Bắt chước Trung Quốc, Việt Nam sẽ không thể thành công
 
"Nhìn ở góc độ chiến lược cạnh tranh quốc gia, nếu Việt Nam “bắt chước” Trung Quốc, và chỉ dựa vào lợi thế nhân lực giá rẻ thì khó có thể thành công. Việt Nam hãy mở cửa và biến ASEAN thành thị trường của mình", GS. Michael Porter chia sẻ.

 

Sáng 29/11, Giáo sư Michael Porter, cha đẻ của chiến lược cạnh tranh đã đến Hà Nội và có buổi thuyết trình dài gần 3 tiếng đồng hồ trước 1.000 doanh nghiệp, quan khách Việt Nam về chiến lược cạnh tranh ngày nay. Sự kiện này do Trường doanh nhân Pace chủ trì tổ chức.
Khác biệt và độc đáo mới làm nên thành công
Xuyên suốt bài thuyết trình của vị giáo sư nổi tiếng này là thông điệp: phải làm sao tạo sự khác biệt, sự độc đáo trong một chiến lược cạnh tranh và đó là mấu chốt của sự thành công ngày nay.
Theo giáo sư, các doanh nghiệp Việt Nam cần tránh những “cái bẫy” khá phổ biến trong tư duy về chiến lược cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp thường nhầm lẫn giữa chiến lược và mục tiêu mà không tạo ra sự khác biệt nào. Và tâm lý của nhà quản lý thường có xu hướng, thấy người ta thành công cái gì, làm hay, làm tốt cái gì thì cũng bắt chước và làm theo.
Trong quá trình cạnh tranh, chiến lược tệ nhất là cạnh tranh về giá và cách thức đó chỉ làm cho lợi nhuận công ty suy giảm. Nhưng, hiếm khi các nhà quản lý lại hiểu nguyên tắc căn bản này, giáo sư nói.
Cắt nghĩa sâu về “khái niệm khác biệt, độc đáo”, giáo sư Michael Porter cho rằng, nếu như, doanh nghiệp chỉ có khác biệt nhỏ trong một sản phẩm, một dịch vụ thì rồi, cũng sẽ bị sao chép. Nhưng nếu là sự khác biệt trong chiến lược thì không ai sao chép được.
Cụ thể hơn, ông nói, các doanh nghiệp cần có sự “tuyên bố” cung cấp một chuỗi giá trị khác biệt. Sự khác biệt đó cần được thể chế hóa trong công ty và thực hiện lâu dài, mọi người trong một doanh nghiệp phải thấm nhuần và học cách hành xử dựa trên giá trị đó. Không phải cứ kinh doanh là chỉ có chuyện tiền bạc, nhà lãnh đạo phải làm sao khích lệ cho mọi người tạo ra những điều phi thường.
Giáo sư nhấn mạnh: "Chỉ khi nào xây dựng được sự khác biệt, độc đáo thì đó mới là một chiến lược cạnh tranh tích cực và tất cả các công ty đều được lợi. Đó là sự cạnh tranh mở rộng giá trị".
Ông cũng nhấn mạnh rất nhiều lần trong bài thuyết trình rằng: mỗi một nhà lãnh đạo xây dựng chiến lược cạnh tranh sẽ phải trả lời được câu hỏi “không nên làm gì?” Đây cũng chính là tư tưởng cốt lõi nhất của vị chuyên gia này.
Lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp được hình thành từ sự khác biệt hay là từ chi phí thấp… Mỗi công ty phải quyết định đi theo hướng nào, giá cao, công nghệ tốt, giao hàng nhanh hơn, hay là theo đuổi phân khúc giá rẻ, chỉ có sản phẩm duy nhất, thiết kế tương đồng nhưng chi phí sản xuất rẻ hơn?
Ông nói, rất khó để đi theo cả hai nhưng nếu không xác định rõ ràng thì nhà quản lý sẽ lúng túng như bị mù trong chính chiến lược cạnh tranh của mình. Các công ty và nhà quản lý phải biết đi đâu, định vị vị trí cạnh tranh của mình trong thị trường.
Tuy nhiên, không phải các doanh nghiệp phải gắn bó cả đời với “chiến lược” nếu như, nó không còn phù hợp trong xu hướng thế giới. Chiến lược cạnh tranh vẫn có thể thay đổi nhưng cần thận trọng để đảm bảo thành công.
Bắt chước Trung Quốc, Việt Nam không thể thành công
Nhìn rộng ra tới nền kinh tế Việt Nam, giáo sư Michael Porter bày tỏ: “Đây là kỷ nguyên mới của cạnh tranh. Trước đây, tăng trưởng của Việt Nam rất ấn tượng và rất dễ thành công nhưng sự thành công dễ dàng đó đã trở thành quá khứ! Trong tương lai, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh hơn".
Ông nói: “Môi trường kinh doanh Việt Nam trước đây là phức tạp, nay, đang tốt dần lên nhưng các cơ quan Chính phủ phải lắng nghe, để biết phải làm gì giúp các công ty cạnh tranh tốt hơn”.
GS Micheal Porter (trên) thuyết trình tại buổi hội thảo ngày 29/11 (ảnh BTC)
Theo ông, lợi thế cạnh tranh hiện nay của Việt Nam là người dân cần cù nhưng lương thấp, thị trường tương đối lớn. Nhưng Việt Nam vẫn có khả năng thành công mà không phải dựa vào nhân công giá rẻ.
Trong thời điểm này, Việt Nam sẽ phải tìm được phân khúc và hình thức kinh doanh phù hợp khác, ví dụ như phục vụ thị trường khu vực. Nếu Việt Nam bắt chước Trung Quốc và dựa vào nhân lực giá rẻ sẽ không thành công.
Việt Nam không nên đi một mình, một hướng mà phải mở cửa ra thế giới. Đối tác thương mại tự do nhất của Việt Nam chính là các nước láng giềng. Việt Nam nên biến ASEAN thành một thị trường của chính mình, giáo sư nhấn mạnh.
Sáng 30/11, Giáo sư Michael Porter sẽ chủ trì cùng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải công bố báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam. Giáo sư cho biết, báo cáo này sẽ đưa ra mô hình phát triển mới cho Việt Nam.
Chia sẻ thêm về tư tưởng chiến lược cạnh tranh của giáo sư Michael Porter, chuyên gia kinh tế Giản tư Trung, hiệu trưởng Trường doanh nhân Pace cho rằng, đối chiếu vào thực tế doanh nghiệp Việt Nam, và để hiểu và thực hiện được một chiến lược khác biệt, độc đáo là một khoảng cách khá xa.
Tuy nhiên, một đặc thù ở các doanh nghiệp Việt Nam là tốc độ học hỏi và thích nghi rất nhanh, linh hoạt.
Có thể thấy, những nguyên lý cơ bản về chiến lược cạnh tranh của giáo sư Michael Porter là vượt không gian, thời gian nhưng áp dụng nguyên lý đó trong thực tế cụ thể, thì phải là là chuyện của mỗi một doanh nghiệp.
Giáo sư Michael E. Porter, Đại học Havard là “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh, đồng thời là một trong 3 “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới cùng với Peter Drucker, “cha đẻ” quản trị kinh doanh hiện đại, Philip Kotler, “cha đẻ” marketing hiện đại.
Ông được mời tư vấn về chiến lược cho hàng loạt các tập đoàn hàng đầu thế giới như: DuPont, Procter & Gamble, Royal Dutch Shell, Scotts Miracle-Gro, SYSCO, Taiwan Semiconductor Manufacturing Company…
Với rất nhiều giải thưởng danh giá về kinh tế, những tư tưởng của ông đã đặt nền móng cho sự hình thành của khoa học chiến lược và cạnh tranh và được giảng dạy rộng rãi ở tất cả các trường về kinh tế và kinh doanh trên thế giới.
Hiện, giáo sư là người chủ trì Bảng xếp hạng thường niên về năng lực cạnh tranh của hơn 120 quốc gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
THEO VEF.VN


Các tin khác