Chính sách đất đai mới: “Trói chân” DN Khu công nghiệp
 

 -  Đầu tháng 11, hồ sơ vay vốn của một Cty có vốn đầu tư của Hàn Quốc ở KCN Long Thành (Đồng Nai) đã bị ngân hàng từ chối vì chiếu theo Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 thì hồ sơ của DN này không hợp lệ do thiếu tờ xác nhận đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN Long Thành đã nộp hết số tiền mà DN thuê đất của Nhà nước. 

Một góc KCN Nhơn Trạch 2
 Theo Luật Đất đai 2003, các DN trong khu công nghiệp (KCN) khi trả tiền một lần cho đơn vị kinh doanh hạ tầng được thế chấp sổ đỏ đất để vay vốn tại các ngân hàng. Tuy nhiên, với Luật Đất đai sửa đổi 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014, quy định mới đã làm nhiều DN không thể thế chấp sổ đỏ để vay vốn nếu chủ đầu tư KCN chưa nộp một lần số tiền đã thu của DN thuê đất cho Nhà nước.

Không liên quan đến nhà đầu tư thứ cấp”

Tương tự như trường hợp của DN Hàn Quốc kể trên, một DN khác tại KCN Nhơn Trạch 2 trước đây vẫn dùng đất thuê tại KCN thế chấp và giao dịch với ngân hàng bình thường nhưng từ đầu tháng 9 vừa qua, khi DN tất toán xong và làm hồ sơ vay vốn lại thì bị ngân hàng từ chối với lý do không có xác nhận đơn vị kinh doanh hạ tầng đã nộp tiền một lần cho Nhà nước số tiền đã thu của DN nên không được vay vốn nữa.

Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, hiện có rất nhiều nhà đầu tư ở các KCN của Đồng Nai gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay do chính sách thay đổi. Điều này đang gây bức xúc cho các nhà đầu tư. Các DN kinh doanh hạ tầng cũng “phản ứng mạnh” với quy định mới này.

Theo ông Hồ  Đức Thành  - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) – chủ đầu tư KCN Nhơn Trạch 2: “Hiện nay, việc Cty hạ tầng phải nộp tiền thuê đất một lần cho Nhà nước đối với diện tích đất cho thuê lại mà nhà đầu tư trả tiền một lần cho nhiều năm chưa được các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, chính sách đất đai thay đổi đã làm ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư của Cty hạ tầng vào khu công nghiệp - nếu áp dụng Nghị định 142 CP nhiều Cty hạ tầng sẽ bị phá sản hoặc thua lỗ lớn. Thiết nghĩ, khi các nhà đầu tư thứ cấp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước thì họ phải được đảm bảo về mọi quyền lợi. Việc nộp tiền thuê đất một lần hay hàng năm là việc giữa Cty hạ tầng và Nhà nước chứ không liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư thứ cấp. Do đó, tôi cho rằng chính sách mới quy định như vậy là chưa hợp lý và thiếu nhất quán “tiền hậu bất nhất”, không đảm bảo được mục tiêu cải cách thủ tục hành chính ngày càng thuận lợi hơn mà còn gây ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư.

Đề nghị áp dụng nguyên tắc bất hồi tố

Theo Điều 149.2 Luật Đất đai 2013 quy định: Nếu trả tiền thuê đất hàng năm chỉ được cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất hàng năm; nếu trả tiền thuê đất một lần được cho thuê lại với hình thức trả tiền thuê đất một lần hoặc trả hàng năm. Bên cạnh đó, tại Điều 210.2 quy định: DN đầu tư hạ tầng KCN-KCX được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm đã cho thuê lại đất có kết cấu hạ tầng theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian trước ngày 1/7/2014, phải nộp tiền cho Nhà nước theo quy định của Chính phủ (hồi tố - PV), tức DN đầu tư hạ tầng phải đóng tiền thuê đất một lần đối với phần diện tích đã cho thuê và phần diện tích sắp cho thuê - nếu muốn thu tiền thuê đất một lần của khách hàng. 

DN KCN chờ đợi  một sự điều chỉnh phù hợp hơn từ cấp quản lý Nhà nước cao nhất tới các cấp địa phương chứ không chỉ là nỗ  lực giải quyết riêng lẻ từ tỉnh hay một vài sở, ngành.

Như  vậy, có thể hiểu chỉ khi DN hạ tầng đóng tiền thuê đất một lần thì các nhà đầu tư thứ cấp mới được thuê lại với hình thức trả tiền thuê đất một lần và được cấp sổ đỏ, đồng thời khó khăn của các nhà đầu tư thứ cấp khi thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng mới được hóa giải. Tuy nhiên, việc đóng tiền một lần đối với đa số chủ đầu tư hiện nay là rất khó, thậm chí là áp lực quá lớn. 

Theo đại diện Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, các Cty hạ tầng KCN phản ánh là theo Luật Đất đai năm 2003 quy định, Cty hạ tầng KCN trong nước chỉ trả tiền thuê đất cho Nhà nước hàng năm (không trả một lần). Trong khi đó, các Cty hạ tầng này cho thuê đất theo nhiều hình thức trả tiền, hoặc một lần hoặc hàng năm hoặc 7 năm, 10 năm… Trong thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn ổn định nên đã trả tiền thuê đất một lần, trong khi Cty hạ tầng vẫn nộp phí cho nhà nước theo dạng hàng năm và nhiều DN đã dùng số tiền này để hoàn thiện hạ tầng KCN. Mặt khác, hiện nay nếu nhà đầu tư thứ cấp không có khả năng đóng tiền thuê đất một lần thì các DN hạ tầng đâu có tiền để nộp? Do đó, chính sách thay đổi nhưng không có lộ trình cụ thể mà đột ngột yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng đóng tiền một lần ngay là không dễ.

Còn ông Cao Ngọc Đức - Phó tổng giám đốc TCty Tín Nghĩa cho rằng: “Với chính sách đất đai mới rất khó cho chủ đầu tư hạ tầng. Tại KCN Nhơn Trạch 3 của Tín Nghĩa, Cty Formosa đã nộp vài trăm tỷ đồng, chủ đầu tư hạ tầng đã lấy vốn để đầu tư và hạch toán lời lãi rồi. Nếu nay phải nộp lại cho Nhà nước một lần thì rất khó cho chủ đầu tư. Ở các Cty cổ phần kinh doanh hạ tầng khác, do hàng năm đã hạch toán lợi nhuận, chia cổ tức cho cổ đông, cũng không thể yêu cầu cổ đông nộp lại tiền. Bên cạnh đó, việc này còn liên quan đến xác định giá đất ở nhiều thời điểm, nhiều vị  trí khác nhau nên cũng mất thời gian”.

Chờ sự điều chỉnh từ Nhà nước

Theo ông Hồ Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Cty D2D:  Trước những khó khăn phát sinh hiện nay, để giúp cho hoạt động của các nhà đầu tư thứ cấp cũng như Cty hạ tầng không bị gián đoạn thì trong lúc chờ văn bản hướng dẫn, giải pháp tháo gỡ tốt nhất là tôn trọng nguyên tắc bất hồi tố. Quy định của Luật đất đai 2013 chỉ hợp lý khi áp dụng đối với các dự án triển khai sau ngày 1/7/2014. Với những dự án đã diễn ra trước ngày 1/7/2014 mà hồi tố là vô lý, không đảm bảo môi trường đầu tư công bằng, thuận lợi cho DN. Mặt khác, việc áp dụng luật mới cần có lộ trình thực hiện. “Trước mắt, UBND tỉnh cần có phương án xử lý cho các DN đang vướng mắc về thủ tục vay vốn, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư - ông Thành đề xuất.

Trước những vướng mắc của các nhà đầu tư thứ cấp và các đơn vị kinh doanh hạ tầng xung quanh việc áp dụng Luật đất đai 2013, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức các buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư nhằm tổng hợp ý kiến, giao các Sở, ngành liên quan tham mưu, nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN. Hiện các DN vẫn còn phải tiếp tục chờ đợi nhưng có lẽ điều DN chờ đợi nhất chính là một sự điều chỉnh phù hợp hơn từ cấp quản lý Nhà nước cao nhất tới các cấp địa phương chứ không chỉ là nỗ  lực giải quyết riêng lẻ từ tỉnh hay một vài sở, ngành.

Theo: Dddn.com.vn


Các tin khác