Chia sẻ doanh nghiệp Nhà nước với đối tác tư nhân thực sự
“Ở nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Chính phủ bán tới 50% cổ phần công ty nhà nước cho một nhà quản lý tư nhân, một đối tác thực sự, chứ không phải bán rải rác cổ phần cho mỗi người.” GS David Dapice , ĐH Harvard đề xuất"

LTS: Là một người có nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế Việt Nam trong những năm qua, GS. David Dapice, nhà kinh tế học thuộc Chương trình Việt Nam của ĐH Harvard, đã dành cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam một buổi trao đổi về cải cách kinh tế ở Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp để tăng tính hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

 

GS. David Dapice: "Các bạn có các DNNN nhận được rất nhiều vốn và đất; các bạn có khu vực tư nhân đang gặp khó khăn vì lãi suất cao khiến họ khó vay tiền

Việt Nam vừa kết thúc Đại hội Đảng XI, theo dõi quá trình chuẩn bị ĐH và kết quả, đâu là điều được ông đánh giá cao và kỳ vọng tạo ra sự thay đổi mới tại Việt Nam?

GS David Dapice: Tôi không đủ am hiểu để có thể nhận định các vị lãnh đạo mới sẽ hành động ra sao, nhưng tôi nghĩ cơ cấu cơ bản của nền kinh tế sẽ không thay đổi. Các bạn có các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhận được rất nhiều vốn và đất; các bạn có khu vực tư nhân đang gặp khó khăn vì lãi suất cao khiến họ khó vay tiền. Việt Nam cần phải giảm lạm phát và để thực hiện được điều này, Chính phủ sẽ phải hạn chế mức tăng trưởng cung tiền và tín dụng, đồng thời phải cắt giảm thâm hụt ngân sách. Nhưng điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới các DNNN. Đó chính là thế lưỡng nan mà các nhà lãnh đạo mới sẽ gặp phải, dù họ là ai.

Đổi mới và phát triển bền vững tiếp tục được đại hội này khẳng định. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, Việt Nam thực hiện nội dung này theo hướng nào, đâu là điểm mới cần chú trọng?

GS David Dapice: Tiếp tục đổi mới theo hướng phát triển bền vững là chiến lược hợp lý, nhưng vấn đề là nó đòi hỏi phải tái cơ cấu vai trò của chính phủ và của DNNN.

DNNN sẽ phải phát triển lên giống Trung Quốc: họ cạnh tranh thực sự và phải tự thu hút vốn chứ không ỷ lại vào sự hậu thuẫn của chính phủ. Và đây sẽ là điều mới mẻ với hầu hết các doanh nghiệp này và cũng là nhiệm vụ đầy khó khăn. Nhưng nếu Chính phủ quan tâm tới cả ổn định kinh tế và tăng trưởng bền vững thì đó là điều tín hiệu rất tốt.

Hãy để tôi đưa ra một ví dụ cho những gì tôi đang nói. Giá nhà đất ở Việt Nam quá cao so với thu nhập của người dân. Như Bộ Xây dựng vừa công bố, tại hầu hết các nền kinh tế châu Á, giá nhà đất cao gấp khoảng 4-6 lần thu nhập của dân chúng. Nhưng ở Việt Nam, giá nhà đất cao gấp 25 lần thu nhập. Lý do giá nhà đất cao như vậy là vì rất nhiều đất đang bị giữ ở ngoài thị trường, đồng thời tình trạng đầu cơ nhà đất đang rất phổ biến. Vì thế, nếu Việt Nam tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, đánh thuế nhà và thuế đất, đặc biệt ở khu vực thành thị, tất nhiên là với một số khoản miễn trừ để người nghèo không bị ảnh hưởng. Khi ấy đối tượng nắm giữ nhà đất, trong đó có DNNN, sẽ phải bán ra nhiều đất hơn và làm hạ giá nhà đất xuống. Đó chính là những gì Trung Quốc thực hiện. Nhưng liệu Việt Nam có làm được như thế?

Có vẻ ông đang tập trung rất nhiều vào việc cải cách các DNNN trong giai đoạn tới. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng Nhà nước của Việt Nam đã có những nỗ lực cải cách rất lớn trong các DNNN. Vậy thì ông đánh giá thế nào về quá trình cải cách vừa qua và đâu là điểm hạn chế cần phải thay đổi trong thời gian tới để DNNN Việt Nam thực sự là trụ cột như mong muốn và cạnh tranh tốt được với thế giới?

Vài nét về GS. David Dapice

Giáo sư David Dapice là nhà kinh tế học của Chương trình Việt Nam tại Trường Quản lý Nhà nước John K. Kennedy (Đại học Harvard)

Từ năm 1990 tới nay, ông dành nửa thời gian làm việc của mình để tiến hành các nghiên cứu với Chương trình Việt Nam. Ông cũng trực tiếp tham gia giảng dạy tại Fulbright tại TP.HCM.

Đầu năm 2008, ông có mặt trong đoàn học giả nước ngoài tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam mời các chuyên gia nước ngoài góp ý phản biện về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của đất nước.

GS David Dapice: Tôi nghĩ Việt Nam đã thực hiện ba cải cách cực kỳ quan trọng. Đầu tiên là việc trao toàn quyền sử dụng đất cho nông dân, và khoán ruộng trực tiếp cho họ. Thứ hai, ban hành luật doanh nghiệp năm 2000 giúp việc thành lập doanh nghiệp tư nhân trở nên dễ dàng hơn. Nó thành công vì đã giúp hàng trăm nghìn doanh nghiệp được thành lập và hàng triệu lao động có việc làm. Điều thứ ba là việc gia nhập WTO cũng như khu vực mậu dịch tự do ASEAN bởi nó tạo ra áp lực buộc các nhà sản xuất phải nâng cao tính cạnh tranh hơn nữa.

Nhưng bạn chỉ có thể ứng phó khi bạn có các nguồn lực. Và một trong những vấn đề gắn liền với cải cách cho đến nay, theo tôi, là thị trường vốn vẫn chưa thực sự vận hành hoàn hảo do vốn thường chảy tới nơi Chính phủ lựa chọn thay vì để cho thị trường tự điều tiết.

Nhà đất như tôi đã nói cũng không phải là một thị trường tốt do giá bong bóng.

Và yếu tố thứ ba có vai trò rất quan trọng đến tính cạnh tranh là lao động tay nghề cao. Các bạn có rất nhiều sinh viên đại học, nhưng tôi nghĩ chất lượng và trọng tâm đào tạo cũng cần được cải thiện. Mà không chỉ giáo dục ở các trường đại học hay cao đẳng, mà ngay cả việc đào tạo công nhân làm việc trong các nhà máy, bên cạnh các nhà quản lý và kỹ sư, cũng cần được nâng cao hơn nữa. Nguồn lao động này hiện đang hết sức thiếu hụt.

Trong quá trình cải cách, theo ông đâu là giải pháp đột phá để cải cách các doanh nghiệp nhà nước, nhất là khối doanh nghiệp nhà nước còn lại dù nhỏ về số lượng nhưng rất lớn về quy mô, vốn và tài sản chiếm dụng?

GS David Dapice: Tôi nghĩ chính phủ phải đưa ra quyết định làm thế nào để biến các doanh nghiệp này trở nên cạnh tranh hơn. Theo tôi, giải pháp điều đầu tiên là các bạn phải thôi hỗ trợ các DNNN theo cách như đã làm với một tập đoàn Nhà nước lớn mới đây. Nói cách khác, các bạn cần có các ngân hàng theo đúng nghĩa của nó, các ngân hàng tự thẩm định đối với mỗi công ty và mỗi dự án, quyết định ai đủ tiêu chuẩn. Và nếu chính phủ hỗ trợ, hoặc ngầm hoặc chính thực, cho các khoản vay của DNNN thì các doanh nghiệp này sẽ cứ thoải mái chi tiêu bởi họ biết trong trường hợp xấu nhất sẽ có người thanh toán nợ nần cho họ. Vì thế, nếu bạn muốn DNNN tự đứng trên đôi chân của mình, cần phải coi các doanh nghiệp này như một doanh nghiệp độc lập chứ không phải là một bộ phận của chính phủ.

Tôi không rõ là bước đi tiếp theo sẽ như thế nào, nhưng trong một số trường hợp, có thể các bạn có thể tìm một đối tác nước ngoài để giúp DNNN hiệu quả hơn; trong một số trường hợp khác là cải cách nội bộ như cơ chế quản trị và quản lý mới. Các bạn hoàn toàn có thể giữ lại các DNNN. Nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia vẫn có các DNNN nhưng họ biết cách làm cho các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả. Các bạn thường nghĩ để DNNN đạt được hiệu quả là việc rất khó, nhưng người khác đã làm được, tôi nghĩ các bạn cũng hoàn toàn có thể.

Nhiều nước đã thành công với DNNN và như ông giới thiệu, Trung Quốc cũng là một mẫu hình. Đâu là kinh nghiệm hay có thể áp dụng cho Việt Nam sau khi ông đã nghiên cứu rất nhiều mô hình trên thế giới và đã tìm hiểu rất lâu ở Việt Nam về quá trình cải cách DNNN và đổi mới kinh tế? Biến các DNNN thành các tập đoàn lớn có phải là cách hay không?

GS David Dapice: Có rất nhiều điển hình như ở Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia. Trong một số trường hợp, Chính phủ bán tới (nhưng không quá) 50% công ty cho một nhà quản lý tư nhân, một đối tác thực sự, chứ không bán cổ phần rải rác cho nhiều người. Đối tác chính này sau đó sẽ giúp hỗ trợ quản lý doanh nghiệp. Đó là chiến lược có thể áp dụng với đối tác trong hay ngoài nước. Thường thì vị quản lý này cũng quyết tâm hơn nhiều bởi chính bản thân họ đã bỏ tiền của mình vào đó. Điều đó sẽ giúp công ty đạt được hiệu quả hơn so với cách bổ nhiệm giám đốc theo lợi ích chính trị.

Ở Trung Quốc, nhiều DNNN đã phải cạnh tranh theo quy định của WTO và thuế quan được dỡ bỏ và họ phải tìm cách để trở nên hiệu quả trước sự cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài. Việt Nam đã gia nhập WTO nhưng các bạn vẫn giữ trợ cấp và các biện pháp khác để tạo bảo vệ các DNNN thay vì cải tổ chúng trở nên hiệu quả. Tôi nghĩ đó là một quyết định kỳ lạ, bởi cứ như thể bạn gia nhập WTO chỉ để "chơi" thôi vậy. Nếu bạn còn muốn giữ DNNN như cũ, bạn không nên tham gia WTO. Nhưng đã tham gia rồi thì bạn nên cố gắng biến các doanh nghiệp này trở nên hiệu quả để chúng có thể cạnh tranh trong môi trường WTO.

Lê Khắc - Đình Ngân (thực hiện)

Diễn đàn kinh tế Việt Nam


Các tin khác