Chiều 12/5, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) đã ký quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Cơ khí Bình Triệu (mã BTC) và chuyển sang giao dịch hạn chế vào đợt khớp lệnh cuối cùng.
Để làm rõ trường hợp của BTC cũng như một số trường hợp khác, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định Niêm yết HOSE.
Thưa bà, trong những trường hợp nào thì cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết tại HOSE?
Theo điều số 14, Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, thì có hai trường hợp hủy bỏ niêm yết đó là: hủy niêm yết bắt buộc và hủy niêm yết tự nguyện.
Hủy niêm yết bắt buộc là trường hợp công ty niêm yết không còn đáp ứng được các quy định như ngừng hoặc bị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ một năm trở lên; sản xuất kinh doanh bị lỗ 3 năm liên tiếp và tổng số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất; và một số quy định khác.
Trường hợp hủy niêm yết tự nguyện là trường hợp tổ chức niêm yết đề nghị hủy bỏ niêm yết (như trường hợp một số doanh nghiệp phải làm hủy niêm yết tự nguyện chuyển ra sàn Hà Nội) và có nghị quyết đại hội cổ đông đồng ý.
Như vậy, chiểu theo những quy định của HOSE thì tới đây sẽ có bao nhiêu cổ phiếu niêm yết tại đây bị hủy niêm yết, thưa bà?
Trước mắt có 20 công ty cổ phần đã có nghị quyết đại hội cổ đông chuyển ra Hà Nội, gồm: Bao bì Bỉm Sơn BPC), Đồ hộp Hạ Long (CAN), Nhựa Đà Nẵng (DPC), Nhựa xây dựng Đồng Nai (DNP), Cảng Đoạn Xá (DXP), Bao bì PP Bình Dương (HBD), Gạch ngói Nhị Hiệp (NHC), Cơ khí Xăng dầu (PMS), Thủy điện Ry Ninh (RHC), Lương thực thực phẩm Safoco (SAF), Dệt lưới Sài Gòn (SFN), Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), Hàng hải Sài Gòn (SHC), Thủy sản Số 1 (SJ1), Cáp treo Núi bà Tây Ninh (TCT), Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (TMC), Viễn Liên (UNI), Cảng Rau Quả (VGP), Vitaly (VTA), Viễn thông VTC (VTC).
Còn hai công ty nữa cũng có kế hoạch chuyển sàn nhưng đang chờ xin ý kiến đại hội cổ đông thông qua như Sơn Đồng Nai (SDN) và Gạch men Thanh Thanh (TTC).
Tuy nhiên, trên đây là những công ty nằm trong trường hợp hủy niêm yết tự nguyện.
Vậy trường hợp hủy niêm yết của BTC là như thế nào, thưa bà?
BTC là trường hợp công ty bị bắt buộc hủy niêm yết. Tuy nhiên, phải giải thích là trường hợp BTC bị hủy niêm yết không phải là do công ty bị lỗ 3 năm liên tục (vì năm 2009 BTC vẫn có lãi), và cũng không phải mức lỗ của BTC vượt quá vốn chủ sở hữu hay công ty ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh trên 12 tháng.
Việc hủy niêm yết của cổ phiếu này là theo quy định tại điểm h, khoản 1 Điều 14 của Nghị định 14, đó là đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết.
Để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, HOSE vẫn cho phép BTC được giao dịch hạn chế vào đợt khớp lệnh cuối cùng của phiên, từ 10h15-10h30, chờ cho đến khi sàn UPCOM ra đời sẽ chuyển sang niêm yết trên sàn này.
Và đến chiều 12/5, chúng tôi đã chính thức đưa ra quyết định hủy niêm yết cổ phiếu BTC trên sàn HOSE, thông báo rộng rãi trên website của Sở và gửi công văn cho các công ty chứng khoán thành viên.
Việc lần đầu tiên đưa ra quyết định hủy niêm yết một cổ phiếu có gặp nhiều khó khăn không, thưa bà?
Để đi đến quyết định này, HOSE đã phải cân nhắc khá kỹ.
Tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE đều có lượng cổ đông khá đông nên chúng tôi phải xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định để bảo vệ quyền lợi cho họ. Và tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, chúng tôi sẽ trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét và quyết định, sau đó mới công bố rộng rãi đến công chúng.
Như trường hợp của BTC, đúng theo luật phải làm là khi có ý kiến từ chối từ kiểm toán, chúng tôi sẽ hủy niêm yết ngay, nhưng do lượng cổ đông của BTC khá nhiều (gần 2.000 cổ đông) nên chúng tôi đã quyết định cho phép BTC được giao dịch hạn chế vào 15 phút cuối của phiên.
Mặt khác, để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, trước khi chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc một công ty nào, chúng tôi cũng đã lên tiếng cảnh báo về tình hình sức khoẻ của công ty đó để nhà đầu tư được rõ.
Cổ phiếu bị hủy niêm yết, các cổ đông nắm giữ các cổ phiếu này sẽ được xử lý thế nào?
Cổ đông vẫn có đầy đủ các quyền lợi của một cổ đông tại công ty cổ phần, được chia cổ tức khi công ty làm ăn có lãi, được quyền hoạt động như một công ty đại chúng dưới sự kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Đối với trường hợp của Bông Bạch Tuyết hay Tribeco thì có bị hủy niêm yết không, thưa bà?
Trường hợp của Bông Bạch Tuyết (BBT) nếu chiểu theo điều 14, Nghị định 14 thì vẫn chưa rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc. Bởi vì theo quy định này, BBT mới chỉ bị thua lỗ 3 năm liên tục, nhưng tổng mức lỗ 3 năm vẫn chưa vượt quá vốn chủ sở hữu. Trường hợp này chỉ bị đưa vào dạng cảnh báo thôi.
Như trường hợp của Tribeco, mặc dù mức lỗ của Tribeco 2008 vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng nếu công ty phát hành cổ phiếu tăng vốn thì mức lỗ này thấp hơn vốn chủ sở hữu. Mặt khác, Tribeco vẫn không nằm trong trường hợp bị thua lỗ 3 năm liên tục nên chỉ bị đưa vào dạng cảnh báo.
Cổ phiếu bị hủy niêm yết, nếu muốn niêm yết trở lại có được không? và trong trường hợp đó phải đáp ứng những điều kiện gì, thưa bà?
Quy định tại khoản 3, điều 14 của Nghị định này có quy định: “Tổ chức có chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết chỉ được đăng ký niêm yết lại ít nhất 12 tháng sau khi bị hủy bỏ niêm yết nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 và khoản 1 Điều 9 Nghị định này (chẳng hạn như hoạt động lãi 2 năm liên tục, có vốn điều lệ đáp ứng quy định của HOSE cũng như sàn Hà Nội…). Hồ sơ, thủ tục niêm yết lại thực hiện theo quy định tại Điều 10 nghị định này.