
- Từ sự quan tâm đến đưa ra quyết định giải ngân vào các đợt IPO của NĐT tổ chức, nhất là NĐT nước ngoài đang còn khoảng cách khá xa. Làm gì để rút ngắn khoảng cách này, thưa ông?
NĐT nước ngoài có bỏ tiền vào các đợt IPO lớn sắp tới hay không tuỳ thuộc vào hai điểm chính. Trước tiên và quan trọng nhất là hành động điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ, các NĐT nước ngoài mong muốn, trong bất cứ giai đoạn nào, Chính phủ cũng phải hướng đến lấy ổn định làm trọng. NĐT luôn "cho điểm" cao điều này, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và từng DN giảm tốc, nhưng đổi lại, họ nhìn thấy những giá trị bền vững, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định trong dài hạn.
Diễn biến vĩ mô hiện tại đang dần lấy lại niềm tin trong cộng đồng NĐT, khi thị trường tiền tệ đang ổn định dần, lạm phát tiếp tục đi xuống và Chính phủ cần duy trì định hướng điều hành này trong thời gian tới.
Thứ hai, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 109, để tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải trong quá trình CPH như đề xuất với nhiều bước đột phá của Bộ Tài chính như: cho phép DN được bán cổ phần cho cổ đông chiến lược trước khi IPO; việc xác định giá trị DN minh bạch hơn, bám sát thị trường hơn...
(Theo Đầu tư Chứng khoán)