Các đối tượng lừa đảo “xuyên quốc gia” xuất hiện ngày càng nhiều. Có những sự việc nhìn là biết có vấn đề nhưng doanh nghiệp Việt vẫn “mắc bẫy”.
Trong tháng 4, khoảng 150 thông tin liên quan tội phạm có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam đã được các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát và công an các địa phương phối hợp với Văn phòng Interpol trao đổi, phối hợp thẩm tra, xác minh. Bằng con đường hợp tác, xử lý thông tin đã chứng minh: có 28 đối tượng và 6 công ty nước ngoài có dấu hiệu lừa đảo được làm rõ. Lừa đảo thời khủng hoảng Theo TS Phạm Văn Chắt - Báo cáo viên Chương trình Hội nhập Kinh tế quốc tế (Bộ Công Thương), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): thủ đoạn lừa đảo tài chính quốc tế chủ yếu của các đối tượng nước ngoài nhân danh đại diện công ty có trụ sở tại nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Bằng hình thức tự đánh bóng thương hiệu, tiềm lực tài chính (thường là qua internet), những doanh nghiệp “ma” này bắt đầu tìm cách… “thả thính” và đương nhiên, họ coi đối tác chính là những con cá dễ bị lừa. Những doanh nghiệp này thường chọn những nước đang phát triển để tìm cách tiếp cận. Liệt kê các trường hợp doanh nghiệp Việt Nam “bị lừa” khi giao kết với các đối tác nước ngoài, ông Nguyễn Gia Hảo - trọng tài viên VIAC - đã nhận xét: “Đang có tới cả 1.001 kiểu lừa đảo như: Dụ khi rửa tiền; đi chơi có thưởng; khoe tiền đầu tư; mua rởm, bán rởm; chôm tiền, chộp hàng... nhưng doanh nghiệp của ta lại quá “ngây thơ” nên đã mắc vào bẫy của bọn lừa đảo quốc tế”. Mới đây nhất là việc giám đốc Công ty Thành Hà đã làm giả hồ sơ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp quốc tế, nhiều cơ quan chức năng của nước ngoài (trong đó có một số ngân hàng của Mỹ, Anh, Moldova…) để lừa đảo tại Việt Nam. Ông giám đốc này tại hội nghị, hội thảo nào cũng “nhẵn mặt” chỉ để tìm đối tác… làm nạn nhân. Ông này đã làm giả 6 bộ hồ sơ, tài liệu tiếng Anh có con dấu và chữ ký của ngân hàng và cơ quan chức năng nước ngoài xác nhận việc chuyển về Việt Nam cho đối tượng số tiền gần 99 triệu USD để xây dựng khách sạn, văn phòng cao cấp, các dự án cung cấp quần áo cho nước ngoài, thậm chí có cả di chúc chuyển quyền thừa kế... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam bị lừa bằng cách đánh vào lòng tham thông qua việc chào bán hàng. Một điển hình là trong khi giá phân bón Ucraina là trên 235 USD/tấn có không ít doanh nghiệp vẫn nhận được giá chào 110 USD/tấn, từ những công ty ở Mỹ với phương thức thanh toán hết sức ngặt nghèo. Thông thường, đối với dạng lừa đảo này, công ty nước ngoài sẽ cấu kết với các hãng tàu “ma” để lập chứng từ giao hàng giả và thu tiền. Tương tự như thế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn nhận được những thư chào bán đường, xi măng, sắt thép với giá cực kỳ rẻ. Một dạng lừa đảo tiếp theo là chào bán hàng tốt nhưng lại đánh tráo hàng rởm. Có trường hợp khách Ấn Độ chào bán tôm đông lạnh nhưng khi đưa container về Việt Nam mở ra bên trong chứa toàn những khay nước. Hay việc công ty TNHH Dũng Hải đã bị đối tác Singapore lừa trong việc ký hợp đồng nhập khẩu thép tấm thành… thép phế liệu nhưng… chẳng biết kiện ai vì hợp đồng toàn bằng tiếng Anh và không đủ chứng cứ pháp lý. Thận trọng không thừa Theo Văn phòng Interpol, một lý do chủ yếu làm cho hoạt động lừa đảo gia tăng trong khủng hoảng tài chính là do một số nhà đầu tư và tổ chức quá mạo hiểm, đầu tư vào các sản phẩm mang tính rủi ro cao và hệ số nợ của nhiều tổ chức, cá nhân rất cao. Vì vậy, theo ông Chắt, doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về pháp luật và trình độ ngoại ngữ bởi hiện nay trong thương mại quốc tế không chỉ có luật quốc gia mà còn có nhiều thiết chế pháp lý khác có chức năng điều chỉnh các quan hệ đó. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên nắm bắt thông tin về thị trường và đối tác, không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà quên đề phòng bị lừa đảo. Cần nghiên cứu và vận dụng các phương thức thanh toán quốc tế… Nhưng cũng cần khẳng định rằng, lỗi không hoàn toàn ở doanh nghiệp. Loại tội phạm lừa đảo quốc tế này xuất hiện gia tăng chủ yếu do hệ thống pháp luật về kinh tế còn nhiều kẽ hở; hiểu biết và năng lực kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp còn yếu. Hiện mỗi tháng, có hàng trăm thông tin từ các đơn vị nghiệp vụ được xác minh thông qua con đường Interpol, Aseanapol. Bên cạnh đó, nhiều đơn thư của cá nhân hoặc công ty phía Việt Nam đề nghị xác minh làm rõ tư cách pháp nhân, khả năng tài chính của các công ty tại nước ngoài (Lào, Jordan, Ba Lan, Mỹ, Hàn Quốc) để phòng ngừa rủi ro trước khi ký kết hợp đồng kinh tế. Hoạt động trên đã giúp các doanh nghiệp trong nước tránh được rủi ro. Điểm yếu cần sửa Theo ông Nguyễn Gia Hảo: “Kiến thức kinh doanh các doanh nghiệp Việt Nam được đào tạo chỉ toàn là những “cái tốt”, còn nhà trường không dạy cho doanh nhân những “cái xấu” sẽ gặp phải trên thương trường để biết mà đối phó, nên rất dễ bị lừa”. Còn Luật sư Vũ Ngọc Mỹ Linh lại cho rằng, hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa có thói quen xây dựng một “văn phòng luật” hoặc một đối tác tư vấn luật lâu dài - đây là điểm sơ hở nhất của doanh nghiệp Việt Nam, bởi lựa chọn đối tác tư vấn luật là một bước đi mang tính “chiến lược” giúp hạn chế tối đa khả năng lừa đảo bằng hợp đồng của đối tác. Đã vậy, khi bị đối tác nước ngoài lừa đảo, các doanh nghiệp vì “sĩ diện” lại tìm mọi cách che giấu nên các đồng nghiệp không biết kinh nghiệm để né tránh, đối tượng lừa đảo càng có nhiều cơ hội “làm ăn” với các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy mà Việt Nam không chỉ là “vùng đất hứa” cho các nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn nghiêm túc, mà còn là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo quốc tế tìm đến. Để không trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo quốc tế, theo TS. Lê Thành Dương - Viện trưởng Viện Kiểm sát phúc thẩm tối cao tại TPHCM đúc kết:“Khi làm ăn, muốn phát triển lâu dài, bản thân doanh nghiệp phải mạnh về tổ chức, lãnh đạo công ty phải có năng lực, có kiến thức pháp luật”. Ngoài ra, khi ký hợp đồng, phải tự tin ở mình và thận trọng, kỹ lưỡng trước các đối tác lớn. Đừng e dè mình là doanh nghiệp nhỏ mà bỏ qua các bước thẩm định đối tác cũng như các yêu cầu của pháp luật. Phải luôn chặt chẽ, thận trọng và cảnh giác trước mọi đối tác trong kinh doanh, từ đó có những đối sách phù hợp. Đồng thời cũng nên lường trước những tranh chấp có thể xảy ra để chủ động thực hiện theo đúng pháp luật và đạt hiệu quả.